Giá cước loại hình vận tải này đang "tăng phi mã", so với thời Covid-19 đã lên hơn gấp đôi

Mẫn Nhi

Admin xinh gái
Thành viên BQT
Sau thời gian ngắn hạ nhiệt hồi đầu năm, giá cước vận tải container từ châu Á đi châu Âu và châu Mỹ đã quay đầu tăng mạnh, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng logistics mới.

Theo dữ liệu từ Drewry - Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập, sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2024, giá cước vận tải container có giảm nhẹ trong tháng 2. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, giá cước lại tăng tốc chóng mặt. Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá đã tăng 17% so với đầu năm và cao hơn 45% so với cùng kỳ năm 2023. Thậm chí, con số này đã tiệm cận mốc kỷ lục ghi nhận vào thời điểm cao điểm đại dịch tháng 9/2021.

Drewry cho biết, tình trạng ùn tắc tại các cảng châu Á là nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng phi mã của giá cước. Bên cạnh đó, các báo cáo từ công ty môi giới tàu biển và chuyên trang nghiên cứu hàng hải cũng chỉ ra, giá cước vận tải container tuyến hàng hải quốc tế đã tăng vọt, cụ thể là tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 110% so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

1718863618071.png


Nhiều yếu tố khác cũng được cho là góp phần đẩy giá cước vận tải leo thang. Nguồn cung tàu container bị thu hẹp do nhiều tàu phải thay đổi lộ trình, đi vòng qua khu vực Biển Đỏ do xung đột chiến sự. Nhu cầu vận chuyển tăng cao vào mùa cao điểm cùng với tình trạng thiếu container rỗng cũng là những yếu tố khiến giá cước tăng mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, quyết định tăng thuế của Mỹ đối với xe điện, tấm pin mặt trời và vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, từ khoảng 25% lên tới 100% kể từ tháng 8/2024, đã khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa trước thời điểm áp thuế tăng đột biến. Cùng với đó, lo ngại về nguy cơ đình công tại các cảng biển Bờ Đông nước Mỹ do cuộc đàm phán tiền lương giữa công nhân và doanh nghiệp vào tháng 9 tới cũng khiến các chủ hàng đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng hóa đến Mỹ.

Tại Việt Nam, Cục Hàng hải ghi nhận giá cước vận tải container trên thế giới đã tăng trung bình 12%. Trong đó, giá dịch vụ vận chuyển từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14%, tuyến châu Mỹ về châu Á giữ nguyên mức giá, riêng các tuyến nội Á ổn định hơn, chỉ tăng nhẹ từ 5-10%.

Giới chuyên gia dự báo, giá cước vận tải biển có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguy cơ thiếu hụt container rỗng ngày càng gia tăng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cảng biển còn lo ngại, giá cước có thể sẽ sớm quay trở lại mức đỉnh điểm từng ghi nhận trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top