Facebook đóng thuế nhà thầu, vì sao người tiêu dùng Việt phải gánh một phần?

Một thông báo từ công ty mẹ Meta của Facebook, từ ngày 1/6/2022 tới, Facebook bắt đầu thu thêm 5% phí quảng cáo từ khách hàng tại Việt Nam để nộp thuế tại Việt Nam. Loại thuế Facebook phải nộp được gọi là Thuế nhà thầu.

Lâu nay Facebook, Google có nộp thuế nhà thầu không?

Có thể nói, quyết định của Facebook rất đáng hoan nghênh. Và chúng ta, những công dân tại Việt Nam và rất nhiều người đã, đang và sẽ là khách hàng quảng cáo của Facebook, Google cũng như những dịch vụ xuyên biên giới khác, rất mong đến lượt Google, Netflix… cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu tại Việt Nam như Facebook. Theo công bố từ Bộ Tài chính, những năm qua ngành thuế đã thu được gần 5.000 tỉ đồng thuế nhà thầu từ Facebook (1.694 tỉ đồng), Google (1.618 tỉ đồng) và Microsoft (576 tỉ đồng). Trong đó, chỉ riêng năm 2021, ngành thuế thu được khoản thuế 1.317 tỉ đồng từ các dịch vụ xuyên biên giới kể trên, tăng 15,2% so với năm 2020. Tuy nhiên khoản thuế trên, tiếng là thu từ Facebook, Google và Microsoft nhưng lại không do các “ông lớn” này đóng trực tiếp, mà do các đại lý của họ tại Việt Nam – là những doanh nghiệp đại lý quảng cáo bán hàng có pháp nhân tại Việt Nam, đóng thay khoản thuế nhà thầu (với mức là 10% đối với dịch vụ của Facebook và Google). Trên thực tế, khoản doanh thu từ thị trường Việt Nam mà khách hàng là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp từ Facebook và Google và thanh toán qua phương thức trực tuyến là rất lớn, nhưng các “ông lớn” lâu nay vẫn chưa đóng thuế nhà thầu 10% tại Việt Nam đối với khoản doanh thu này theo quy định. Khoản thuế này lớn đến đâu có lẽ cơ quan quản lý nắm rõ. Nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Còn nhớ năm 2021, một thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, khoảng 70% doanh thu quảng cáo của Facebook và hơn 50% doanh thu quảng cáo của Google thu trực tiếp từ khách hàng tại Việt Nam. Hai “ông lớn” này đã chiếm khoảng từ 70-75% tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, theo đó khoản thất thu thuế nhà thầu 10% tính ra lên đến hàng chục triệu USD. Chính vì thế, dư luận lâu nay cho rằng Facebook và Google “trốn thuế”, “không đóng thuế” tại Việt Nam là vì lẽ đó.

Thu thêm 5% phí quảng cáo có hợp lý?

Cần biết rằng, mức Thuế nhà thầu (TNT) đối với nguồn doanh thu của Facebook, Google từ thị trường Việt Nam theo quy định hiện hành là 10%. Đây là loại thuế tổng hợp 2 sắc thuế khác gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) đối với tổ chức, doanh nghiệp nhà thầu nước ngoài) hoặc thuế thu nhập cá nhân (đối với cá nhân cung cấp dịch vụ từ nước ngoài), với cơ cấu 5% VAT + 5% TTNDN = 10% TNT. Chính vì thế, Facebook càng có lý do để “hợp thức hóa” để thu thêm khoản phí quảng cáo 5% đối với khách hàng từ ngày 1/6 tới . Bởi về bản chất, VAT là sắc thuế đánh vào tiêu dùng. Chính phủ thu thuế VAT từ người tiêu dùng, tuy nhiên do không thuận lợi trong việc thu trực tiếp cho nên phải thu gián tiếp thông qua việc thu hộ của nhà bán hàng/cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, điều không rõ ràng dẫn đến từng gây ra thắc mắc, nghi ngờ, tranh cãi trước đây là, giá dịch vụ quảng cáo Facebook bán cho khách hàng lâu nay đã bao gồm thuế VAT hay chưa mà bây giờ lại thu thêm? Chắc chắn các “ông lớn” sẽ chẳng dại gì cho rằng đã bao gồm vì như thế sẽ bị đặt ngay câu hỏi, vậy 5% VAT đã bao gồm lâu nay đã đi về đâu? Ngược lại cho rằng chưa bao gồm lại vừa an toàn trước dư luận và vừa có lợi cho bản thân và như đã nói, đây cũng chính là để tạo cơ sở thu thêm phí quảng cáo 5% đối với khách hàng trong thời gian tới. Và cũng khá chắc chắn rằng, nếu Google, Netflix tiếp nối việc sẽ đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam thì cũng sẽ thu thêm phí như Facebook mà thôi chứ chẳng dại gì móc trọn 10% từ hầu bao để đóng thuế. Như phân tích ở trên, 5% còn lại là phần TTNDN, tất nhiên Facebook, Google hay các “ông lớn” cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khác phải móc hầu bao để nộp. Song đây cũng chỉ thuần túy là về con số. Còn về mặt chiêu thức, các “ông lớn” vẫn có thể tránh việc phải tự chi 5% thuế này bằng cách tăng bảng giá dịch vụ với mức tương ứng để bù đắp cho khoản 5% TTNDN trong cơ cấu 10% thuế nhà thầu. Tóm lại, các “ông lớn” như Facebook, Google vốn đang thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực dịch vụ của họ, càng có điều kiện thuận lợi để tung ra các chiêu thức nhằm mang đến lợi ích nhiều nhất cho mình và tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận. Các chi phí của doanh nghiệp, về nguyên tắc sẽ tính cả vào giá bán hàng và cuối cùng thì người tiêu dùng, khách hàng phải gánh chịu chứ không phải ai khác. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top