Mất khách du lịch vì thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ

Sau một năm mở cửa du lịch, Việt Nam vẫn loay hoay gỡ những nút thắt, nhưng có một nút thắt chưa được quan tâm đúng mức: hệ thống nhà vệ sinh công cộng. 1-Xếp đội sổ Các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đều đã có những tổ chức đánh giá nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố du lịch. QS Supplies - một công ty của Anh chuyên cung ứng các thiết bị vệ sinh trên thế giới như bồn tắm, bồn cầu… thi thoảng có đánh giá nhà vệ sinh trên thế giới qua bảng xếp hạng. Tháng 1-2023, hãng khảo sát 69 thành phố thì Hà Nội xếp 66/69, TP.HCM xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu về số nhà vệ sinh công cộng trên mỗi km2. Thứ hạng này kém xa các thành phố khu vực Đông Nam Á như Kuala Lumpur, Malaysia đứng thứ 42 và Bangkok, Thái Lan ở vị trí 45. Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, không ít lần nhận được lời “kêu cứu” từ người dân, tài xế taxi: “Tôi đã lái xe 2 tiếng rồi, nhưng không tìm được nhà vệ sinh nào để đi cả”; “Khổ nhất là cánh xe ôm, tài xế taxi, khi đi vệ sinh thì dựng xe máy ở đâu, gửi xe ô tô cho ai. Nếu nhà vệ sinh nằm trong công viên, barie chắn đường thì làm sao vào được”. Họ là người lao động không có nhiều thời gian cho việc tìm bãi gửi xe để đi vệ sinh, có khi phí gửi xe còn cao hơn cả phí đi vệ sinh. Làm sao để tất cả mọi người đều có cơ hội giải quyết nhu cầu “xả van” khi cần luôn là vấn đề cần đặt ra. Từ thông tin này, một số báo trên thế giới viết bài, họ hỏi ý kiến những vị khách đã tới Việt Nam và đều nhận được câu trả lời gần giống nhau: “Sài Gòn, Hà Nội là một trong những thành phố mà khách du lịch khó sử dụng nhà vệ sinh nhất trong kỳ nghỉ của chúng tôi”; “Toilet ở Việt Nam là một điểm trừ và không phù hợp với người nước ngoài không biết ngồi xổm”; “Ở Đà Nẵng, ngay cạnh bãi biển thì các nhà vệ sinh không thân thiện với một anh chàng phương Tây như tôi, vì là loại ngồi xổm, giấy vệ sinh không hề có”. Anh Romero, du khách Tây Ban Nha nói: “Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam khá tệ. Tôi chấp nhận vào quán cà phê mua đồ uống vài chục ngàn đồng rồi đi vệ sinh nhờ chứ không dám sử dụng toilet công cộng”. Hà Nội, có trên 8,5 triệu dân hiện có gần 400 nhà vệ sinh công cộng. TP.HCM khoảng 10 triệu dân, đông hơn Hà Nội gần 2 triệu dân, nhưng chỉ có trên 200 nhà vệ sinh công cộng. Nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở các điểm như vườn hoa, công viên, hồ điều hòa, bến xe, nhà ga... Chất lượng nhà vệ sinh của cả hai thành phố lớn này đều là nỗi ám ảnh ngay với dân mình chưa nói tới khách Tây. Số nhà vệ sinh sạch sẽ, phục vụ tốt thì ít, số xuống cấp, rò rỉ nước, thậm chí không thể sử dụng được thì nhiều, loại xây bằng gạch thì bong tróc, loại bằng inox rỉ sét…, có cái thiếu nước rửa tay, giấy vệ sinh, tiêu thoát nước chậm, phát tán mùi xú uế. Sự xuống cấp không chỉ xảy ra ở những nhà vệ sinh trong công viên ngoại thành, mà còn ở những nhà vệ sinh thuộc trung tâm thành phố: Hồ Hale (Thiền Quang) có hai nhà vệ sinh thì một cái phía giáp với Cung Thanh niên, rất xập xệ, rỉ nước và tôi thấy thường khóa cửa. Người tỉnh xa về, hoặc những anh xe ôm thường “xả van” ngay đầu cầu qua hồ vào Cung Thanh niên. Nhà vệ sinh tại ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ, bên ngoài trang trí khá đẹp, 4 cabin vệ sinh được ốp gỗ, nhưng khi tôi tới thì chỉ có hai cabin dùng được, bên trong bốc mùi khó chịu.
Mất khách du lịch vì thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ
Nhà vệ sinh ở Hồ Hale, đối diện với Cung Thanh niên, luôn khóa cửa
Mất khách du lịch vì thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ
Mất khách du lịch vì thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ
Người dân “xả van” ngay trước Cung Thanh niên 2-Có tiêu chuẩn nhà vệ sinh, nhưng khó thực hiện Là nước có chính sách mở cửa du lịch sớm sau dịch Covid-19, nhưng Việt Nam lại đang “về sau” khi kết thúc năm 2022, cả nước chỉ đón được 3,5 triệu khách quốc tế, bằng 70% so với kế hoạch. Đâu là nguyên nhân? Các doanh nghiệp du lịch vẫn phụ thuộc vào khách truyền thống, chính sách visa vẫn chưa thật sự cởi mở, nguồn nhân lực có kỹ năng làm du lịch còn thiếu sau dịch, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn, thiếu bản sắc. Còn nguyên nhân không thể bỏ qua - nhà vệ sinh công cộng quá thiếu và bẩn. Ông Jack Sim, Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh thế giới (WTO-World Toilet Organization) đã hơn một lần nói: “Nhà vệ sinh cho khách du lịch là vấn đề thiết yếu của ngành du lịch. Không có nhà vệ sinh, không có khách du lịch. Dịch vụ kém, ít người tới. Việc khách du lịch truyền miệng nhau có thể thúc đẩy công việc kinh doanh ở Việt Nam, nhưng cũng có thể huỷ diệt danh tiếng của bạn, vì họ có quá nhiều điểm đến để chọn lựa”. Nếu muốn phát triển du lịch một cách bền vững, chúng ta cần phải xây dựng hình ảnh du lịch từ cái nhà vệ sinh. Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra Tiêu chuẩn chung về nhà vệ sinh công cộng, như: Có chiều cao tối thiểu là 2,5m, tường ốp gạch men và sàn lát bằng vật liêu chống trơn; Diện tích tối thiểu dành cho người trưởng thành là 2,5 m2 ; Phải đảm bảo hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y Tế: Cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên; Mặt sàn và rãnh nước nhà vệ sinh phải nhẵn, không đọng nước, không lún; Nước tiểu phải được dẫn ra dụng cụ chứa, không chảy vào hố phân; Phải có biển báo nhà vệ sinh công cộng rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, ở những nơi đặc thù cần thiết phải có những loại ngôn ngữ khác. Nhà vệ sinh phải có đầy đủ các thiết bị vệ sinh cần thiết, hoạt động tốt, được lắp đặt chắc chắn, sắp xếp gọn gàng; Nếu có điều kiện, cần bố trí có ít nhất một nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật. Nhưng qua khảo sát và lấy ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành về các điểm bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, khách du lịch thường xuyên đến tham quan ở Hà Nội và Tp.HCM thấy, nhiều nhà vệ sinh ở các điểm trên chưa đạt tiêu chuẩn. Cái khó để đạt tiêu chuẩn là bởi một số điểm được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, do thiếu đất mở rộng, hơn nữa việc xây dựng, sửa chữa các công trình vệ sinh này lại liên quan đến quy hoạch bảo tồn di tích, thủ tục xét, phê duyệt diễn ra khá phức tạp, chậm chạp. Ngành du lịch, ngành văn hóa cùng trong một Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch mà còn chậm chạp vậy, với những vấn đề có liên quan tới nhiều ngành khác thì tốc độ “rùa bò” trong thủ tục hành chính là chuyện đương nhiên. Đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính vẫn là điều “cần phải làm ngay”. Với những nơi có đủ điều kiện nhưng không xây dựng được nhà vệ sinh công cộng đủ tiêu chuẩn vì trước đây “lơ là với khách du lịch” thì nay phải quan tâm đúng mức. 3-Giải pháp tình thế Vị Chủ tịch WTO đã giúp một số nước như Ấn Độ, Liên bang Nigeria - một quốc gia thuộc khu vực Tây Phi là nước đông dân nhất châu Phi, cải thiện rất nhiều trong vệ sinh công cộng. Có lần tới thăm nước ta ông cũng gợi ý, “Việt Nam có thể tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhà vệ sinh thế giới và bắt đầu cuộc “Cách mạng nhà vệ sinh Việt” như Trung Quốc đã làm 6-7 năm qua, biến toilet công cộng thành một nơi tuyệt vời cho tất cả mọi người, kể cả người dân địa phương và khách du lịch”. Hiện nay nhiều thành phố trên cả nước đang xây dựng “Thành phố thông minh, hiện đại” có quy hoạch nơi “vệ sinh công cộng thông minh”. Nhưng đó là chuyện lâu dài, chiến lược. Phải thực hiện ngay giải pháp tình thế: Các khu vực trung tâm có đông khách du lịch tham quan cần cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang nhà vệ sinh xuống cấp, nếu đạt được tiêu chuẩn như Tổng cục Du lịch thì đáng mừng, nếu không chỉ cần lấy tiêu chuẩn “sạch sẽ” làm đầu, phục vụ nhu cầu du khách 24/24 giờ, thì đã có thể xóa đi “nỗi sợ hãi” của khách rồi. Xây một nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn du lịch thường tốn khoảng 2,7 tỉ và 2,2 tỉ tiền chi phí vận hành trong 1 năm, phải mất 4-5 năm hoạt động mới có thể đủ chi phí đầu tư ban đầu và còn nhiều chi phí khác trong quá trình hoạt động phát sinh. Do đó nhiều doanh nghiệp rất băn khoăn, tính toán thuần túy kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không dễ dàng để cân đối. Mà cân đối không được thì các nhà vệ sinh công cộng lại rơi vào cảnh vận hành kém chất lượng, xập xệ, nhếch nhác, có mà còn tệ hơn không có. Một giải pháp khác trong phạm trù “xã hội hóa” là, các cơ sở kinh doanh “chia sẻ nhà vệ sinh”. Pháp là nước thu hút nhiều khách du lịch, số nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm rất thiếu, việc xây mới cũng rất khó. Một sáng kiến đã nảy ra, vận động các quán ăn, nhà hàng tư nhân cho khách du lịch, khi có nhu cầu, có thể vào nhà vệ sinh để sử dụng. Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam lúc này cần vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền và mở ngay cuộc vận động, tôi tạm gọi là “Cuộc vận động hỗ trợ nhà vệ sinh” ở tại các trục đường lớn, đường chính, khu vực có đông người qua lại bằng cách cho phép khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh. Vận động thêm các điểm như trường học, công sở, các cơ quan của hệ thống chính trị tăng cường thêm cho mạng lưới nhà vệ sinh để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Và khi tham gia, các cơ sở đó sẽ được gắn biển báo cho người dân và du khách dễ tiếp cận. Theo quy chuẩn quốc tế, khoảng cách 300-500m đường nên có một nhà vệ sinh công cộng. Nước ta có rất nhiều khu du lịch, bãi biển… đi vài cây số mới bắt gặp nhà vệ sinh. Như ở Hà Nội, dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt dài hơn 3km mới có một nhà vệ sinh công cộng nằm ở đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng. Ở Sài Gòn có kênh Nhiêu Lộc, dài cả chục cây số mà không có nhà vệ sinh. Với những tuyến đường nào xây mới được thì xây, còn nếu không nhanh chóng lắp đặt nhà vệ sinh lưu động ở những vị trí cần thiết. Ngoài nâng cấp chất lượng, xây mới, hoặc bằng cách xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng thì câu chuyện “ý thức vệ sinh của người Việt kém, cần nâng cao” vẫn là “chuyện thường ngày”. Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh hoạt mà còn thể hiện văn hóa, lối sống của một cộng đồng, một đất nước. Mỗi người hãy hình thành thói quen không khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện bừa bãi và có những việc làm thiết thực để góp phần giữ gìn vệ sinh chung. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

ongnam8

Pearl
Ý kiến cho rằng Xã hội hóa nhà Vệ sinh là thực tế nhất. Vận động các hộ gia đình gần đường giao thông, Quán hàng tiếp nhận và cho khách vào vệ sinh trả tiền theo mức hợp lý nhất. Bên cạnh đó chính quyền địa phương hỗ trợ hàng tháng lấy từ nguồn của tỉnh thành phố trực thuộc. Cơ quan VHDL&TT bỏ tiền ra. Vào một nơi xa lạ lúc lâm sự thì chỉ có mà úp mặt vào tường. Du lịch gì mà lại như vậy
 
Thành viên mới đăng
Top