Lạ quá: cổ phiếu các hãng xe điện Trung Quốc đồng loạt “xanh sàn” sau khi bị châu Âu tăng thuế

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hầu hết đều tăng mạnh hôm nay (13/6) sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố tăng mức thuế lên tới 38% đối với xe điện của Trung Quốc.
1718270666909.png

Theo CNBC, cổ phiếu của BYD đã tăng 8% trong phiên giao dịch buổi sáng nay nhưng đã giảm còn 6% vào buổi chiều hôm nay (13/6). Hãng xe điện Geely đã tăng khoảng 4%, trong khi cổ phiếu của Nio và Li Auto tăng khoảng 1,5%. Cổ phiếu của SAIC, công ty được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, đã giảm 1,5% trong phiên giao dịch chiều nay (13/6).

Các nhà phân tích của Citi cho biết mức tăng thuế của EU với xe điện Trung Quốc “nói chung là nhẹ nhàng”, trong khi một nhà phân tích từ Morningstar chỉ ra rằng mức thuế của châu Âu là “khiêm tốn” so với mức tăng của Mỹ đối với xe điện Trung Quốc vào tháng trước.

Hôm qua (12/6), EU cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc kinh doanh ở châu Âu. BYD sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 17,4%, Geely sẽ phải chịu mức thuế tăng thêm 20%. SAIC là hãng bị EU tăng thuế cao nhất trong số các hãng xe điện Trung Quốc lên 38,1%. Mức tăng thuế mới của EU với xe điện Trung Quốc cao hơn khá nhiều so với mức thuế tiêu chuẩn 10% đã được áp dụng đối với xe điện nhập khẩu.

BYD, Geely và SAIC là 3 hãng xe đều được EU lấy mẫu trong cuộc điều tra. Ủy ban Châu Âu cho biết các hãng xe điện Trung Quốc hợp tác trong cuộc điều tra của châu Âu nhưng chưa được lấy mẫu sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 21% trong khi những công ty không hợp tác trong cuộc điều tra sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung cao nhất là 38,1%.

EU cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã tạm thời kết luận rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ “sự trợ cấp không công bằng”, dẫn đến “nguy cơ thiệt hại kinh tế” đối với ngành công nghiệp xe điện của EU.

“Động thái này rất khiêm tốn so với mức thuế 100% cứng rắn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ,” Vincent Sun, nhà phân tích vốn cổ phần tại Morningstar, cho biết.

Các nhà phân tích của Citi đánh giá việc tăng thuế của EU với xe điện Trung Quốc nói chung là thấp so với ước tính của họ là 25% đến 30%. Citi cho biết: “Các mức thuế tăng của châu Âu có thể có tác động đến lĩnh vực xe điện, nhưng sẽ không làm cản trở quá trình phục hồi đang diễn ra của Trung Quốc”.

Các mức thuế bổ sung được đưa ra sau khi EU tiến hành một cuộc điều tra vào tháng 10. Ủy ban này cho biết trong một tuyên bố rằng các mức thuế hiện chỉ là tạm thời nhưng sẽ được áp dụng từ ngày 4/7 trong trường hợp các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc không mang lại giải pháp. EU cũng cho biết các biện pháp dứt khoát sẽ được áp dụng trong vòng 4 tháng kể từ khi áp dụng mức thuế tạm thời.

Đáp lại chính sách tăng thuế của châu Âu công bố hôm qua (12/6), Trung Quốc cho biết rằng động thái này là “chủ nghĩa bảo hộ trắng trợn sẽ tạo ra và leo thang xung đột thương mại”. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc và cực kỳ không hài lòng” với diễn biến này vì nó “làm gián đoạn và bóp méo” ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.

Mở rộng ở châu Âu

Joseph Webster, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết EU “dường như đang cảnh báo” SAIC, hãng xe điện do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn xây dựng cơ sở sản xuất ở châu Âu.

Tập đoàn SAIC của Trung Quốc là hãng bị đánh mức thuế tối đa là 38,1%. Lý do, theo các nhà phân tích, là bởi SAIC có phạm vi hoạt động hạn chế ở châu Âu và vẫn chưa chọn được địa điểm xây cơ sở sản xuất đầu tiên của mình ở châu Âu mặc dù đã cân nhắc việc nay gần một năm.

“Cả BYD và Geely đều có những khoản đầu tư đáng kể ở châu Âu. Vào tháng 12, BYD đã cam kết xây dựng một nhà máy xe điện mới ở Hungary sau khi khai trương một nhà máy sản xuất xe buýt điện tại nước này. Geely, công ty sở hữu nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo, đã bắt đầu chuyển sản xuất một số loại xe từ Trung Quốc sang Bỉ.

Các nhà phân tích của Nomura cho biết hôm nay (13/6) rằng việc thành lập các nhà máy ở châu Âu có thể là “giải pháp tối ưu” cho các nhà sản xuất của Trung Quốc về lâu dài, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty xe điện Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách mở rộng ra nước ngoài “để phù hợp hơn với thị trường ô tô toàn cầu”.

Các nhà phân tích cho biết, phản ứng của Trung Quốc là điều tiếp theo cần chú ý, với khả năng bị Bắc Kinh trả đũa. Citi cho biết Trung Quốc “có vẻ sẽ trả đũa nhưng không leo thang” vì mức thuế của châu Âu được cho là thấp hơn dự đoán.
>> Châu Âu chính thức tăng thuế lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top