Hàn Quốc tung phao cứu sinh cứu hàng loạt hãng xe giữa cơn bão thuế của Trump

Phương Huyền
Phương Huyền
Phản hồi: 0
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại leo thang, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Để chống chọi với cơn bão này, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 3.000 tỷ won (khoảng 2 tỷ USD), nhằm vực dậy ngành ô tô một trong những trụ cột kinh tế của quốc gia. Động thái quyết liệt này được đưa ra ngay sau khi Washington áp mức thuế 25% lên ô tô nhập khẩu và linh kiện ô tô từ nước ngoài, đe dọa trực tiếp đến các nhà sản xuất Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ.
1744333896705.png

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, khoản hỗ trợ này sẽ được phân bổ một cách chiến lược, bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp, trợ cấp để kích cầu thị trường nội địa, và đặc biệt là thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách bảo hộ của Mỹ, vốn đã giáng một đòn mạnh vào các thương hiệu như Hyundai và Kia – những cái tên chiếm lĩnh thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu khổng lồ.
Năm 2024, Hàn Quốc xuất khẩu ô tô sang Mỹ đạt giá trị 34,7 tỷ USD, chiếm gần 49% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này. Linh kiện và phụ tùng ô tô cũng đóng góp tới 8,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với mức thuế nhập khẩu ô tô đã có hiệu lực và thuế phụ tùng sắp áp dụng từ ngày 3/5/2025, các con số ấn tượng này có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng nếu không có biện pháp kịp thời.
Không dừng lại ở gói cứu trợ 2 tỷ USD, Chính phủ Hàn Quốc còn cam kết bơm tổng cộng 15.000 tỷ won (tương đương 10,1 tỷ USD) vào ngành ô tô để củng cố vị thế trên trường quốc tế và bảo vệ hàng triệu việc làm trong nước. Đồng thời, Seoul tuyên bố sẽ tăng cường đàm phán với Washington để tìm cách nới lỏng hoặc xóa bỏ rào cản thuế quan, trong khi liên tục theo dõi diễn biến để điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt.
Cú sốc thuế quan không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu mà còn buộc các hãng xe Hàn Quốc phải điều chỉnh chiến lược dài hạn. Kia Motors, một trong những thương hiệu lớn, đã phải cắt giảm mục tiêu doanh số xe điện toàn cầu đến năm 2030 từ 1,6 triệu xe xuống còn 1,26 triệu xe, với lý do chính là sự bất ổn từ chính sách của Mỹ. Hyundai Motor, công ty mẹ của Kia, cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Trong năm 2024, Hyundai và Kia bán được khoảng 1,7 triệu xe tại Mỹ, nhưng tới 60% trong số đó là xe nhập khẩu từ Hàn Quốc – đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan mới.
Để đối phó, Hyundai đang dồn lực đầu tư vào Mỹ, với kế hoạch nâng công suất nhà máy xe điện tại bang Georgia từ 300.000 lên 500.000 xe mỗi năm. Các nhà máy hiện có tại Alabama và Georgia, với tổng công suất hơn 690.000 xe/năm, cũng được mở rộng để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tức thời, đòi hỏi thời gian và nguồn vốn khổng lồ.
Trước sức ép từ thuế quan Mỹ, các hãng xe Hàn Quốc buộc phải tái cấu trúc toàn diện: tối ưu chuỗi cung ứng, tăng cường sản xuất tại chỗ, và thậm chí loại bỏ những mẫu xe kém hiệu quả khỏi thị trường Mỹ. Cuộc chiến này càng trở nên khốc liệt khi các đối thủ từ Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực cạnh tranh, đặc biệt trong phân khúc xe điện – lĩnh vực đang định hình tương lai ngành ô tô.
#donaldtrumpđánhthuế
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top