Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!

xunghuduongkhi

Cháu đã lớn thế này rồi à. Lại đây chú ôm cái coi.
Thời gian gần đây, trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều màn hình máy tính sử dụng tấm nền OLED thay vì IPS LCD. Điều này được nhiều anh em hoan nghênh vì OLED nổi tiếng với chất lượng hình ảnh ngon hơn LCD. Thế nhưng, nếu trên TV OLED có thể rất ngon, áp đảo LCD trên nhiều khía cạnh, thì với màn hình máy tính lại không đơn giản như vậy.
Do bối cảnh sử dụng của màn hình máy tính khác với TV, chúng ta ngồi gần hơn và phải làm việc nhiều với con chữ, các biểu tượng hay mô hình,... Rất cần màn hình sắc nét và chính xác để tránh hiện tượng rỗ hoặc sai lệch màu sắc. Đối với các sản phẩm sử dụng màn hình OLED, đây dường như là điều bị bỏ qua hoặc không được đề cập đầy đủ.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Khi mua màn hình PC, hãy chú ý đến mật độ điểm ảnh hơn là độ phân giải

Tầm quan trọng của độ sắc nét

Màn hình máy tính thường có mật độ điểm ảnh cao hơn TV vì nhu cầu sử dụng đã nhắc đến ở trên, nhìn càng gần thì càng cần mật độ điểm ảnh (ppi) cao để văn bản và đường viền sắc nét. Đa phần màn hình IPS LCD hiện nay sử dụng ma trận điểm ảnh RGB-RGB mang lại độ sắc nét ấn tượng, càng tăng độ phân giải thì hình ảnh càng sắc nét hơn, giúp bạn có cảm hứng sử dụng hơn.
Một số ít sử dụng ma trận BGR-BGR thì gặp hiện tượng mờ viền, một phần bởi cách sắp xếp này không được hỗ trợ tốt về mặt phần mềm. Ngay cả trên TV cũng vậy thôi, cùng là LCD nhưng mẫu nào dùng BGR-BGR sẽ kém sắc nét hơn RGB-RGB nếu tiến lại gần săm soi kĩ. Song, vấn đề xảy ra với OLED còn nghiêm trọng hơn. Cả 2 loại WOLED và QD-OLED hiện nay đều vướng vào vấn đề riêng với ma trận điểm ảnh của chúng.

Từ quang sai của QD-OLED

Đây là công nghệ màn hình mới xuất hiện của Samsung Display, về cơ chế hoạt động, các bạn có thể tham khảo lại bài viết của mình. Ở đây, bài viết chủ yếu tập trung vào điểm yếu của ma trận điểm ảnh tam giác trên tấm nền QD-OLED. Vẫn là RGB nhưng thay vì sắp xếp theo đường kẻ sọc đều tăm tắp từ trên xuống, Samsung lại chọn bố cục tam giác.
Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Ma trận điểm ảnh tam giác của tấm nền QD-OLED, ảnh trên là thế hệ 1 và ảnh dưới là thế hệ 2 (ảnh: TFTCentral)
Điểm ảnh phụ xanh lá đặt ở góc trên, 2 góc dưới sẽ là điểm ảnh phụ đỏ và xanh lam. Cách sắp xếp này dẫn tới hiện tượng lộ viền tua rua khi hiển thị con chữ hoặc các đường bo cong trên đối tượng hiển thị. Trên cả tấm nền QD-OLED thế hệ 1 lẫn 2, cách sắp xếp không thay đổi mà chỉ làm giảm bớt, nên trong 1 số trường hợp màn hình sẽ trông kém sắc nét hơn kì vọng.
Khi đọc văn bản hoặc các viền vật thể có độ tương phản gắt, bạn có thể thấy đường viền lộ ra màu sắc lạ. Nếu soi kĩ lại thì thấy rất rõ còn nhìn ở khoảng cách bình thường thì đường viền này rất mỏng, chưa chắc bạn đã nhìn thấy. Những ai dễ tính có thể bỏ qua nhanh chóng. Một trường hợp dễ nhận ra là chữ đen trên nền trắng của giao diện soạn thảo Word.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Bạn có thể thấy các đường viền màu xuất hiện
Khi đó, tính năng ClearType hoạt động để cung cấp văn bản trông thật đẹp mắt, khoảng cách đều, nét chữ đậm. Thế là đường viền lộ ra và nếu vô tình bạn phát hiện, có thể cảm thấy hơi khó chịu, những đường viền xanh đỏ cứ bao quanh nét chữ màu đen trên nền trắng. Do cấu trúc ma trận điểm ảnh, màu viền thường là đỏ, tím hoặc tía, đôi khi xanh lá, tùy vào đó là viền trên hay dưới.
Hoặc chữ trắng trên nền đen, nhất là với các bảng tùy chọn chức năng Menu kích thước nhỏ. Khi đó đường viền không lộ ở ngoài mà bên trong nét chữ, bạn dễ dàng nhìn ra nét chữ không còn trắng tinh khôi nữa. Một màn hình LCD không đủ sắc nét cũng có thể bị tương tự, nhưng với tấm nền QD-OLED, nó liên quan đến cấu trúc ma trận điểm ảnh tam giác hơn.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Nếu nhìn vào 1 bảng chọn nền đen chữ trắng, vấn đề sẽ lộ rất rõ
Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Hoặc khi nhìn vào đường viền của thanh tiêu đề của 1 cửa sổ
Và đừng quên OLED là công nghệ cung cấp sản lượng màu dồi dào với độ tương phản cực cao. Chính độ bão hòa màu cao và tương phản gắt càng khiến vấn đề này dễ nhận ra hơn đối với người khó tính. Nếu làm việc nhiều giờ với văn bản mỗi ngày, khó tránh khỏi có lúc bạn phát hiện thấy hiện tượng trên. Còn nếu chủ yếu để chơi game hoặc xem phim, vấn đề này lại ít lộ ra.

Cho đến viền màu của WOLED

Khác với Samsung Display, LG Display sử dụng công nghệ White OLED gồm 4 pixel phụ theo cấu trúc RWBG-RWBG. Điểm ảnh phụ White chỉ để tăng độ sáng cho màu hình nhất là khi hiển thị video HDR. Cũng giống QD-OLED, khi soạn thảo văn bản và tính năng ClearType được bật, xuất hiện những đường viền màu sắc bao quanh con chữ.
Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Cách sắp xếp điểm ảnh của WOLED
Nếu bạn tắt ClearType thì tình trạng này có thể giảm bớt. Nhưng rõ ràng với những ai phải gõ văn bản nhiều thì tính năng mặc định này của Windows đã trở nên quen thuộc.
Ở 1 số ứng dụng như Adobe Reader, khi đọc file PDF cũng có thể bị hiện tượng lộ viền màu này. Điều đáng nói là nó không có ClearType như ở trên, nên khi bạn phát hiện thì chẳng có cách nào xử lý. Dễ nhận ra nhất là khi có đối tượng hiển thị màu vàng hoặc nền vàng.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Ảnh trên là khi bật ClearType, ảnh dưới là đã tắt tính năng này
Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Bên trong giao diện đọc file PDF của Adobe Reader

Cái nào tệ hơn?

Trong 1 trường hợp so sánh giữa QD-OLED và WOLED của mấy anh bên PC Monitors, để xem viền màu của loại công nghệ nào khó chịu hơn, dường như WOLED chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Đối với WOLED, bạn có thể thấy viền màu lộ ra ở bên trái và bên phải. Lộ rõ nhất là hình tròn màu vàng. Còn QD-OLED thì viền lộ ra ở 1 số màu và dễ nhận ra nhất ở hình tròn màu đen.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Ảnh trên là WOLED, ảnh dưới là QD-OLED
Thực tế, còn tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể phát hiện lộ viền màu trên màn hình máy tính của mình. Tuy nhiên với những ai phải xử lý văn bản liên tục, hoặc các công việc liên quan tới chỉnh sửa ảnh, vẽ đồ họa,... tỉ lệ sẽ cao hơn. Còn nếu chơi game và xem phim nhiều thì sẽ khó nhận ra. Nhưng tất nhiên, một khi đã chú ý thì có thể nó sẽ ám ảnh bạn về sau, làm phiền trải nghiệm.

Có cách nào phòng tránh không?

Một phần của trải nghiệm tồi tệ nếu bạn mua màn hình máy tính OLED bây giờ là thiếu hỗ trợ từ Windows. Microsoft vẫn chậm chạp trong việc hỗ trợ render bố cục điểm ảnh của OLED, có lẽ bởi số màn hình sử dụng kết cấu RGB Stripe trên thị trường đã quá nhiều.
Một số người dùng đề xuất sử dụng MacType để cải thiện văn bản rõ nét hơn, giảm bớt hiện tượng viền màu khó chịu. Trong khi chờ Microsoft làm việc để hỗ trợ những loại tấm nền OLED có ma trận điểm ảnh khác biệt, các bạn có thể thử MacType xem sao.

Đừng mua màn hình máy tính OLED nếu chưa đọc bài viết này!
Màn hình đồ họa LG sử dụng tấm nền của JOLED có ma trận RGB Stripe truyền thống
Ngoài ra, một lực chọn khác là tìm kiếm sản phẩm OLED sử dụng ma trận RGB stripe truyền thống. Ví dụ Asus PA32DC hoặc LG 32EP950, vừa có mật độ điểm ảnh cao vừa có ma trận RGB Stripe thông thường, sẽ không gặp tình trạng viền màu này.
Nguyên nhân bởi panel OLED mà 2 mẫu này sử dụng được sản xuất bởi JOLED đến từ Nhật Bản, khác với panel WOLED và QD-OLED của LG, Samsung. Chúng là màn hình đồ họa nhắm tới công việc chỉnh sửa hình ảnh và video nên cần độ chính xác cao.
Hiện nay, đa phần các màn hình máy tính sử dụng tấm nền OLED của Samsung và LG đều hướng tới nhu cầu gaming, do vậy chúng thường ưu tiên tần số quét cao hơn là độ sắc nét hay độ chính xác.


>>> Tìm hiểu về công nghệ QD-OLED của Samsung, khác gì với LG OLED?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top