Kangaroo làm thế nào mà mò sang được tận Ấn Độ? Hoá ra là do con người cả

nhhgiap

Pearl
Người dân sinh sống ở phía đông Ấn Độ mới đây phát hiện những con vật kỳ lạ với chiếc túi trước bụng đi lang thang kiếm thức ăn xung quanh làng của họ. Theo điều tra, chúng thực chất là loài chuột túi. Tại sao một loài động vật bản địa của nước Úc xa xôi lại xuất hiện ở một quốc gia châu Á? Các chuyên gia về động vật hoang dã cho biết những con thú này đến Ấn Độ thông qua con đường buôn lậu từ Đông Nam Á.
Kangaroo làm thế nào mà mò sang được tận Ấn Độ? Hoá ra là do con người cả
Được biết ba trong số những con chuột túi đã được nhân viên của tổ chức động vật hoang dã giải cứu trong tháng này sau khi người dân báo cáo. Không may một con đã chết sau đó. Chuyên gia chắc chắn nhóm chuột túi trên được sinh ra trong cơ sở nuôi nhốt Đông Nam Á, sau đó bị bán trái phép vào biên giới Ấn Độ bằng đường bộ.
Ông Sanjay Dutta, một kiểm lâm ở Tây Bengal, kể lại khi ông đang tuần tra trong một khu bảo tồn thì cư dân của một ngôi làng gần đó gọi điện và báo cáo phát hiện sinh vật kỳ lạ. “Khi tôi đến nơi, tôi nhìn thấy những sinh vật hoảng sợ và bị thương, dường như chúng đang tìm kiếm thứ gì để ăn. Cơ thể chúng bị mất nước, bị suy dinh dưỡng khi được đến Công viên Động vật Hoang dã Bắc Bengal”.
Sau khi video giải cứu chuột túi được chia sẻ rộng rãi, một bộ phận cư dân mạng yêu cầu chính phủ bắt giữ những kẻ thực hiện hành vi vô nhân đạo trên. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có vụ bắt giữ nào xảy ra. Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã tại Ấn Độ đang diễn ra hết sức trắng trợn và phức tạp. Giới chức luật pháp nước này hiện cố gắng chỉnh sửa các lỗ hổng pháp lý nhằm ngăn chặn kẻ gian trục lợi.
Chuột túi là sinh vật bản địa của Úc, nơi chúng có số lượng lên tới hàng chục triệu con. Vào năm 1995, Mỹ đã loại chuột túi ra khỏi danh sách động vật hoang dã nguy cấp và bị đe dọa, vô tình thúc đẩy hoạt động săn bắt bất hợp pháp. Ở Ấn Độ, chuột túi được xem là sinh vật độc lạ và trở thành thú nuôi của giới nhà giàu. Bà Wright cho biết vì không phải môi trường bản địa nên chuột túi khó sống sót tại Ấn Độ. Ngoài ra, chúng thường được buôn với số lượng nhỏ, chỉ một hoặc hai con, nên khó thành lập một quần thể đủ lớn để sinh tồn.
Những năm gần đầy Ấn Độ trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều hoạt động buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng và ngoại lai sau khi nước này hạn chế buôn bán sinh vật bản địa. Đa số hoạt động buôn lậu diễn ra trong một hành lang hẹp, không có biển ở phía đông bắc Ấn Độ giáp với Bangladesh và Nepal. Nơi đây là điểm trung chuyển nổi tiếng của kẻ buôn trái phép động vật từ Đông Nam Á.
Ấn Độ là một trong những nước ký kết sớm Hiệp Ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Hiệp ước, ra đời năm 1975, hướng tới đảm bảo việc buôn bán không ảnh hưởng đến sự tồn tại của những loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ lại không thể cho CITES một “cơ cấu lập pháp phù hợp”, Debadityo Sinha, thành viên của Trung tâm Chính sách Pháp luật Vidhi ở New Delhi, cho biết.
Đề xuất sửa đổi Đạo luật (Bảo vệ) Động vật hoang dã năm 1972 của Ấn Độ sẽ giúp việc quản lý động vật ngoại lai thuộc về các cơ quan bảo vệ động vật thay vì quan chức hải quan. Dự thảo luật sẽ được thông qua bất cứ khi nào cơ quan chịu trách nhiệm trình lên Quốc Hội, qua đó giải quyết khoảng trống pháp lý liên quan đến buôn bán động vật ngoại lai.
Tuy nhiên, hiện tại, các quy tắc chắp vá của Ấn Độ chính là điểm thu hút những kẻ buôn lậu sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để vận chuyển động vật cho giới nhà giàu của New Delhi, Mumbai - những người yêu thích sự độc lạ.
Trong số 3 con chuột túi được giải cứu, một con đã chết sau thời gian chống chọi. Dawa S. Sherpa, giám đốc công viên, cho biết hai con còn lại đang dần hồi phục và sẽ được gửi đến một vườn thú ở thành phố Kolkata, cách đó vài trăm dặm.
“Đã có nhiều con chuột túi ở đó, vườn thú có cơ sở hạ tầng thích hợp để chúng tiếp tục sinh sống”, cô nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top