Giá xăng, giá cước, “té nước theo mưa”?

Xung quanh câu chuyện giá xăng leo thang đang nóng hổi và nhiều tài xế xe công nghệ ế ẩm chán nản tắt app nghỉ chạy, nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Ai bị ảnh hưởng trực tiếp, ai đang hưởng lợi, và việc một số hãng tăng cước dẫn đến hệ lụy ra sao…

Giá xăng “leo” đến đâu trong thu nhập của tài xế?

Giá xăng tăng ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế là chuyện khó tránh khỏi. Theo tài xế GoRide Th.L. của hãng Gojek, thường mỗi ngày anh chạy khách thu nhập khoảng 800.000 đồng thì chi phí xăng chiếm từ 70.000-75.000 đồng. Anh Th.L. thuộc hàng sao trong giới tài xế Gojek, thường luôn đạt điểm. Chính vì thế, việc xăng tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của anh. Nhưng cũng theo anh, với nhiều trường hợp tài xế khác, nếu không nhiều cuốc xe trong ngày, hoặc có nhưng quá nhiều cuốc thu nhập thấp nhưng lại phải di chuyển một quãng đường xa để đến điểm đón khách hay nhận hàng, thu nhập của tài xế đã thấp lại còn bị bào mòn thêm vì giá xăng tăng. Tài xế GrabBike H.L. chia sẻ, anh nhận một cuốc xe giao hàng từ Quận 4 sang Quận 1, quãng đường khoảng 3km và tổng số tiền anh được hưởng là hơn 16.700 đồng trên tổng tiền đơn hàng là 25.000 đồng. Tính ra, mỗi km anh di chuyển giao hàng nhận được chưa tới 6.000 đồng; còn nếu tính cả quãng đường di chuyển xe không đến điểm lấy hàng gần 1km thì mỗi km anh chỉ nhận được chưa tới 5.000 đồng, khấu trừ chi phí xăng nhớt thì mức thu nhập trên mỗi km chỉ khoảng hơn 4.000 đồng. “Nhiều tài xế ít đơn hàng, cuốc chạy lại ngắn, cảm thấy nản cho nên đã tắt app để khỏi nhận cuốc, ở nhà nghỉ cho khỏe”, tài xế H.L. bộc bạch. Nhìn chung, giá xăng tăng chỉ là một yếu tố. Yếu tố cộng hưởng nữa là tình hình nhìn chung ế ẩm hơn, nhiều tài xế thậm chí cả buổi không có nỗi 1 cuốc. Tài xế H. của Gojek bình thường mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 đồng. “Chạy từ 6 giờ sáng tới giờ hơn 10 giờ sáng mới chỉ có 2 cuốc ngắn”, anh H. cho biết khi quay trở lại tụ tập với đồng nghiệp tại một điểm dưới chân cầu Ông Lãnh trên địa bàn Quận 1, TPHCM. Theo anh H, các tài xế thường phải di chuyển đến điểm đón khách hay nhận hàng, quãng đường đó thường chiếm từ 20-30% lộ trình chở khách, thậm chí có khi bằng 50%, chi phí xăng nhớt theo đó cũng sẽ tăng lên, và càng trở thành gánh nặng một khi giá xăng đã tăng khoảng 25-30% trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Tài xế nào ít cuốc xe, gánh nặng tâm lý và chi phí càng khiến họ chán nản không còn muốn chạy nữa.
Giá xăng, giá cước, “té nước theo mưa”?

Tăng cước: tài xế chỉ hưởng 70%, người tiêu dùng càng thêm gánh nặng

Trong đợt giá xăng leo thang hiện nay và các tài xế xe công nghệ than khó kêu khổ, phía các ứng dụng gọi xe đã có những động thái rất khác nhau. Động thái thứ nhất, với đại diện là ShopeeFood và mới nhất thêm Be, không tăng cước, thay vào đó đưa ra gói hỗ trợ tiền xăng (ShopeeFood), giảm chiết khấu (tối đa lên đến 10%). Giải pháp này nhằm hỗ trợ cho đối tượng đang bị tác động trực tiếp do giá xăng tăng cao là các tài xế. Động thái thứ hai với 2 đại diện là Grab và Gojek, đã chọn lựa hành động là tăng cước. Trên thực tế, việc tăng cước cũng giúp cho giới tài xế xe công nghệ có thêm được phần nào thu nhập trên mỗi cuốc xe. Tuy nhiên, điều mà dư luận phân tích những ngày qua là ở chỗ: Tài xế gặp khó bị giảm thu nhập cần được bù đắp phần nào đã đành; song phía ứng dụng không bị tác động trực tiếp do giá xăng tăng, nhưng cũng được hưởng thêm khoản 30% chiết khấu từ mức cước tăng. Qua đó cho thấy phương án tăng cước, tài xế được hưởng một phần là hợp lý, song cả phía ứng dụng cũng được hưởng là phi lý, từ đó bắt người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả là bất hợp lý. Và một khi, các hãng gọi xe chọn cách tăng cước để hưởng thêm 30% trong phương án này, làm sao có thể khiến dư luận không khỏi nghĩ rằng họ đang “té nước theo mưa”, kiếm lợi trong lúc từ thị trường, tài xế cho tới người tiêu dùng đều đang gặp nhiều khó khăn vì vật giá nói chung đang tăng mạnh. Chọn phương án hỗ trợ trực tiếp cho tài xế là giải pháp ổn thỏa hơn cả, ngay cả khi người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn một chút cho các cuốc xe đi nữa, thì vẫn hợp lý hơn là cách tăng cước như một số ứng dụng đã triển khai. Đó là cách mà ShopeeFood và Be đã thực hiện. Ngay cả Uber, hãng gọi xe quy mô lớn nhất thế giới hiện nay, cũng chọn phương án phụ thu và chuyển lại toàn bộ khoản phụ thu này cho tài xế bù để bù đắp cho phần hao hụt về thu nhập của họ do giá xăng tăng cao, chứ không chọn phương án tăng cước. Không chỉ ở góc độ bài toán về kinh tế, việc một số hãng gọi xe tăng cước lúc này qua đó được hưởng thêm 30% chiết khấu trong khoản cước tăng còn bị đặt vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh vật giá leo thang đời sống sinh hoạt của tài xế và người dân gặp khó khăn. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top