Động vật kỳ quái thở bằng hậu môn, sống ở nơi tăm tối nhất trái đất

Thực chất, đây là loài hải sâm của đại dương. Tuy nhiên, cơ thể dạng trong mờ và có màu hồng của chúng cùng một số đặc điểm khá giống với loài heo trên cạn nên chúng được gọi là lợn biển. Loài vật kỳ quái này được gọi là "giống ngoài hành tinh dưới đáy biển", chúng chuyên tìm kiếm các sinh vật phân hủy làm thức ăn, thở qua hậu môn và có làn da chứa chất độc.

Lợn biển sống ở đâu và ăn gì

Lợn biển được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà động vật học người Thụy Điển Johan Hjalmar Théel, khi ông đi vòng quanh thế giới từ năm 1872 đến năm 1876, và là một trong số 65 loài mới được ông mô tả trong các bài viết của mình.
Động vật kỳ quái thở bằng hậu môn, sống ở nơi tăm tối nhất trái đất
Chúng sống ở những khu vực sâu và tăm tối nhất dưới đáy đại dương, sâu nhất là gần 5 nghìn mét. Nếu thoát khỏi môi trường này, chúng khó tồn tại được và rất khó để đưa chúng đến một nơi khác để nghiên cứu. Được gọi với cái tên "lợn biển" nhưng đặc điểm sinh lý của chúng không có gì liên quan đến loài lợn trên cạn. Nó được ví như một chiếc "máy dọn rác" dưới đại dương bởi chúng dành cả cuộc đời trong bóng tối để đi nhặt xác sinh vật phân hủy. Lợn biển sử dụng các xúc tu trên cơ thể của chúng để nhặt nhạnh những gì từ "xác chết" có thể ăn được.
Cảnh những chú lợn biển diễu hành dọc theo đáy đại dương.
Các xúc tu trông giống như những "ăng-ten" trên cơ thể lợn biển không tiến hóa để di chuyển, thay vào đó, chúng sẽ giúp lợn biển xác định những gì ăn được và những gì không. Theo nhà nghiên cứu David Pawson, những nơi nào có thức ăn dồi dào, chúng sẽ tụ tập thành đàn.
Johan Hjalmar Théel nói rằng "Con vật này có thể phân loại những vùng có mùi bùn có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn, vì vậy bạn thường tìm thấy chúng thành từng bầy tập trung ở những nơi có nhiều bùn hữu cơ." Chúng sẽ đợi những sinh vật thủy sinh sống ở tầng biển phía trên đã chết và chìm xuống đáy, là nguồn dinh dưỡng chính cho lợn biển.
Sinh vật đại dương kỳ lạ này có khoảng 10 xúc tu gần miệng, những xúc tu nhỏ sẽ giúp xác định đường để chúng di chuyển về phía trước, chúng thường di chuyển ngược lại dòng chảy và ăn những thức ăn nào gặp trên đường đi. Nếu gặp một thứ gì đó lớn như xác cá voi trôi dạt xuống đáy biển, loài lợn biển sẽ ngay lập tức tiêu thụ lớp bùn giàu chất dinh dưỡng phía dưới xác cá voi.

Thở bằng hậu môn, tự bảo vệ mình bằng làn da chứa độc

Lợn biển dài trung bình từ 10 đến 14cm. Trong khi hầu hết các loài hải sâm khác chỉ là những "ống thịt" đơn thuần thì loài lợn biển này di chuyển bằng các chi thuôn dài được gọi là chân ống. Các chân ống này được kết kết nối với một “hệ thống mạch nước”, do vậy động vật da gai này mang trên mình một lượng nước đáng kể và áp suất thủy lực sẽ giúp chúng đi lại dưới nước.
Cảnh quay rõ nét và cận cảnh về loài lợn biển trong môi trường sống tự nhiên.
Loài lợn biển này không dùng mũi miệng như các loài khác để thở mà chúng thở bằng... hậu môn, được gọi là "cái miệng thứ hai" ở đằng sau. Những sinh vật này thở bằng cách mở rộng và co cơ một cách nhịp nhàng để bơm nước vào các lỗ chân lông, tiếp tục lọc nó thông qua một cấu trúc giống với lá phổi được gọi là "cây hô hấp" để lọc oxy trong nước.
Đặc biệt hơn nữa, lớp da chứa chất độc của chúng sẽ chính là vũ khí để bảo vệ, giúp chúng tránh được những kẻ săn mồi. Chúng không hề sợ hãi khi bị những kẻ săn mồi quấy rối. Thậm chí, lợn biển còn trở thành "người hùng" bảo vệ cho những kẻ yếu, những con cua hoàng đế đã ẩn nấp dưới cơ thể lợn biển để tránh những kẻ săn mồi khác.
Thế giới của loài lợn biển thực sự là quá tách biệt với những loài khác và hiếm khi chúng xảy ra những va chạm với những kẻ khác. Tất cả những gì chúng ta biết là lợn biển rất độc, chúng chỉ lang thang trong bóng tối và ăn thịt xác chết.
Theo dự đoán, lợn biển có thể sống khoảng 10 năm hoặc tối đa 100 năm, còn về đặc điểm sinh sản của chúng, hiện vẫn chưa có dữ liệu nghiên cứu nào.
Nguồn
Allthatsinteresting
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top