Kinh tế 2022- người không dám đưa ra dự báo, người thì lạc quan

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Khác với mọi năm, trước khi kết thúc năm dương lịch các phương tiên truyền thông thế giới nở rộ những dự báo kinh tế-xã hội toàn cầu, nhưng với năm 2022, rất ít bài về đề tài này. Nếu có, khẩu khí của các chuyên gia cũng dè dặt, thậm chí có chuyên gia hàng đầu về kinh tế không dám đưa ra dự báo. Còn một vài chuyên gia kinh tế Việt Nam thì tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế nước nhà. 1- Theo Project Syndicate - một tổ chức truyền thông quốc tế và cung cấp các bài bình luận, phân tích về nhiều chủ đề toàn cầu, thì nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh - Jim O'Neill “không dám đưa ra dự báo kinh tế cho năm 2022”. Theo ông, thực tế có quá nhiều vấn đề bất ổn và bất minh kinh tế thế giới. Để trả lời cho câu hỏi nào cũng cần phải có số liệu và sự suy nghĩ nghiêm túc. Nhưng với năm 2022 và sau này nữa, Jim O'Neill không tưởng tượng nổi nền kinh tế toàn cầu như thế nào. Sự không đoán định được tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với thị trường tài chính, là điều chưa từng xảy ra. Liệu việc tăng giá có diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn, hay là một điều gì đó nguy hiểm hơn? Jim O'Neill nói: “Tôi có một câu trả lời vô vị - Tôi không biết! Cách đây một năm, tôi đã cho rằng lạm phát có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với tăng trưởng GDP yếu, nhưng hôm nay, hướng tới năm 2022, tôi đã thiếu tự tin hơn nữa”. “Các sự kiện của giai đoạn 2020-2021 đã cho chúng ta thấy rằng phần lớn suy nghĩ truyền thống đã sai lầm. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương không biết hơn bạn và tôi lạm phát sẽ kéo dài bao lâu!” Còn Seth Carpenter, Trưởng nhóm Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng: “Mọi thứ đang bình thường hóa, nhưng không hề bình thường". Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR), đưa ra ngày 25/12: “Lạm phát là trở ngại chính của kinh tế toàn cầu và khẳng định, cách các nền kinh tế trên thế giới đối phó với lạm phát sẽ tác động lớn đến bức tranh kinh tế thế giới trong những năm tới. Cùng mối lo chung về vấn đề lạm phát, Tổng giám đốc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD Mathias Cormann cho rằng, lạm phát tăng đột biến là rủi ro chính với kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Kinh tế 2022- người không dám đưa ra dự báo, người thì lạc quan
2- Nước ta không thể ở ngoài vòng xoáy của lạm phát, bởi giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Với vốn kiến thức kinh tế thông thường ta cũng có thể thấy, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu và theo các số liệu đã công bố thì tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế có liên quan mật thiết, nhưng để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch Covid-19, đồng thời thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm từ 6,5-7% Chính phủ đã và đang thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng lạm phát. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều đánh đổi “lạm phát mục tiêu” để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch. Chính vì vậy trong Báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 20-10, Chính phủ dự kiến: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6, 5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước dự báo rất lạc quan: Mức tăng trưởng của nước ta có thể vượt xa con số này, đạt 8% nếu không có những “cú sốc” mới về dịch COVID-19. Lý giải nguyên nhân vì sao kỳ vọng tăng trưởng ở con số lạc quan này, nhiều chuyên gia cho rằng: tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7-7,5% nhờ "sức bật" của nhiều nhóm ngành đã bị kìm nén khá lâu, một số ngành trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn... Và tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ phải so với nền tăng trưởng thấp của năm 2021. Nguyên nhân chính tạo đà tăng trưởng GDP năm 2022 là bởi nước ta đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống COVID-19. Tháng 10-2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 sẽ đi vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Năm 2022, tình trạng “cát cứ”, “chống dịch quá đà” tại một số địa phương làm “đóng băng” hoạt động kinh tế xã hội chắc chắn được xóa bỏ, thay vào đó là giải pháp linh hoạt, thức ứng, an toàn với dịch bệnh làm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Nhưng việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị sẽ làm giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Với nước ta, đã đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch được một số kinh nghiệm; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vắc xin nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch. Với những nỗ lực trong việc tiếp cận nguồn vắc xin, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, nước ta đã về đích sớm trong việc tiêm vắc xin. Tính đến 27/12, nước ta đã tiêm hơn 144 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vắc xin cho 66% dân số, nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 66% dân số. Tỉ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021: “40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc xin phòng Covid-19”. Công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm Nhâm Dần, thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen, nhưng hy vọng chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn để những mục tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội đề ra sẽ hoàn thành. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top