Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng tới sức khỏe của chúng ta. Do đó, những thay đổi bất thường của giấc ngủ cũng có thể là tín hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có vấn đề.
Căng thẳng quá độ
Căng thẳng là thứ khó tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại, nhưng khi nó ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, đó chính là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng đó đang dần trở nên quá sức chịu đựng.
Căng thẳng quá độ sẽ khiến nồng độ cortisol (hay còn gọi là hormone căng thẳng) tăng đột biến, khiến bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo. Vốn dĩ, cortisol sẽ được giải phóng một cách tự nhiên khi chúng ta thức dậy và giảm dần khi gần đến giờ ngủ, nhưng nếu tâm trí căng thẳng quá mức, cortisol sẽ không được điều tiết hợp lý khiến bạn khó ngủ hoặc liên tục thức giấc vào ban đêm.
Mất cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa
Sự mất cân bằng trong hệ vi sinh đường tiêu hóa có thể làm rối loạn giấc ngủ. Điều này cũng có liên quan đến sự dư thừa cortisol, ảnh hưởng đến các lợi khuẩn trong ruột, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc phân hủy tryptophan (một loại axit amin) thành serotonin (hormone điều chỉnh giấc ngủ, trí nhớ, tâm trạng,...) và đây cũng là thứ gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bạn.
Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ
Đối với phụ nữ, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến họ thức giấc vào nửa đêm. Tình trạng này thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường đột ngột ngưng thở trong thời gian ngắn khi đang ngủ (trung bình khoảng 30 giây). Cơ thể sẽ tìm cách phản xạ để tự thở trở lại, và điều này có thể khiến bạn giật mình tỉnh giấc.
Tiểu đêm
Một vấn đề hay gặp ở người cao tuổi, chứng tiểu đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ nhiều lần trong đêm. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, không nên uống quá nhiều nước khi gần đến giờ đi ngủ.