Làm sao để tránh bị lừa khi tham gia thị trường crypto?

Nhiều tuần trước, một token mang tên SQUID token đã được giới thiệu với khẳng định không liên quan gì đến bộ phim đang hot lúc bấy giờ là Squid Game (Trò chơi con mực). Dẫu vậy, các fan của bộ phim trên Netflix này vẫn hào hứng tham gia và giúp giá trị token tăng vọt chỉ trong một thời gian ngắn. Điều họ không ngờ tới là token SQUID được tạo ra chỉ với mục đích duy nhất là lừa đảo chiếm đoạt tiền từ các nhà đầu tư cả tin. Nhiều người có lẽ đã ngờ ngợ rằng cái tên SQUID có lẽ đã được đặt cho token để lôi kéo người dùng, nhưng không ai biết họ đã rơi vào cái bẫy “rug pull” - một mánh khoé kinh điển trong thị trường crypto, khiến giá trị một token rơi về zero chỉ trong chớp mắt.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại vụ lừa đảo token SQUID và tìm hiểu cách để tránh rơi vào những cái bẫy như vậy trong năm 2022.

Vụ lừa đảo token SQUID diễn ra như thế nào?

Bởi thị trường tài sản số luôn sôi động mỗi khi có những sản phẩm mới có khả năng thu hút người dùng xuất hiện, nên nhiều người đã tận dụng cơ hội để mua hàng ngàn token SQUID với hi vọng có thể ung dung hưởng tiền lời khi giá trị của nó tăng lên sau này. Trong bộ phim Squid Game, kẻ chủ mưu tìm cách dụ dỗ những người chơi đang mắc nợ tham gia những trò chơi với tiền thưởng cực lớn; cuối cùng, người chiến thắng sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thưởng. Token SQUID lấy cảm hứng từ điều đó.
Một trong những dấu hiệu đáng ngờ của token SQUID là sách trắng (whitepaper) đậm chất huyễn hoặc của nó. Các nhóm phát triển crypto thường tạo ra whitepaper để thông báo cho các nhà đầu tư tiềm năng biết về kế hoạch trong tương lai. Tuy nhiên, khi một whitepaper có vẻ quá hoàn hảo đến mức khó tin, thì có lẽ bản thân dự án đó cũng khó tin như chính whitepaper của đó. Whitepaper của SQUID hứa hẹn rằng càng nhiều người mua token, pool thanh khoản sẽ càng lớn - mô hình Ponzi đây chứ đâu?
Làm sao để tránh bị lừa khi tham gia thị trường crypto?
Giá token SQUID

Những hứa hẹn phi thực tế

Một số người đã nhận ra tính đáng nghi khi token hứa hẹn những phần thưởng quá hấp dẫn. Trước đây, khi thị trường tài sản số mới chỉ manh nha hình thành, nhiều token đã xuất hiện với whitepaper đa dạng, đi kèm những lời hứa chưa bao giờ được hiện thực hoá. Một số scammer lợi dụng cơ hội này để vun vén hàng triệu đô, khiến các nhà đầu tư ôm trọn số token đã mua mà không cách nào thanh lý được.
Khi giá trị tài sản tụt xuống mức zero, thì người dùng chỉ còn biết “nước mắt tuôn rơi, cuộc chơi kết thúc”, bởi họ đã mất tất cả số tiền đầu tư ban đầu. Dù trong một số trường hợp, các nhà đầu tư có thể được bù đắp phần nào thiệt hại, nhưng họ vẫn phải nếm quả đắng khi không may trở thành nạn nhân của lừa đảo. Những người đã mua token SQUID quả thực thấy khối tài sản của mình bay rất cao, trước khi vấn đề lộ diện.
Khi giá tăng gấp đôi và thậm chí là tăng gấp ba, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm cách bán bớt để “chốt lời”. Tuy nhiên, họ nhận ra lệnh bán không thực hiện được và bày tỏ sự tức giận trên Twitter. Nhiều người cho rằng mình đã bị lừa, số khác tiếp tục tin đó chỉ là một lỗi trong hệ thống mà thôi. Khá thú vị là, token SQUID sau đó vẫn tiếp tục tăng trưởng, thu hút được sự chú ý của nhiều trang tin chính thống. Chỉ có điều, không ai nói đến việc token này không hề liên quan đến bộ phim trên Netflix, khiến nhiều người khác đổ xô tham gia dự án với hi vọng kiếm được chút đỉnh.
Có lúc, giá token SQUID tăng vọt lên 600 USD/coin. Tất nhiên, điều đó khiến các nhà đầu tư cực kỳ phấn khích. Và điều gì đến cũng đã đến: trước khi họ kịp chốt lời, nhóm phát triển token đã nhanh chóng ôm 3,35 triệu USD tiền đầu tư lặn mất tăm. Giá token giảm mạnh, khiến những người sở hữu token SQUID không còn một xu dính túi.

Rug Pull là gì?

Một vụ rug pull (kéo thảm) xảy ra khi nhà phát triển hay người tạo ra token cuỗm tiền nhà đầu tư và bỏ trốn sau khi dụ dỗ họ đầu tư vào token đó. Bởi các vụ rug pull luôn là cơn ác mộng đối với mọi nhà đầu tư, bạn cần hiểu một số dấu hiệu liên quan đến nó. Khi nắm được thông tin này, bạn sẽ có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn và không mua phải những coin có vẻ khả nghi hoặc quá hời đến phi lý.
Một trong những cách phổ biến nhất để thực hiện rug pull là ngăn không cho nhà đầu tư bán tài sản đang nắm giữ. Bằng cách thực hiện các hành vi thao túng, khiến sàn giao dịch không thể mua coin từ người nắm giữ, kẻ lừa đảo biến token trở thành một tài sản vô dụng. Trong khi đó, chúng nhanh tay bán toàn bộ số coin của mình, thường là rất nhiều, làm giá nhanh chóng sụp đổ.
Một cách khác để rug pull là loại bỏ thanh khoản. Có nghĩa là nhà phát triển sẽ loại bỏ một lượng lớn tiền từ hệ thống. Để làm điều đó, chúng sẽ pump (đẩy giá) coin, mua vào một lượng lớn, rồi dump (xả) ngay sau đó, khiến giá sụp đổ. Việc giá một token sụp đổ không phải là điều lạ trong giới đầu tư crypto. Tuy nhiên, khi một sự kiện pump và dump xảy ra, giá trị tài sản có thể ngay lập tức giảm xuống mức gần zero.
Làm sao để tránh bị lừa khi tham gia thị trường crypto?

Cách tránh bị lừa đảo crypto

Luôn xác định đúng một token là lừa đảo không phải là điều dễ dàng, nhưng bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bị mất tiền. Cũng cần nhớ rằng, trong bất kỳ loại hình đầu tư nào, bạn chỉ nên bỏ ra một số tiền không ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm hoặc kế hoạch tài chính của bản thân. Dưới đây là một số dấu hiệu đáng ngờ mà bạn cần lưu ý khi muốn mua một tài sản mới:
-Một món hời ngoài sức tưởng tượng: khi một tài sản nào đó có giá quá hời, khó mà nghĩ nó có thật, thì đa số là...đúng như vậy đấy. Ví dụ, nếu whitepaper đưa ra một số hứa hẹn phi thực tế, bạn nên nghi ngờ ngay. Dù việc mua được một tài sản giá hời là điều rất tuyệt vời, bạn cần chọn một dự án thực sự thực hiện được những lời hứa, chứ không phải dự án hứa suông chỉ để dụ bạn đầu tư.
-Token bị quảng cáo quá đà, bị thổi phồng về giá trị, hoặc là một loại meme coin: không phải mọi meme coin đều xấu. Một số thực sự có những cộng đồng vững chắc đứng sau. Ở đây, chúng ta đang nói đến các dự án mới tìm cách hưởng lợi từ một dự án nổi tiếng khác không liên quan gì đến crypto, và một số nhà phát triển có thể tạo ra một meme coin từ dự án đó chỉ trong một đêm!
-Tài sản có mức độ biến động lớn: người nắm giữ coin (holder) thường ăn lời hoặc lỗ trong chớp mắt. Trong bất kỳ tình huống nào, cần hiểu về coin mà bạn dự định mua. Tránh xa những coin đang bị thổi phồng hoặc meme coin nếu bạn muốn đầu tư lâu dài. Những coin bị thổi phồng thường nhận được rất nhiều sự chú ý, và giá giảm cũng vô cùng nhanh. Khi người dùng mua token, hầu hết họ đều không có ý định giữ lâu, và sẽ nhanh chóng bán hết số coin để chốt lời khi còn có thể.
-Giá token tăng rất nhanh: ai đầu tư vào crypto cũng muốn sinh lời. Dù kỳ vọng sẽ kiếm được đôi chút từ khoản đầu tư là điều hết sức bình thường, bạn nên cẩn trọng nếu coin định mua tăng trưởng quá nhanh. Ví dụ, khi Shiba Inu tăng giá, holder hồ hởi vì lời to, nhưng không lâu sau đó đã xuất hiện hiện tượng bán tháo khiến giá sụt giảm không phanh. Mỗi khi thấy một coin có biến động giá quá cao, hãy cẩn thận vì có thể nó đang bị thao túng.
-Nhóm phát triển ẩn danh: một dấu hiệu chắc chắn cho bạn biết liệu một coin có đáng mua hay không. Bởi những kẻ lừa đảo đã dự tính trước sẽ ôm tiền bỏ trốn, chúng thường cung cấp ít thông tin nhất có thể để ngăn các cơ quan chức năng dò tìm giao dịch của mình. Và bởi đặc tính ẩn danh của blockchain, truy người nắm giữ một tài khoản nào đó là điều rất khó thực hiện.

Những dự án mới luôn đầy rẫy nguy cơ

Đầu tư vào một dự án mới có thể giúp bạn sinh lời chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bởi đây là một dự án mới, bạn không biết nên kỳ vọng gì ở nó. Việc đầu tư càng rủi ro hơn khi token mới ra mắt sẽ chưa có giá trị giao dịch hay giá trị sử dụng cụ thể nào.
Thông thường, token được tạo ra sẽ có công dụng liên quan đến dự án. Khi token không góp phần vào sự tăng trưởng của bất kỳ dự án nào, bạn nên cẩn trọng bởi những dự án mới luôn khó dự báo, đặc biệt khi chúng chưa có giá trị thực tế.
Rủi ro là một phần không thể thiếu trong đầu tư, nhưng bạn chỉ nên chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định mà thôi. Mua một token mới chưa có giá trị sử dụng, hay chưa có công dụng nào đối với dự án, là con đường nhanh nhất dẫn đến...phá sản, đặc biệt khi bạn xui xẻo chọn trúng dự án lừa đảo.

Kết luận

Dù có rất nhiều token lừa đảo trên thị trường hiện nay, token SQUID có lẽ là một trong những vụ scandal được nhiều người nhớ lâu nhất. Nó là bằng chứng nhãn tiền cho thấy cần nghiên cứu nghiêm túc về một sản phẩm trước khi bỏ tiền ra đầu tư, để bạn có thể tránh được những khoản lỗ không đáng có. Crypto luôn là một lựa chọn đầu tư đầy rủi ro, nhưng nếu đưa ra được những lựa chọn đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể sinh lời từ những tài sản của mình.
Tham khảo: CryptoTicker
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top