Điều gì xảy ra khi một game NFT đóng cửa?

Trong bối cảnh ngành công nghiệp crypto nói chung và NFT nói riêng tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm trở lại đây, những ngách mới trong thị trường cũng được mở ra, bao gồm các game crypto NFT hoặc play-to-earn. Và dù việc vừa được giải trí, vừa kiếm lợi nhuận chẳng khác gì một giấc mơ có thật, những loại game mới mẻ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất chính là khả năng một game NFT nào đó ngừng hoạt động hoàn toàn. Khi đó, liệu các game thủ có tay trắng rời bỏ cuộc chơi, hay có một lựa chọn thay thế dành cho họ?

Game NFT là gì?

Trước khi đi vào vấn đề, hãy tóm tắt lại một số thông tin hữu ích trước.
Điều gì xảy ra khi một game NFT đóng cửa?
Axie Infinity, một tựa game NFT play-to-earn nổi tiếng thế giới.
Game NFT (hay play-to-earn) là những tựa game sử dụng NFT làm tiền tệ trong game. Nếu như nhiều game truyền thống cũng có một đơn vị tiền tệ trong game, nhưng hoàn toàn mang tính hư cấu và không có giá trị trong thế giới thực, thì game NFT mang lại cho người chơi cơ hội kiếm tiền bằng cách mua và bán NFT trong quá trình chơi.
Những game này cũng thường có token của riêng mình. Lấy Axie Infinity làm ví dụ. Tựa game NFT play-to-earn cực kỳ nổi tiếng này có 2 token riêng là Smooth Love Potion (SLP) và Axie Infinity Token (AXS). SLP được kiếm từ việc “cày cuốc” (farm) trong thế giới Axie Infinity, còn AXS có thể kiếm được từ việc chiến đấu để leo lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng người chơi.
Chưa hết, mỗi nhân vật trong game (gọi là một Axie) lại là một NFT. Chúng có các thuộc tính cũng như giá bán đa dạng, và có thể được mua trên các chợ bên thứ ba như OpenSea. Nhưng có một rủi ro đáng kể mà mỗi người chơi phải chấp nhận khi đầu tư tiền vào một game NFT như Axie Infinity. Giống như mọi tựa game khác, luôn có khả năng vào một ngày đẹp trời, tựa game NFT của bạn thông báo đóng cửa!

Tính bất ổn định của các game và dự án NFT

Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp game NFT vẫn ở giai đoạn mới chớm nở. Các nhà phát triển lẫn game thủ đều có thể thường xuyên mắc sai lầm, do đó không hề ngạc nhiên khi đã có một lượng lớn game NFT “chết từ trong trứng nước”
Xét việc NFT đã là một thứ gây tranh cãi, nhiều công ty đã phải gánh chịu búa rìu dư luận sau khi công bố game NFT mới, hoặc tích hợp NFT vào một game hiện có. Ví dụ, nhà phát triển game Anh Quốc, Team17, bị cộng đồng tẩy chay vào đầu năm 2022 sau khi công bố dự án NFT MetaWorms mới sau thành công của loạt game Worms kinh điển.
Đúng như bạn có thể đoán được, sự cố này khiến các nhà phát triển của Team17 phải hủy bỏ dự án NFT MetaWorms, và họ có lẽ phải đợi thêm một thời gian khá dài trước khi tìm cách dấn thân vào thế giới phi tập trung một lần nữa.
Dù việc hủy bỏ các dự án trước ngày ra mắt có thể khiến một công ty thất thoát tiền bạc, nhưng ngược lại, không người chơi hay khách hàng nào bị bỏ rơi cả. Tuy nhiên, khi một game NFT đã có người chơi quyết định ngừng hoạt động, mọi chuyện có thể hơi phức tạp một chút. Đó chính là những gì đã xảy ra với game NFT trên nền Ethereum Formula 1 vào tháng 4/2022.

Game NFT chính thức của F1 ngừng hoạt động

Điều gì xảy ra khi một game NFT đóng cửa?
Năm 2019, Animoca Brands, một công ty phát triển phần mềm game Trung Quốc, đã tung ra F1 Delta Time. Tất nhiên, F1 Delta Time lồng ghép các màn đua xe vào gameplay, nhưng bản thân những chiếc xe đó là các NFT.
Khi mà game càng nổi tiếng, giá xe NFT cũng tăng theo. Năm 2020, một NFT được tạo ra dành riêng cho kỷ niệm lần thứ 70 của Formula 1 đã được bán với giá 265.000 USD. Một NFT khác được bán với giá còn cao hơn, 288.000 USD, tuy nhiên nhiều người cho rằng nguyên nhân của sự tăng giá này là do phần tiền thu về sẽ được dùng để hỗ trợ cho cuộc chiến chống cháy rừng ở Úc. Dù sao đi nữa, có thể nói các NFT của F1 Delta Time đã trở thành một tài sản rất có giá trị, thu hút nhiều người chơi đổ những lượng lớn tiền vào game.
Nhưng có một điều quan trọng cần nhớ ở đây là bản thân Formula 1 không hề phát triển tựa game này. Animoca Brands đã mua giấy phép sử dụng thương hiệu F1 cho game, và mọi giấy phép đều có ngày hết hạn. Theo đó, giấy phép F1 của Animoca Brands hết hạn vào ngày 16/3/2022, cũng là thời điểm hãng thông báo game chính thức ngừng hoạt động.
Đây là một sự cố đáng tiếc, nhưng mọi chuyện còn phức tạp hơn nhiều khi các game thủ đã đầu tư hàng trăm ngàn USD vào game. Bởi giá trị của các NFT đều mang tính chủ quan và thường dựa vào sự độc lạ cũng như nhu cầu, sự sụp đổ của F1 Delta Time đã đặt các game thủ vào một vị thế vô cùng rủi ro.
Vào thời điểm game đóng cửa, mọi NFT của nó cũng trở nên vô giá trị, bởi giá trị của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào game. Vậy các game thủ đã làm gì sau khi nướng hàng ngàn đô vào một thứ mà nay không đáng giá dù chỉ một xu?
Animoca Brands biết rằng họ không thể cứ thế mà lẳng lặng ra đi. Công ty phải đền bù cho game thủ để tránh nhận về cả núi gạch đá và cả dính líu đến kiện tụng pháp lý. Thế là họ công bố rằng sẽ “đảm bảo những chủ nhân hiện tại của các tài sản trong F1 Delta Time được tặng thưởng vì sự trung thành và hỗ trợ của họ”. Nhưng chính xác thì tặng thưởng những gì?
Animoca Brands đã liệt kê nhiều cách để bù đắp cho game thủ, bao gồm phát hành những mẫu xe thay thế có thể dùng trong các game khác, hoán đổi xe NFT để lấy quyền nhận airdrop hay nhận “Race Pass” (một dạng tài khoản premium), hoặc hoán đổi tài sản Delta Time để lấy các tài sản trung gian khác. Những tài sản này có thể được sử dụng để mua các sản phẩm NFT trong tương lai thuộc hệ sinh thái REVV của Polygon.
Tất nhiên, hầu hết game thủ thích giải pháp đền bù dưới dạng hoàn tiền hơn, nhưng Animoca Brands đâu đưa ra lựa chọn đó? Nói ngắn gọn, vụ đóng cửa F1 Delta Time là một bài học nhãn tiền cho thấy sự khó lường của thế giới NFT.

Game NFT có thể là mảnh đất màu mỡ, nhưng không phải là khoản đầu tư chắc chắn

Chúng ta hẳn từng nghe nhiều câu chuyện về những người bình thường bỗng trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, nhờ mua và bán NFT; và các game NFT khiến việc này trở nên thú vị và sống động hơn nhiều. Nhưng thị trường NFT không có một nền móng vững chắc. Có quá nhiều cách khiến bạn trắng tay trong ngành công nghiệp này, và các game NFT không phải ngoại lệ. Đó là lý do tại sao bạn cần cực kỳ cẩn trọng khi đầu tư tiền, dù ít hay nhiều, vào một tựa game NFT.
Tham khảo: MakeUseOf
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top