Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Bạn còn nhớ cái thời mà Google còn đặt tên Android theo món tráng miệng chứ? Họ thậm chí còn dựng tượng những món ăn đó ngay trước văn phòng của mình nữa - thời đó đúng là thú vị, và quan trọng hơn là mỗi phiên bản Android mới ra mắt đều được hãng chăm chút, tích hợp nhiều cải tiến đáng kể.
Một số cải tiến có thể được xem là những cột mốc quan trọng, ví dụ như Android 2.3 Gingerbread - phiên bản Android cực tốt đến mức vẫn còn điện thoại sử dụng nó cho đến ngày nay. Android 4.4 KitKat cũng là một bản nâng cấp như vậy, khi nó mang lại những thay đổi lớn mà cho đến nay vẫn để lại dấu ấn dù đã 8 năm trôi qua.
Đầu tiên là tên gọi - đây là bản Android đầu tiên được đặt tên theo một món ăn vặt nổi tiếng, khác với các bản trước đó chỉ là những món đại trà. Ban đầu, Google định gọi nó là “Key Lime Pie”, nhưng thoả thuận vào phút chót với Nestle đã giúp họ có được cái tên “KitKat” mà chúng ta biết đến ngày nay. Và bạn không phải tiếc, khi mà cuối cùng cũng có một bản Android với cái tên “Pie”, là Android 9.0.
KitKat ra mắt ba năm sau Jelly Bean, phiên bản Android tập trung cải thiện độ mượt của giao diện người dùng. Bên cạnh một vài tinh chỉnh liên quan UI, trọng tâm của KitKat là nâng cấp hiệu năng trên những thiết bị với tài nguyên hệ thống hạn chế.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Lượng RAM trung bình trên smartphone qua từng năm
Đó là mục tiêu của Dự án Svelte: làm sao để chạy được Android trên những thiết bị chỉ có 340MB RAM (dù rằng 512MB sẽ khả thi hơn). Khi nhìn lại một vài số liệu thống kê, một chiếc điện thoại bình thường vào năm 2013 sẽ được trang bị 1GB RAM, và cao nhất cũng chỉ 3GB RAM mà thôi. Có nghĩa là vào thời điểm đó, có khá ít thiết bị RAM dưới 1GB và cho đến nay vẫn còn một số thiết bị như vậy (là những chiếc smartwatch, nhưng chúng cũng chạy Android nên chúng ta cũng tính vào đây luôn).
Các nhà phát triển tại Google đã tạo ra nhiều công cụ nhằm giảm lượng RAM tiêu thụ bởi hệ điều hành và các ứng dụng. Một trong số đó là zRAM, một phần RAM được nén lại để lưu trữ tạm dữ liệu chưa dùng đến nhằm tạo ra nhiều RAM trống hơn. zRAM khác với RAM ảo mà bạn thấy trên các điện thoại ngày nay, vốn là tính năng tận dụng bộ nhớ trong tốc độ cao để chuyển dữ liệu ra khỏi RAM. Tất nhiên, vào năm 2013, bộ nhớ trong eMMC tương đối chậm vẫn là chuẩn mực chung của smartphone, đặc biệt là trên các thiết bị tầm thấp, do đó RAM ảo có lẽ cũng không hoạt động hiệu quả như zRAM được.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Một thay đổi lớn khác là quá trình chuẩn bị thay thế Dalvik VM bằng Android Runtime (ART). Máy ảo Dalvik có tầm quan trọng đặc biệt trên các bản Android đời đầu, bởi nó cho phép phần mềm chạy mà không cần bận tâm về phần cứng - gần như mọi loại CPU, từ ARM, x86, và những CPU hiếm như MIPS đều được hỗ trợ. Android 2.2 Froyo từng giới thiệu trình biên dịch Just-in-Time (JIT) nhằm tăng tốc hiệu năng ứng dụng, nhưng sau nhiều năm, Dalvik bắt đầu cho thấy dấu hiệu “già cỗi”.
ART sử dụng trình biên dịch Ahead-of-Time, về cơ bản là biên dịch ứng dụng thành mã máy của CPU điện thoại trong khi cài đặt ứng dụng. KitKat vẫn sử dụng Dalvik làm mặc định, và phải đến Lollipop thì Android mới hoàn tất việc chuyển sang ART. Nhưng ART vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, và v4.4 đã đặt nền móng vững chắc cho điều đó.
Bạn cũng đừng quên KitKat đã thay đổi UI của Android ra sao: phiên bản này tích hợp một tính năng nhỏ, nhưng tác động thì cực lớn, đó là cho phép người dùng chọn launcher mặc định trong màn hình Settings. Trên thực tế, các phiên bản Android trước đó đã làm được điều này, nhưng phức tạp hơn. Với KitKat, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng thử các launcher khác nếu họ không hứng thú với giao diện mà nhà sản xuất đã cài đặt.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Một vài tinh chỉnh nhỏ khác về UI là giao diện trong mờ trên một vài thành phần hệ thống, như thanh trạng thái và thanh điều hướng. Chế độ Immersive cũng cho phép ứng dụng chạy toàn màn hình, ẩn hoàn toàn hai thanh này, cùng với các yếu tố giao diện khác. Một framework mới thì cho phép các nhà phát triển tạo ra những hoạt cảnh mượt mà và đặc sắc hơn trong ứng dụng của họ.
KitKat còn hỗ trợ các thiết bị hồng ngoại - trước đó, các nhà sản xuất phải trang bị các giải pháp của chính họ, gây ít nhiều khó khăn cho các nhà phát triển ứng dụng. Ngoài ra, chức năng NFC trên v4.4 đã hỗ trợ Host Card Emulation, cho phép điện thoại đóng vai trò một smart card dùng trong thanh toán di động, thẻ thành viên, vé tàu xe...
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Các tính năng mới khác bao gồm in không dây (qua mạng Wi-Fi hay các dịch vụ trực tuyến như Google Cloud Print), tuỳ chọn chứng nhận điện thoại tương thích Miracast, cải thiện kết nối với các thiết bị Bluetooth, và nhiều thứ khác.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
KitKat giúp điện thoại trở nên bảo mật hơn bằng cách chuyển SELinux (Security-Enhanced Linux) sang chế độ “enforce”, ngăn các ứng dụng bị can thiệp truy cập các thành phần của hệ thống mà chúng lẽ ra không được tiếp cận. v4.4 còn thay đổi cách các ứng dụng truy xuất thẻ nhớ và đơn giản hoá quá trình duyệt tập tin trên máy lẫn đám mây.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Vẫn còn nhiều cải tiến nhỏ lẻ khác xuất hiện cùng KitKat. Ví dụ, hệ điều hành này đã thay đổi cách theo dõi dữ liệu cảm biến để giảm mức tiêu thụ điện năng. Nó còn cho phép tính năng đếm bước chân được tích hợp thẳng vào hệ điều hành thay vì nhường phần xử lý cho các ứng dụng vốn tiêu tốn khá nhiều điện năng.
Mục tiêu của KitKat là đạt mốc 1 triệu người dùng. Khoảng 1 năm sau ngày ra mắt, v4.4 KitKat đã được cài đặt trên 1/3 số thiết bị Android và đến giữa năm 2015 thì bắt kịp Jelly Bean. Nó không bao giờ đạt được con số 50% bởi Lollipop lúc bấy giờ đã ra mắt và “gặm” mất thị phần của KitKat. Vào cuối năm 2015, Android có mặt trên 1,4 tỷ thiết bị, và KitKat không đạt được ước mơ 1 tỷ thiết bị.
Góc hồi tưởng: Google từng tối ưu Android 4.4 KitKat chạy siêu mượt chỉ với 512MB RAM
Nhưng di sản Android 4.4. KitKat để lại không phải là có bao nhiêu điện thoại sử dụng nó vào thời hoàng kim. Những tối ưu hoá về RAM giúp hệ điều hành này chạy tốt trên các thiết bị tầm thấp, những cải tiến về hiệu năng và bảo mật, cộng với nhiều tính năng kết nối mới mà nó mang lại vẫn hiện diện trên phiên bản 12 mới nhất!

Tham khảo: GSMArena
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top