Việc sử dụng ít nút xác thực, thiếu yếu tố phi tập trung của Sky Mavis tạo cơ hội cho hacker tấn công và lấy đi hơn 600 triệu USD từ cầu nối của Ronin Network. Việc cầu nối Ronin Bridge bị hacker tấn công, chiếm đoạt hơn 600 triệu USD là một sự kiện lớn của giới làm blockchain và bảo mật Việt Nam. Các chuyên gia của lĩnh vực bảo mật chuỗi khối trong nước chỉ ra có nhiều vấn đề với cầu nối Ronin của Axie Infinity, khiến nó trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. Ngoài ra, vấn đề bảo mật của các dự án được xây dựng trên nền blockchain đang chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản.
Hacker đã tấn công vào các nút xác minh của Ronin Network. Theo các thông tin được Ronin Network cung cấp, nền tảng đang nghi ngờ hacker đã tấn công vào hệ thống của Sky Mavis để chiếm quyền truy cập 4 node công ty nắm giữ. Node thứ 5 có thể được lấy từ Axie DAO, được Axie cấp quyền để hỗ trợ nền tảng khi lượng giao dịch quá tải. Ông Ngô Minh Hiếu, (Hiếu PC), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) cho rằng hiện tại còn quá sớm để có thể xác định được nguyên nhân chính xác của vụ hack bởi Ronin Network chưa công bố nhiều thông tin. “Vấn đề có thể đến từ hợp đồng thông minh (smart contract), hệ thống hoặc chính từ mối đe dọa nội bộ”, Hiếu PC chia sẻ.
Sky Mavis sử dụng ít nút xác minh và thiếu tính phi tập trung ở nền tảng Ronin Network. Trong khi đó, ông Trần Xuân Bắc, chuyên gia bảo mật tại VBI cho rằng vì Ronin Network dùng thuật toán đồng thuận PoA với lượng nút xác minh khá ít, với 5/9 để thông qua giao dịch nên dễ bị tấn công hơn. Nền tảng BNB Chain của Binance cùng phương thức đồng thuận sử dụng 21 nút. Trong khi đó, thuật toán PoW (Proof of Work) của Bitcoin hay Ethereum có hàng nghìn nút. Ngoài ra, tính phi tập trung của Ronin Network không được các chuyên gia đánh giá cao. Theo đó, 6 trên 9 nút xác minh đều thuộc về Sky Mavis hoặc Axie, do đó, khi tin tặc tấn công vào công ty là có thể chiếm xác nhận giao dịch của toàn nền tảng. Bên cạnh đó, ông Bắc cho rằng còn có sự tắc trách trong bảo mật của Sky Mavis. Bởi việc ủy quyền xác minh cho nút AxieDAO đã ngừng từ tháng 12/2021 nhưng đến nay vẫn chưa được thu hồi. Bổ sung vào ý kiến này, Tiến Sĩ Đặng Minh Tuấn phía Sky Mavis đã chậm trễ trong việc phát hiện lỗi hệ thống. “Theo thông tin tôi nhận được, vài ngày sau khi hacker thực hiện giao dịch lấy 600 triệu USD, một người dùng gặp lỗi khi không thể rút được lượng ETH lớn từ Ronin và báo cho đội ngũ. Sau đó họ kiểm tra mới phát hiện ra sự cố”, ông Tuấn chia sẻ.
Các cầu nối blockchain là điểm thu hút hacker tấn công vì dòng tiền lớn. Ảnh: XCMP. “Nếu blockchain được so sánh với Internet thì cầu nối như chiếc router. Nó đóng vai trò tương tự, chuyển tài sản từ mạng lưới này sang mạng lưới khác”, ông Tuấn chia sẻ. Đồng quan điểm, Nguyễn Việt Dinh, CTO Symper cho rằng đến nay cầu của nhiều dự án lớn vẫn chưa bị hack chứng tỏ vấn đề không nằm ở giải pháp mà tại từng hệ thống. “Theo tôi, bridge là giải pháp giúp các nền tảng blockchain phát triển hơn nhiều. Nếu không có cầu, người dùng sẽ phải giao dịch trung gian qua các sàn, tốn thêm phí và cần KYC phức tạp”, ông Dinh nói. Ngoài ra, ông Đinh Ngọc Thạnh, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạnh, Khoa công nghệ thông tin - Truyền thông, Đại học Soongsil, Hàn Quốc cho biết công nghệ crosschain hay bridge mới chỉ có vài năm hình thành và phát triển. Do đó, hệ thống có thể chưa được hoàn thiện. Trước đó, Vitalik, đồng sáng lập nền tảng Ethereum cho rằng cầu nối crosschain không phải là giải pháp của multichain trong tương lai bởi các vấn đề về bảo mật.
Blockchain an toàn về lý thuyết, nhưng sai sót nằm ở hệ thống và con người có thể bị khai thác. Ảnh: Getty. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng về mặt nguyên tắc, blockchain là một hệ thống phân tán và sử dụng các phép toán cao cấp nhất để bảo mật. Do đó, chuỗi khối có mức độ bảo mật cao hơn các nền tảng truyền thống rất nhiều. Đồng thời, mọi hệ thống công nghệ thông tin đều có thể tồn tại lỗ hổng bảo mật. “Bitcoin tồn tại nhiều năm nhưng blockchain vẫn chưa bị hack bao giờ. Những vụ tấn công thường được thực hiện ở sàn giao dịch hoặc ứng dụng. Đó vẫn là những ứng dụng thông thường, nên có thể bị khai thác”, ông Tuấn nói. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Dinh cho rằng lý thuyết toán học trên blockchain thì không có sai sót, nhưng được con người có thể mắc lỗi. Ngoài ra, việc lựa chọn thuật toán đồng thuận để xây dựng blockchain là một vấn đề quan trọng. Với những hệ thống có quá ít nút, việc bị tấn công sẽ dễ dàng hơn so với nền tảng hàng nghìn node như Bitcoin hay Ethereum.
Bảo mật của các dự án blockchain chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Allerin. Đồng thời, các dự án nên đưa ra các chương trình săn lỗ hổng nhận thưởng (Bug Bounty Program) nhằm phát hiện lỗi bảo mật và sửa chữa kịp thời. Ông Đặng Minh Tuấn cho rằng trong các trong quá trình phát triển ứng dụng, các nhà lập trình cần đề cao tính bảo mật. Vấn đề lập trình và bảo mật hiện nay được chia cho hai đội ngũ riêng biệt. Theo ông Tuấn, mọi khâu thiết kế phần mềm đều cần theo sát các quy chuẩn về bảo mật. "Lập trình viên cần có kiến thức về bảo mật. Nên lập trình an toàn từ lúc thiết kế, không nên làm xong rồi mới chạy để kiểm tra lỗ hổng. Lập trình và bảo mật cần có sự gắn kết từ đầu”, ông Đặng Minh Tuấn cho biết. Theo ông Trần Xuân Bắc, vấn đề bảo mật của các dự án blockchain vẫn chưa được quan tâm đúng mức. "Dù thuộc nhóm phí tổn, bảo mật nên được xem là khoản đầu tư bắt buộc của dự án blockchain. Không trực tiếp mang lại lợi nhuận, nhưng nó giúp bảo vệ hàng triệu USD, thậm chí là sự sống còn của dự án", ông Bắc nói. Theo Zingnews
Trải nghiệm VinFast VF 7: Lựa chọn phù hợp cho phân khúc Crossover cỡ C