Lần đầu tiên phát hiện tinh tinh mắc bệnh cổ xưa của con người

nhhgiap

Pearl
Một căn bệnh cổ xưa của loài người đã vượt qua rào cản loài và tấn công người anh em họ gần gũi nhất của chúng ta là linh trưởng. Hôm 12/10, các nhà nghiên cứu phát hiện những trường hợp đầu tiên mắc bệnh phong giữa hai nhóm tinh tinh riêng biệt ở Tây Phi. Nguyên nhân của những đợt bùng phát này vẫn chưa được xác định, nhưng cho đến dạo gần đây giới nghiên cứu vẫn luôn tin rằng bệnh phong là căn bệnh rất hiếm gặp đối với động vật.
Bệnh phong do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, là họ hàng của vi khuẩn lao. Tương tự như vi rút, vi khuẩn bệnh phong tồn tại bằng cách xâm nhập vào tế bào của chúng ta và chiếm đoạt các chức năng dùng để tái tạo. Do tính chất đặc biệt, các triệu chứng sau nhiễm trùng có thể không xuất hiện trong nhiều năm cho đến hai thập kỷ. Theo thời gian, nhiễm trùng mãn tính có thể dần dần phá hủy các tế bào thần kinh và mắt, dẫn đến các triệu chứng như mất cảm giác, tê liệt, mù lòa, thậm chí các chi bị biến dạng vĩnh viễn.
Lịch sử bệnh phong hay còn gọi là bệnh Hansen trải dài từ thời Kinh thánh. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu về trước, bệnh phong có thể bị đẩy lùi nhanh chóng nếu được chữa trị kịp thời. Căn bệnh này không dễ lây truyền, nó thường cần nhiều tháng tiếp xúc giữa người mắc bệnh với người khỏe mạnh, và hơn 95% người có khả năng miễn dịch tự nhiên với bệnh này.
Trong khi vi khuẩn đã phát triển khả năng kháng lại các loại thuốc điều trị lâu đời nhất từ những năm 1940, nhiễm trùng vẫn có thể chữa được thông qua liệu pháp kháng sinh lâu dài.
Môi trường sống ngày càng cải thiện cộng với thuốc kháng sinh được sản xuất hàng loạt khiến bệnh phong bị đẩy lùi nhanh chóng. Nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn bị căn bệnh này ám ảnh, đặc biệt ở những nơi có nguồn tài nguyên y tế không dồi dào, thực tế đã có 200.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận vào năm 2019.
Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng con người không phải là vật chủ tự nhiên duy nhất của vi khuẩn. Con tê tê ở châu Mỹ cũng là vật chủ của nó, điều này xảy ra khi người châu Âu chiếm đóng Tân Thế giới và vô tình mang theo loại vi khuẩn này. Đã có nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh phong cùi do tiếp xúc gần với con tê tê.
Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những con tinh tinh bị nuôi nhốt cũng có nguy cơ mắc bệnh phong. Vào tháng 6/2018, các nhà nghiên cứu tinh tinh hoang dã Tây Phi đã nhận thấy những vết thương kỳ lạ giống như bệnh phong gây ra trên một con tinh tinh đực trưởng thành tên Woodstock. Khám phá trên đặt ra câu hỏi liệu có những trường hợp tương tự đã xảy ra trước đây hay không.

Lần đầu tiên phát hiện tinh tinh mắc bệnh cổ xưa của con người
Sau khi điều tra lại cái chết của một con tinh tinh tên Zora, họ phát hiện máu của nó có chứa dấu vết của vi khuẩn bệnh phong, trước khi bị báo hoa mai tấn công và chết năm 2009. Kiểm tra các bức ảnh lúc còn sống của Zora, họ nhận thấy những dị tật trên da của nó giống với các cá thể bị bệnh phong thường có, các mẫu phân được lưu trữ cho thấy bệnh nhiễm trùng đã bắt đầu xảy ra ít nhất bảy năm trước đó. Ngoài ra, nhóm cũng tìm thấy một số trường hợp mắc bệnh phong khác thông qua xét nghiệm trong hai cộng đồng tinh tinh ở quốc gia Côte d’Ivoire và Guinea-Bissau.
“Đây là ghi nhận đầu tiên về bệnh phong xảy ra ở động vật không phải người ở châu Phi”, tác giả chính Kimberley Hockings, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Đại học Exeter ở Anh, cho biết. Ông nói thêm: “Thật ngạc nhiên khi biết nó cũng xảy ra ở họ hàng gần nhất còn tồn tại của chúng ta, loài tinh tinh, đặc biệt khi xem xét mức độ sống của loài trong tự nhiên”. Phát hiện này sau đó đã được công bố vào ngày 12/10 trên tạp chí Nature.
Mặc dù có ý kiến cho rằng nghi phạm chính khiến cho các con tinh tinh mắc bệnh là con người, các nhà nghiên cứu không hoàn toàn chắc chắn nghi ngờ trên. Về mặt di truyền, các chủng trong mỗi cộng đồng tinh tinh là khác nhau và chúng hiếm khi được tìm thấy ở người hay kho lưu trữ mã gen động vật khác.
Thêm nữa, cộng đồng tinh tinh không thường xuyên ở gần con người, mà tiếp xúc lại là điều kiện quan trọng để xảy ra lây nhiễm. Do đó, giả thuyết hợp lý hơn là vi khuẩn bệnh phong có nhiều hơn một cơ thể vật chủ ngoài con người, tinh tinh đã bị lây nhiễm từ một vật chủ không xác định nào đó. Một khám phá thú vị khác là vào năm 2016 các nhà khoa học ở Anh đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sóc cũng mắc bệnh phong.
Một tin tốt là bệnh phong ở tinh tinh rất hiếm gặp. Thực tế, trong số 467 con tinh tinh được quan sát trong cộng đồng nơi Woodstock sống nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu chỉ xác định được tổng cộng 4 trường hợp. Tinh tinh hoang dã không được tiếp cận với thuốc kháng sinh vì vậy giới khoa học lo ngại bệnh phong vẫn có thể đe dọa trực tiếp đến giống loài này. Chúng ta cần tăng cường nghiên cứu thêm để hiểu rõ sự lây lan và nguồn gốc của bệnh phong ở các quần thể tinh tinh hoang dã nếu muốn bảo vệ chúng trong tương lai.
Hockings cho biết:
“Tinh tinh phương Tây đang bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy việc mất đi một vài cá thể cũng gây ra ảnh hưởng đáng kể đến loài”.
Nguồn: Gizmodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top