Đừng hỏi về đáy mà nên xem có bao nhiêu tiền mặt để sống sót

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Thế giới chưa suy thoái kinh tế, đại dịch COVID-19 gần như đã đi qua, thị trường chứng khoán thế giới phiên được phiên mất, thế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam thì đang giảm mạnh như thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Hết hỏi về đáy

Từ tháng 4/2022 khi chỉ số VN-Index bắt đầu điều chỉnh và có nhiều phiên sụt giảm mạnh ngoài dự đoán, nhà đầu tư hầu như ai ai cũng quan tâm với câu hỏi “đâu là đáy?”.
Còn hỏi và quan tâm như vậy là còn hi vọng bắt đáy, hoặc chí ít không ít nhà đầu tư tự cho rằng cơ hội đang còn nhiều.
Nhưng cứ mỗi tháng, mỗi tuần qua đi, tới phiên ngày 10/11 có thể thấy rằng, vấn đề đáy ở đâu dường như chẳng còn quan trọng nữa đối với nhà đầu tư. Bởi nếu đáy sau sâu hơn đáy trước, trước mắt sẽ là cái đáy vô tận, và đáy trước là cái bẫy hữu hình do đáy sau vô hình giăng ra đối với những nhà đầu tư, vốn nếu càng nhiều hi vọng thì có thể ôm lỗ càng lớn.
Thay cho câu hỏi về đáy, giờ là câu hỏi bao giờ thị trường hồi phục, bao giờ dòng tiền quay trở lại, hoặc giả cứ ngồi yên khoanh tay đứng nhìn, tích cực hơn thì đi làm việc khác và dứt tâm trí ra khỏi chứng khoán để khỏi đau đầu (với rất nhiều người thua lỗ nặng là stress, trầm cảm).
Từ chỗ chỉ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế và điạ chính trị thế giới, đặc biệt là khi kinh tế Mỹ và Châu Âu đối mặt với mức lạm phát lịch sử trong khi kinh tế Việt Nam vẫn khá ổn định, nhưng giờ thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang gánh chịu hệ lụy nặng nề từ các vụ án mà giới chủ/giới lãnh đạo điều hành doanh nghiệp vi phạm luật pháp gây ra. Thị trường chứng khoán với VN-Index hết đối mặt với sóng gió này tới sóng gió khác, từ các tin đồn về siết vốn vay cho chứng khoán và bất động sản, và rằng một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bự sẽ “xộ khám”, cho đến các vụ bê bối trái phiếu dẫn tới thảm họa nhiều doanh nghiệp niêm yết phải đối mặt hiện nay là dòng vốn, dòng tiền đáo hạn trái phiếu trong khi vốn vay từ ngân hàng đang dần siết chặt và lãi suất cũng đang ở mức cao.
Thị trường chứng khoán là nơi phản ánh, hấp thụ các thông tin tiêu cực rất nhanh, và cũng là nơi gánh chịu các thông tin tiêu cực và những vụ án kinh tế lớn một cách rõ ràng nhất.
Thực ra nhà đầu tư giờ đã chán hỏi về đáy của VN-Index. Bởi có hỏi cũng chẳng để làm gì khi hoàn toàn có thể bước vào cái hố sâu hơn, hoặc nếu có chấp nhận rủi ro cao thì cũng lấy đâu ra dòng tiền khi vay thế chấp margin không còn được thoải mái và lãi suất vay margin liên tục được điều chỉnh tăng.
Đừng hỏi về đáy mà nên xem có bao nhiêu tiền mặt để sống sót

Nên hỏi tiền đâu để tồn tại

Với việc giảm từ mức trên 1.500 điểm xuống mức 947 điểm khi kết phiên ngày 10/11, VN-Index đã mất gần 600 điểm. Chưa xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng VN-Index giảm mạnh chả kém gì thời khủng hoảng tài chính thế giới.
Còn so với thời giảm mạnh do COVID-19 năm 2022, mức giảm của VN-Index hiện nay có thể nói là thảm họa.
Và cũng có lẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giảm điểm mạnh chả giống bất cứ thị trường nào do áp lực đang cực kỳ căng thẳng về vốn và dòng tiền đáo hạn trái phiếu của nhiều công ty bất động sản cũng như dòng tiền để tiếp tục đầu tư triển khai các dự án.
Khi lãi suất ngân hàng tăng cao, mọi thứ đang bị biến đổi theo hướng tiêu cực trong khoản thời gian khá ngắn. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản kẹt cứng về dòng tiền, mà người dân muốn giao dịch mua nhà, đất cũng khó vay hơn, và lãi suất cũng cao hơn. Trong khi đó, nền sản xuất Việt Nam đã có những tín hiệu đầu tiên bị ảnh hưởng từ kinh tế thế giới khi đơn hàng từ nước ngoài đã sụt giảm.
Trong một bối cảnh như vậy, dòng tiền trên thị trường dành cho chứng khoán không bao giờ được ưu tiên mà thậm chí ngược lại. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là thị trường chứng khoán đang kẹt cứng dòng tiền. Trên thực tế, với ít nhất 2 đợt sóng tăng vốn điều lệ vừa qua của hàng chục công ty chứng khoán, nguồn vốn cho vay đã lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, và tại thời điểm hiện tại “dòng tiền rỗi” tại các công ty chứng khoán là rất lớn. Nhưng cho dù thế, không phải nhà đầu tư nào cũng dám vay khi nhìn thấy mức độ rủi ro đang quá cao trên thị trường nuốt chửng những cơ hội nhỏ nhoi.
Với những nhà đầu tư có dòng tiền dồi dào lúc này, có thể nói là một may mắn. Trên thực tế, thị trường đầu tư lúc này không có nhiều lựa chọn khi chứng khoán thì đang trong thảm họa, thị trường bất động sản gần như đóng băng, thị trường tiền số thì tan nát…, chỉ có con đường khá rõ tìm kiếm lợi nhuận là gửi ngân hàng.
Tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực, nhà đầu tư có dòng tiền mạnh lúc này được nhân đôi nhân ba cơ hội khi hoàn toàn có thể ung dung ngồi lựa chọn những cổ phiếu tốt, có tiềm năng và có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong ácc quý vừa qua để mua dần vào trong các phiên VN-Index giảm điểm mạnh như phiên ngày 10/11.
Khi hệ số P/E của VN-Index giảm xuống mức 13x được cho rằng đã thấp nhất trong khoản 5 năm trở lại, mức 9,9x hiện tại càng khó có thể nghĩ đến vào thời điểm cách đây vài tháng.
Cần biết rằng, có đủ dòng tiền để sống sót qua thời điểm này hay không, nếu có thì trước mắt là cả một “khung trời lợi nhuận” nhưng cũng không phải là hoàn toàn dễ ăn.
Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top