Hàng hóa thiết yếu – nhìn từ góc độ nào?

Nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu rằng “lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm” có lẽ mọi người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt “ai ở đâu, ở yên đó” đều mừng thầm. Vướng mắc ở danh mục “hàng hóa thiết yếu” Mừng thầm thôi. Bởi đó cũng mới chỉ là ý kiến của một bộ. Hoặc có từ một số bộ ngành đi nữa, cũng chưa chắc có thể làm thay đổi thực tế, bởi thẩm quyền ban hành danh mục “hàng hóa thiết yếu” để cho phép kinh doanh, cung ứng và vận chuyển tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hiện nay là do UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định. Cho nên, quan điểm của cấp bộ là thế, nhưng nếu cấp tỉnh chưa thông, chưa xuôi, dẫn đến chưa triển khai, việc lưu thông nhiều loại hàng hóa vẫn có thể tiếp tục bị ách tắc. Từ chuyện anh công nhân đi mua bánh mì bị vị phó chủ tịch phường ở Nha Trang chốt chặn và xử lý vì cho rằng “bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm thiết yếu” đã cho thấy, việc phân định thế nào là hàng hóa thiết yếu là khá phức tạp. Thậm chí tại nhiều chốt chặn kiểm soát và phòng chống dịch, hàng hóa có được xem là thiết yếu hay không còn hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ nhận thức của lực lượng đứng chốt tại đó. Chính vì thế trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều người đưa ra đề xuất mà theo tôi là rất xác đáng: Các địa phương nên in danh mục hàng hóa thiết yếu thành tài liệu để hướng dẫn cho lực lượng đứng gác tại các chốt chặn. Trước là tránh làm khó và gây ức chế cho người dân, sau là tạo lưu thông hàng hóa thông suốt và nhanh chóng. Mỗi tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 hiện nay có độ chênh nhất định về danh mục hàng hóa thiết yếu.
Hàng hóa thiết yếu – nhìn từ góc độ nào?
Đơn cử như vào thời điểm giữa tháng 7, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên ban hành văn bản hướng dẫn các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép kinh doanh, ngoài lương thực thực phẩm, các loại nhu yếu phẩm, còn có những mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh. Song tại TP.HCM, tính từ đợt giãn cách theo Chỉ thị 15 bắt đầu vào lúc 0 giờ ngày 31.5.2021, người dân không thể đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy đông đúc nữa vì những nơi này phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Thậm chí sau đó, các cửa hàng, siêu thị điện thoại, thiết bị công nghệ cũng ngưng hoạt động nốt, ngay cả kênh bán hàng trực tuyến. Hàng hóa thiết yếu không chỉ có thực phẩm, thuốc men Đây là vấn đề cần phải đặt ra và cũng đã được đặt ra. Bởi trên thực tế hiện nay, danh mục hàng hóa thiết yếu hầu như mới chỉ tập trung giải quyết 2 loại nhu cầu chính yếu là cái ăn và chăm sóc sức khỏe. Giải quyết vấn đề đặt ra ở trên cũng đồng nghĩa phải phân tích rõ nhu cầu của người dân trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 hiện nay, đặc biệt là khi giãn cách kéo dài tháng này qua tháng khác tại một số địa phương như TP.HCM (từ 31/5/2021), Đồng Nai, Bình Dương. Trên thực tế, quan điểm “tất cả hàng hóa đều là thiết yếu, trừ hàng cấm” Bộ trưởng Thể nêu ra trong cuộc họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh thành vào chiều ngày 25/8/2021, trước đó cũng đã được Bộ Công Thương đề cập đến trong Công văn số 4482. Trong một văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng bày tỏ tán thành quan điểm của Bộ Công Thương, đồng thời cho rằng hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và kéo dài, người dân không chỉ cần có thực phẩm, thuốc men mà còn cần đến các sản phẩm, thiết bị để phục vụ cho công việc và học tập trực tuyến. Đơn cử tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp, văn phòng đã cho nhân viên làm việc từ xa/tại nhà với tỷ lệ 50/50 ngay từ khi chính quyền ban hành quyết định giãn cách theo Chỉ thị 15. Và đến khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đại đa số công việc văn phòng được bố trí làm việc tại nhà. Đến nay, TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 gần 3 tháng. Đối với những người làm việc tại nhà, nhu cầu kéo theo là các thiết bị, máy móc và cùng với đó là những dịch vụ lắp đặt, sửa chữa. Hàng hóa thiết yếu phục vụ cho công việc làm tại nhà hay làm từ xa trong bối cảnh giãn cách kéo dài hiện là nhu cầu không thể thiếu, như máy tính để bàn, máy tính xách tay, các loại linh kiện công nghệ thông tin, thiết bị, phụ kiện, thiết bị phục vụ họp trực tuyến, học online, dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo hành.v.v… Mới đây, Hà Nội đã quyết định cho học sinh học trực tuyến từ ngày 6/9/2021. Với gần 2 triệu học sinh tại Hà Nội sẽ phải học trực tuyến, nhu cầu về thiết bị, máy móc, linh phục kiện… phục vụ cho việc học này là không nhỏ. Với một thành phố hơn 10 triệu dân như TPHCM, hàng trăm ngàn người làm việc tại các văn phòng, giãn cách kéo dài từ 0 giờ ngày 31.5.2021 tới nay buộc họ phải làm việc tại nhà, vì vậy danh mục “hàng hóa thiết yếu” cần đáp ứng được 3 nhu cầu chính yếu: Thứ nhất là cái ăn, gồm các thực phẩm, nước uống. Thứ hai là thuốc men, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế. Thứ ba là máy móc, thiết bị phục vụ cho việc làm việc tại nhà và học trực tuyến cùng với các dịch vụ kéo theo. Đây cũng chính là 3 trụ cột cần được đáp ứng để bảo đảm người dân yên tâm “ở yên một chỗ” thực hiện giãn cách nghiêm theo qui định của chính quyền. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Hiện nay, tôi đang phải làm việc online và laptop đang bị hỏng. Với tôi, cái laptop là thiết yếu vì đó là việc làm kiếm cơm của tôi. Tuy nhiên, không chỉ không mua được một số phụ kiện để làm việc online hiệu quản hơn, việc sửa chữa laptop cũng ko thực hiện được.
 

Gợi ý cộng đồng

Top