Cứ ngỡ, dịch vụ shipper liên quận được hoạt động trở lại tại TP.HCM chỉ có thể là tin vui với người dân. Thế nhưng tin vui ngắn chẳng tày gang. Vì ngay lập tức, từ thời điểm ngày 16/9/2021, dịch vụ shipper liên quận mang đến sự chờ đợi mỏi mòn, và cả mức giá cao ngất ngưởng.
Phí ship cao nhưng dịch vụ được chăng hay chớ
Những câu chuyện oái oăm như đặt 1 tô bún bò hay phở, giá 50.000-60.000 đồng, nhưng phải trả phí ship 30.000 đồng hoặc 35.000 đồng, trong vài ngày qua không còn là chuyện lạ. Tôi có nhu cầu chuyển một ít thực phẩm cho người thân từ Quận 4 đi đến đường Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Bình thường, phí ship dao động khoảng từ 40.000-48.000 đồng. Nhưng hôm đó, phí ship từ ứng dụng Gojek nhảy lên mức 83.000 đồng, gấp gần 100% so với ngày thường trước thời giãn cách. Thế nhưng, cuốc đặt GoSend đó kiếm được tài xế cũng đã là may sau vài lần đặt đi đặt lại. Bởi trên thực tế, những ngày qua nhiều người dùng đặt dịch vụ giao hàng của Grab, Gojek, Be… rất khó khăn. Dịch vụ GrabExpress thẳng thừng từ chối đối với những đơn hàng liên quận có quãng đường di chuyển quá dài. Cụ thể theo thông báo của Grab, ứng dụng này sẽ giới hạn khoảng cách đơn giao hàng tùy từng thời điểm trong phạm vi TP.HCM. Đồng nghĩa là, dù người dùng có đồng ý trả phí ship cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi thì cũng không thể sử dụng được dịch vụ. Gojek không công bố về giới hạn khoảng cách giao hàng cho mỗi đơn hàng theo từng thời điểm như Grab, tuy nhiên để đặt được cuốc xe của Gojek phải chờ đợi rất lâu, và có khi cả buổi cũng không tìm được tài xế. Nhìn chung quy định giao hàng liên quận đã thông nhưng dịch vụ shipper vẫn chưa thoáng. Theo quy định, danh sách các tài xế hành nghề shipper của các ứng dụng như Grab, Gojek, Be, Ahamove, ShopeeFood… sẽ được gửi lên Sở Công thương TP.HCM xét duyệt. Cho tới thời điểm này, con số shipper đủ điều kiện được cho phép hoạt động trên địa bàn TP.HCM lên đến hàng chục ngàn, thế nhưng dịch vụ shipper liên quận vẫn gặp ách tắc, dẫn đến tình trạng cầu lớn nhưng cung không đáp ứng. Việc đặt cuốc xe giao hàng qua các ứng dụng công nghệ được chăng hay chớ, thiếu ổn định, trong khi mức phí thì cao ngất ngưỡng. Phí ship cao là do… thuật toán?
Dịch vụ shipper giao hàng liên quận của các ứng dụng công nghệ đã trải qua hàng tháng trời trước đây bị siết chặt. Chính vì thế khi được mở lại, nhu cầu của người dân cũng theo đó dần gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu đó lại gặp phải rào cản mới, đó chính là sự chập chờn của dịch vụ, và phí ship quá đắt đỏ trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người dân bị giảm hoặc mất hẳn nguồn thu nhập, hầu bao thì đã bị bào mòn dần đi đến cạn kiệt. Ăn một tô bún bò giá 50.000 đồng phải trả 30.000-35.000 đồng thì quả là ăn kèm theo cả vị chua chát. Muốn ăn phở nhưng phí ship bằng 60-70% giá bát phở thì chẳng mấy người tiêu dùng có thể cảm thấy ngon miệng được trong bối cảnh thu nhập lâu nay giảm sút. Người tiêu dùng “kêu” thì được phía các ứng dụng công nghệ lý giải rằng phí ship cao là do thuật toán. Đây là một cách đổ lỗi cho phần mềm, máy móc (chứ không phải do lỗi đánh máy nhé!) nhưng rất thiếu thuyết phục. Bởi một thực tế ai cũng có thể hiểu rằng, thuật toán là do con người viết ra, thiết lập, hoàn toàn có thể điều chỉnh. Bản chất phí ship cao ngất ngưởng không phải do thuật toán mà vì các ứng dụng cung cấp dịch vụ giao hàng đang ăn quá dày. Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa (dịch vụ shipper công nghệ), theo đó đề nghị không áp dụng mức giá giờ cao điểm, thay vào đó áp dụng mức giá dịch vụ giao nhận hàng hóa tương tự mức giá áp dụng đối với khung giờ bình thường trong giai đoạn chưa áp dụng giãn cách xã hội, và tuyệt đối không được lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân để nâng giá nhằm trục lợi. Còn nhớ trong nửa đầu tháng 7/2021, hệ thống Bách Hóa Xanh từng bị dư luận phản ứng dữ dội vì tăng giá một số mặt hàng rau xanh, củ, quả lên gấp 2-3 lần trong bối cảnh TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến dân tình đòi tẩy chay hệ thống bán lẻ thực phẩm, bách hóa này. Còn tại thời điểm hiện nay, dịch vụ shipper công nghệ đang sử dụng thuật toán để bào mòn hầu bao của người dùng bằng cách nâng mức phí ship lên cao một cách quá đáng, không chỉ thiếu tinh thần sẻ chia với người dân trong lúc đang gặp rất nhiều khó khăn vì giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” trong bối cảnh dịch bệnh mà còn cho thấy có dấu hiệu vi phạm đạo đức kinh doanh. Các ứng dụng shipper công nghệ cần có đủ nguồn thu để bù đắp các chi phí, shipper cũng cần có thu nhập tương xứng để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình, song không có nghĩa vì thế bắt người tiêu dùng phải gánh chịu mức phí dịch vụ shipper cao đến mức phi lý. Vấn đề là các cơ quan quản lý tại thời điểm này không nên chỉ nhắc nhở hay đề nghị mà ngược lại cần có động thái mạnh hơn, như kiểm tra, thanh tra về giá cước dịch vụ shipper công nghệ để làm rõ thực hư tình trạng tăng phí ship liên quận vô tội vạ tại TP.HCM. Qua đó, cơ quan quản lý cần làm rõ việc có hay không lợi dụng sự hạn chế đi lại của người dân trong bối cảnh giãn cách vì dịch bệnh để nâng giá trục lợi. Trước đó trong trường hợp Bách Hóa Xanh, cơ quan quản lý đã kịp thời ra quân kiểm tra hàng trăm cửa hàng của hệ thống này tại TP.HCM và một số tỉnh, và tiến hành xử phạt không ít điểm bán vi phạm. Đối với tình trạng phí ship liên quận tăng cao vô tội vạ tại thời điểm hiện nay ở TP.HCM, dư luận người dân cũng đang mong có một đợt kiểm tra như vậy. Dạ Thảo