Hoạt động khai thác lithium làm pin xe điện đe dọa dân số loài hồng hạc

Cao nguyên Andean ở Nam Mỹ - vùng đất giao thoa giữa Chile, Argentina, và Bolivia - còn được biết đến với tên gọi “Tam giác Lithium”, bởi nó sở hữu hơn một nửa nguồn cung trên toàn thế giới của thứ kim loại giá trị này.
Điều đó đã thu hút rất nhiều công ty khai thác đến khu vực, chủ yếu tập trung ở một hồ nước nằm ở phía đông bắc Chile tên là Salar de Atacama. Vùng hồ này được ước tính chứa gần 30% trữ lượng lithium đã biết của toàn cầu.
Hoạt động khai thác lithium làm pin xe điện đe dọa dân số loài hồng hạc
Tam giác Lithium
Nhưng nếu như bạn cho rằng với lượng lithium dồi dào như vậy, tương lai của pin xe ô tô điện (EV) quả thật rất hứa hẹn, thì cái giá phải trả là rất đáng quan ngại: sự đa dạng sinh học của khu vực.
Một nghiên cứu mới cho thấy hoạt động khai thác lithium quanh vùng hồ Salar de Atacama có liên quan đến sự suy giảm dân số hai loài chim hồng hạc đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng hiện sống ở nơi đây.

Khai thác lithium tàn phá môi trường

Cao nguyên Andean có lẽ là một trong những nơi khô nhất Trái đất, nhưng lại có rất nhiều hồ nước mặn lớn, như Salar de Atacama. Nhờ đó, khu vực này sở hữu nguồn nước ngầm mặn phong phú, nơi có thể tìm thấy lithium.
Vấn đề là, sản xuất ra một tấn lithium cần gần 400.000 lít nước!
Nguyên nhân là bởi các công ty khai thác cần bơm và cho bay hơi nước mới trích xuất được lithium.
Tại sao điều đó lại đáng báo động? Quy trình nêu trên làm diện tích của những hồ nước xung quanh - vốn là nơi ăn uống và sinh sản của chim hồng hạc - bị thu hẹp. Ví dụ, tại Salar de Atacama, người ta ước tính hơn 1.700 lít nước mặn giàu lithium được bơm lên từ lòng đất mỗi giây.
Hoạt động khai thác lithium làm pin xe điện đe dọa dân số loài hồng hạc
Những hồ chứa lithium, nơi nước được bơm lên từ lòng đất, và sau nhiều tuần, mặt trời và gió sẽ khiến nước cùng tạp chất bay hơi, để lại lithium cô đặc và một số vật liệu khác
Khi mà nước hồ cạn dần đi, chúng trở nên mặn hơn, có thể gây ảnh hưởng hoặc thậm chí là tiêu diệt những loài thủy sinh mà chim hồng hạc thường ăn. Và khi không có đủ thức ăn, loài chim này sẽ sinh sản ít hơn, bay đi nơi khác hoặc chết đói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng dân số chim hồng hạc ở Salar de Atacama đã giảm từ 10 - 12% từ năm 2002 đến 2013. Họ đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự suy giảm này với sự gia tăng khối lượng lithium được khai thác trong khoảng thời gian đó, khi mà nước bề mặt của hồ đã tụt đến 11% trong những tháng mùa đông.
Ngoài ra, có khả năng tiếng ồn và hoạt động vận tải trong quá trình khai thác cũng góp phần gây ra những tác động tiêu cực lên loài hồng hạc.

Tại sao cần bảo vệ thiên nhiên

Chim hồng hạc không chỉ đẹp, chúng có vai trò trọng yếu trong hệ sinh thái hồ nước mặn và đặc biệt là trong hệ sinh thái hồ Salar de Atacama.
Theo nghiên cứu, chim hồng hạc là loài ăn cỏ. Chúng dành phần lớn thời gian gặm nhấm những sinh vật bé nhỏ ở dưới đáy chuỗi thức ăn, góp phần vào việc cân bằng hệ sinh thái.
Chúng còn là chỉ báo cho biết tình trạng của hồ, có nghĩa là nếu chúng không thể sinh tồn, không loài chim nào có thể sinh tồn.
Chưa hết, ngành du lịch của các cộng đồng địa phương ở khu vực này phụ thuộc lớn vào sự tồn tại và sinh trưởng của chim hồng hạc.
Hoạt động khai thác lithium làm pin xe điện đe dọa dân số loài hồng hạc
Hồng hạc ở hồ Salar de Atacama
Nhưng có một vài tin tốt đây: dân số chim hồng hạc có thể đang trên đà suy giảm ở hồ Salar de Atacama, nhưng tính trên toàn khu vực Tam giác Lithium, tình hình chưa đến mức nghiêm trọng.
Có nghĩa là dù hoạt động khai thác ở hồ Atacama đe dọa đến loài chim này, chúng có thể dời đến những vùng hồ khác, và sinh sôi nảy nở để bù đắp cho sự suy giảm tại Atacama. Điều này cho thấy hoạt động khai thác có thể tiếp tục duy trì, những ít nhất phải có những biện pháp nhằm hạn chế mở rộng sang những khu vực địa lý khác, cũng như tác động lên hệ sinh thái xung quanh.
Sự bùng nổ nhu cầu lithium đang dẫn đến tác động tiêu cực đối với đời sống hoang dã và đa dạng sinh học - đó là điều không thể chối cãi. Và thay vì hạn chế thiệt hại, ngành công nghiệp khai khoáng nên tập trung vào những giải pháp bền vững hơn - hoặc tốt hơn nữa là tìm cách tái chế lithium.
Vì ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa tìm được một loại vật liệu mới có khả năng thay thế cho lithium, ít nhất hãy đảm bảo có kế hoạch khai thác nó theo những cách an toàn nhất và ít gây tác động đến môi trường nhất có thể.
Tham khảo: TheNextWeb
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top