Hãy ưu tiên đưa những đứa trẻ mắc kẹt vì dịch về lại gia đình!

Đợt bùng phát dịch thứ tư xảy ra từ cuối tháng 4.2021 tới nay không chỉ khiến người lớn mà cả những đứa trẻ cũng bị mắc kẹt tại nhiều địa phương trong cả nước. Và các em, đang phải trải qua nhiều tháng liền sống xa gia đình, ba mẹ, người thân…

Những đứa trẻ mắc kẹt trong đại dịch

Tôi có quen biết vài gia đình tại TP.HCM và một số tỉnh có con em ở độ tuổi khoảng từ 10 trở xuống đang bị mắc kẹt vì đợt bùng phát dịch lần thứ tư hiện nay chưa kết thúc. Trường hợp đầu tiên là một gia đình tại TP.HCM, có đứa con gái nhỏ 10 tuổi mắc kẹt tại thị xã An Khê thuộc tỉnh Gia Lai từ tháng 6 tới nay. Anh T. ba của cháu gọi điện cho tôi hỏi về các mối quan hệ để có thể giúp đưa cháu quay trở lại gia đình. Anh lo lắng hơn là vì vài ngày trở lại đây, khi cháu phải học trực tuyến, mạng chập chờn, các tính năng của công cụ học trực tuyến thì không rành rẽ song lại không có ba mẹ ở bên cạnh hướng dẫn và hỗ trợ, cho nên cháu bị stress nặng, và có dấu hiệu trầm cảm. Anh T. đã tìm nhiều cách để đưa con về nhà. Cho đến cuối ngày 1.10, anh mới tìm ra chuyến xe từ một người quen. Bớt đi một phần lo âu, nhưng anh vẫn chưa hoàn toàn yên tâm cho tới khi đứa con gái nhỏ của mình trở về được đến nhà đoàn tụ với gia đình. Chị H. cũng ở TP.HCM, gửi đứa con nhỏ và hai cháu ruột về Bà Rịa - Vũng Tàu chơi hè với bà ngoại, nhưng tới nay cũng chưa thể quay trở về gia đình vì kẹt dịch. So với các trường hợp khác, con cháu chị H. không gây cho người lớn quá nhiều lo lắng vì chúng vẫn có bầu bạn để vui chơi cùng nhau hàng ngày. Con nít là vậy, sự quan tâm chăm sóc của người lớn ngoại trừ bố mẹ dù tận tâm đến mấy vẫn không thể đủ để chúng cảm thấy vui vẻ toàn thời gian quên đi cảnh xa nhà bằng việc có bạn bè hoặc anh chị em cùng trang lứa để chơi với nhau. Đó chính là trường hợp bé M. con chị N ở thành phố Pleiku. Bé được mẹ đưa vào tận An Giang thăm ông bà nội từ nhiều tháng trước. Đến khi đợt dịch thứ tư bùng phát trong cộng đồng, bé bị kẹt lại đến nay. Ông bà nội thương đến mấy thì M. cũng có lúc cảm thấy nhớ mẹ và em. Gần đây, ngày nào bé cũng khóc đòi về. Nhưng với tình hình dịch hiện nay việc di chuyển giữa Gia Lai và An Giang là cả một vấn đề nan giải. Thậm chí, chị N. mẹ của bé đến giờ vẫn không thể xin được giấy đi đường để đón con về.
Hãy ưu tiên đưa những đứa trẻ mắc kẹt vì dịch về lại gia đình!
(ảnh minh họa).

Trẻ xa gia đình tội lắm ai ơi!

Theo thống kê của Đà Nẵng, thành phố này bước đầu có khoảng 8.000 cháu thuộc lứa tuổi học sinh bị mắc kẹt tại 55 tỉnh, thành phố trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư hiện nay. Đà Nẵng là một trong những địa phương sớm sủa thúc đẩy kế hoạch đưa con em bị mắc kẹt về lại thành phố. Trong khi đó, TP.HCM có số lượng học sinh mắc kẹt ở quê còn lớn hơn, khoảng 100.000 con em. Cho tới thời điểm ngày 1.10.2021, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đã giải tỏa được nút thắt trong tâm lý người dân về việc hướng dẫn thủ tục đăng ký đi đón con em đang mắc kẹt tại các tỉnh về lại thành phố. Đã là thủ tục thì cho dù nhiều hay ít cũng sẽ có sự phức tạp, rắc rối. Tuy nhiên, việc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM ban hành quy định hướng dẫn đã cho thấy có sự bài bản, lớp lang, và cũng rõ ràng để người dân theo đó xúc tiến thủ tục. Nút thắt về việc cho phép di chuyển đi đón con em đã được mở thì niềm hi vọng cũng theo đó tăng dần. Các bậc phụ huynh có thể yên tâm chỉ cần vài ba ngày là có thể đưa được con em mình về lại đoàn tụ với gia đình. Hàng chục ngàn đứa trẻ đang bị mắc kẹt vì dịch ở nhiều tỉnh thành, các cháu cũng ở nhiều lứa tuổi, cấp học khác nhau. Tuy nhiên, lứa tuổi đáng lo nhất bị mắc kẹt phải sống xa gia đình trong một khoảng thời gian quá lâu là từ khoảng 10 tuổi trở xuống vì các em còn quá nhỏ, tâm lý rất dễ hoang mang, sợ sệt, dễ buồn và trầm cảm. Đặc biệt có không ít trường hợp các em bị mắc kẹt trong hoàn cảnh một mình giữa xung quanh là người lớn. Khi đó các cháu không có người đồng trang lứa chơi cùng và chia sẻ, ngày này qua ngày khác suốt nhiều tháng liền lủi thủi chơi, học một mình, nhớ nhà và ba mẹ nhưng không biết khi nào mới được trở về nhà. Trường hợp như bé M, những ngày đầu bên ông bà nội rất vui thích. Nhưng càng về sau, vì nỗi nhớ gia đình vì đã xa quá lâu, khiến bé buồn bã, khóc lóc, bỏ bữa… Một địa phương nọ có kế hoạch vào TP.HCM đón con em tỉnh nhà trở về, nhưng đối tượng ưu tiên chỉ là các mẹ bầu và người bệnh đi chữa trị và mắc kẹt lại tại TP.HCM. Đối tượng ưu tiên như vậy hợp lý nhưng chưa đủ, vì còn thiếu hai đối tượng nữa là trẻ em và người già. Trẻ em là đối tượng rất dễ mang cảm giác bơ vơ, tủi thân vì cảm giác bị bỏ rơi dẫn đến hoảng loạn tâm lý sau nhiều ngày tháng phải sống xa nhà mà chưa biết ngày nào mới được trở về. Trong tình trạng như vậy, không ít người lớn còn có thể bị khủng hoảng tâm lý huống chi là trẻ em. Trẻ em bị mắc kẹt thì kéo theo người lớn lòng như lửa đốt. Vì thế, hãy đưa các em vào đối tượng được ưu tiên đi đón về đoàn tụ với gia đình. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top