Lợi nhuận Thế Giới Di Động xuống đáy 3 năm

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Tác động của dịch bệnh khiến lợi nhuận MWG rơi xuống mức thấp nhất 11 quý, tuy nhiên hoạt động kinh doanh đã có sự hồi phục từ tháng 9.
Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III và kết quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm với kết quả trượt dốc vì giãn cách xã hội gần đây.
Tính riêng quý vừa qua, nhà bán lẻ lớn nhất trong nước ghi nhận doanh thu thuần hơn 24.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy biên lợi nhuận tốt hơn giúp lợi nhuận gộp công ty vẫn đạt 6.089 tỷ đồng, tăng trưởng gần 6%.
Do các chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng mạnh, tập đoàn này báo lãi sau thuế còn 786 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 11 quý gần nhất.
Doanh nghiệp lý giải hoạt động trong quý III bị tác động nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Chuỗi bán lẻ hàng công nghệ có gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong phần lớn kỳ báo cáo và chuỗi Bách Hóa Xanh có 40-50% cửa hàng không thể phục vụ khách đến mua trực tiếp từ 23/8 trở đi.
Lợi nhuận Thế Giới Di Động xuống đáy 3 năm

Phục hồi từ tháng 9​

Tập đoàn này cho biết hoạt động trong tháng 9 đã phục hồi đáng kể, doanh thu thuần ghi nhận 8.325 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 333 tỷ, tăng lần lượt 28% và 50% so với tháng 8 sau khi các cửa hàng được phép hoạt động trở lại.
Trong đó, dù có 60% cửa hàng phải tạm đóng cửa/hạn chế bán hàng trong tháng 9, doanh thu của riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) vẫn mang về hơn 6.300 tỷ đồng, khôi phục gần 80% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch.
Kết quả hồi phục theo lãnh đạo doanh nghiệp là nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn hàng, nhân sự, chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh bán hàng ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần nới lỏng từ nửa sau tháng 9.
“Tại các địa phương siết chặt giãn cách xã hội, phần lớn cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng đều ghi nhận lỗ và chi phí vận hành của hệ thống được gánh vác bởi các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để giảm thiểu thiệt hại, ngoài việc điều chỉnh giảm thu nhập của nhân viên, TGDĐ/ĐMX đã trao đổi và nhận được sự hỗ trợ thiện chí của hầu hết chủ mặt bằng, ngoại trừ một số rất ít chủ nhà”, báo cáo của MWG ghi rõ.
Nhờ các thiết bị điện tử - điện máy được giao hàng thông suốt trở lại, hoạt động kinh doanh online cũng bứt phá trong tháng 9 khi đóng góp 1.670 tỷ đồng và chiếm 27% tổng doanh thu của hai chuỗi này. Doanh số online tăng mạnh 118% so với cùng kỳ và gấp đôi mức bình quân thời điểm trước dịch.
Đối với laptop, sản phẩm ghi nhận tăng trưởng vượt bậc do hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong đợt dịch. Ngành hàng này có sản lượng bán hơn 50.000 sản phẩm và doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, tăng 128% so với tháng 9/2020.
Với xe đạp, hiện chuỗi đã có 43 cửa hàng kinh doanh và dự kiến nâng lên 150 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm. Sản phẩm này đóng góp thêm 800 triệu – 1 tỷ đồng doanh thu/tháng/cửa hàng khi đi vào hoạt động ổn định.
Lợi nhuận Thế Giới Di Động xuống đáy 3 năm
Bán xe đạp giúp tăng đến 1 tỷ đồng/tháng cho cửa hàng. Ảnh: MWG
Chuỗi Bách Hóa Xanh có doanh thu tháng vừa qua đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Với doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng khoảng 1 tỷ đồng, mảng này vẫn duy trì được EBITDA dương trong tháng 9.
Riêng kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com chiếm tỷ trọng đến 5% trong tháng vừa qua với doanh số vượt mốc 100 tỷ đồng.

Lợi nhuận 9 tháng vẫn tăng trưởng​

Nhờ kết quả tích cực đầu năm, doanh thu thuần lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận mức tăng 7% lên 86.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 12% đạt 3.338 tỷ đồng. Theo đó đơn vị thực hiện 69% kế hoạch doanh thu và 70% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Về cơ cấu, doanh thu online đóng góp lũy kế gần 9.320 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 14% tổng nguồn thu của tập đoàn.
Tính theo phân khúc, chuỗi TGDĐ/ĐMX vẫn đóng góp lớn nhất với khoảng 63.900 tỷ doanh thu lũy kế, tổng tỷ trọng giảm về 73,6% do mức suy giảm 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó Bách Hóa Xanh đã tăng tỷ trọng đóng góp lên 26% doanh thu nhờ mức tăng trưởng 50% kể từ đầu năm. Chuỗi Bluetronics chiếm tỷ trọng nhỏ 0,4% nhưng tăng trưởng mạnh 263%.
Lợi nhuận Thế Giới Di Động xuống đáy 3 năm
Chuỗi Điện Máy Xanh supermini đến nay đã có hơn 600 cửa hàng hoạt động với doanh thu lũy kế đóng góp hơn 4.400 tỷ doanh thu lũy kế và chiếm gần 12% doanh thu của chuỗi ĐMX. Công ty cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ mở mới trong quý IV để đạt mốc 800 cửa hàng vào cuối năm.
TGDĐ và ĐMX cũng chủ động triển khai gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng tiếp cận nhóm khách hàng mới. Công ty đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh thu online 50% cho cả năm 2021.
Với chuỗi mới Topzone, đây là chuỗi cửa hàng ủy quyền chuyên bán sản phẩm Apple cao cấp tại Việt Nam đã được ra mắt gần đây. Công ty kỳ vọng doanh số cửa hàng diện tích nhỏ khoảng 2-3 tỷ đồng/tháng và cửa hàng diện tích lớn đạt khoảng 8-10 tỷ đồng/tháng. Tập đoàn này đặt mục tiêu mở 50-60 cửa hàng Topzone đến hết quý I/2022 để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple.
Với Bách Hóa Xanh, MWG phân tích các cuộc di chuyển về quê lớn của người dân sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh thời gian tới do TP.HCM và miền Nam là những thị trường trọng yếu đóng góp gần 50% doanh thu của chuỗi.
“Tuy vậy, sức mua dự kiến sẽ dần hồi phục khi các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và người lao động yên tâm quay lại làm việc trong thời kỳ bình thường mới”, theo báo cáo của MWG.
Với An Khang, chuỗi nhà thuốc này có 119 điểm bán đang hoạt động. Doanh thu lũy kế của An Khang gấp 5 lần trong 9 tháng đầu năm và bắt đầu ghi nhận hiệu quả hoạt động tích cực ở cấp độ công ty.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top