Huawei bơm tiền kỷ lục tới 23 tỷ USD cho R&D trong năm 2022

TienCM

Pearl
Khoản đầu tư cho hoạt động R&D của Huawei trong năm 2022 chiếm tới 25,1% tổng doanh thu cả năm.
Huawei vừa công bố kết quả kinh doanh 2022 với doanh thu đạt 92,37 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước và lợi nhuận đạt 5,12 tỷ USD, giảm 69% so với năm 2021. Đây là mức giảm lợi nhuận cao nhất của Huawei từ nhiều năm gần đây.
Tuy vậy, lý do mức giảm lợi nhuận trong năm 2022 của Huawei lại khá dễ hiểu. Năm 2021, Huawei đạt lợi nhuận lớn cao tới 16,5 tỷ USD chủ yếu đến từ việc bán thương hiệu Honor nhằm tránh lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Huawei cho rằng giá cả hàng hóa tăng cao, các biện pháp kiểm soát dịch Covid gắt gao ở Trung Quốc trong năm ngoái và việc đầu tư lớn cho R&D là những yếu tố khiến lợi nhuận của công ty này giảm sút.
Huawei bơm tiền kỷ lục tới 23 tỷ USD cho R&D trong năm 2022
Trong năm 2022, Huawei đã đầu tư 23,23 tỷ USD cho hoạt động R&D, chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm, nâng tổng chi phí R&D của công ty này trong liên tục 10 năm qua lên hơn 140,55 tỷ USD. Theo Huawei thì 2022 là năm công ty này đầu tư cho R&D lớn nhất trong lịch sử.
“Nhìn lại năm qua, tổng chi tiêu vào R&D vẫn đạt tới 23,23 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm và là một trong những mức cao nhất trong lịch sử của Huawei. Giữa thời điểm căng thẳng, chúng tôi vẫn tiếp tục dấn thân với tất cả sự tự tin”, bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei nói trong buổi công bố kết quả kinh doanh.
Theo bà Mạnh Vãn Chu, kết quả kinh doanh tổng thể của Huawei vẫn đi đúng lộ trình dự báo trước đó. Vào cuối năm, tỷ lệ nợ phải trả còn 58,9% và số dư tiền mặt ròng là 25,35 tỷ USD. Ngoài ra, số dư tổng tài sản đạt 143,82 tỷ USD, phần lớn bao gồm các tài sản lưu động như tiền mặt, vốn đầu tư ngắn hạn và tài sản hoạt động.
Bóc tách cơ cấu 3 hoạt động kinh doanh chủ lực của công ty trong năm 2022, Huawei cho biết, doanh thu từ mảng kinh doanh thiết bị viễn thông, giải pháp doanh nghiệp và thiết bị tiêu dùng lần lượt đạt 40,84 tỷ USD; 19,16 tỷ USD; và 30,85 tỷ USD.
Từ khi bị Mỹ cấm vận, mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng của Huawei đã bị giảm sút mạnh doanh thu. Từ năm 2019 và 2020, công ty này đã bị cắt nguồn cung bán dẫn và không được dùng hệ điều hành Android. Huawei vẫn tiếp tục ra điện thoại và các thiết bị khác như đồng hồ, tai nghe, laptop nhưng khó thâm nhập thị trường quốc tế do không thể dùng Android, hệ điều hành phổ biến trên các thiết bị di động hiện nay.
Huawei đã có hệ điều hành riêng gọi là HarmonyOS và theo công ty thì hệ điều hành này đã có mặt trên 330 triệu thiết bị tính đến cuối năm 2022, tăng 113% so với năm trước đó. Nhưng hệ điều hành HarmonyOS vẫn chưa thể tiến ra thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei trong năm 2022 đạt 40,84 tỷ USD, tăng trưởng nhẹ 0,9% so với năm trước đó. Từ vài năm gần đây, Mỹ liên tục kêu gọi các quốc gia không sử dụng mạng 5G của Huawei. Một số quốc gia như Anh đã cấm dùng thiết bị mạng 5G của Huawei và Đức đang cân nhắc.
Khi mảng viễn thông và thiết bị tiêu dùng gặp khó, Huawei đang đa dạng hóa mở ra nhiều lĩnh vực mới. Mảng giải pháp doanh nghiệp với nền tảng là điện toán đám mây của Huawei đã tăng trưởng 30% trong năm vừa qua, đạt 19,19 tỷ USD.
Huawei đã tìm cách đưa các sản phẩm chuyển đổi số của mình gồm cả điện toán đám mây xâm nhập vào các ngành đặc thù như khai thác mỏ, tài chính, năng lượng… Năm nay là lần đầu tiên công ty công bố kết quả kinh doanh riêng mảng điện toán đám mây đạt 6,6 tỷ USD trong năm 2022.
Huawei bơm tiền kỷ lục tới 23 tỷ USD cho R&D trong năm 2022
Bên cạnh đó, Huawei đã nhảy vào thị trường xe điện đang bùng nổ thông qua sự hợp tác với hãng xe Seres. Huawei cho biết đơn vị làm giải pháp ô tô thông minh non trẻ của họ đã mang về 0,32 tỷ USD vào năm 2022. Công ty này cho biết họ đã đầu tư 3 tỷ USD vào bộ phận xe hơi thông minh kể từ khi được thành lập vào năm 2019 và hiện có 7.000 nhân viên R&D.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top