“Mổ bụng” Studio Display: màn hình hay iMac trá hình?

Studio Display không chỉ trông như một chiếc iMac, mà quá trình mở bung nó ra cũng không khác gì sản phẩm cùng nhà. Bạn có thể (nhưng không nên tự thực hiện) dùng bộ dụng cụ sửa chữa iMac để vô hiệu hóa lớp keo dính bên dưới, và giống như iMac M1, màn hình này không hề có phần “cằm” để làm điểm tựa cho màn hình.
Để chắc ăn, hãy dùng cốc hút cỡ lớn để nâng màn hình lên một mức vừa đủ để tháo được cáp kết nối. Bạn có thấy nội thất của Studio Display giống của một chiếc iMac dùng chip Intel không nào?
“Mổ bụng” Studio Display: màn hình hay iMac trá hình?

Camera

Đầu tiên, hãy tháo cụm webcam đáng thất vọng trước. Mọi review về Studio Display đều nói rằng chất lượng camera này cực tệ. Đổ lỗi cho phần cứng thì dễ rồi, nhưng có thực sự như vậy không? Tháo lớp màng nhựa mỏng ra, vài miếng băng dính đồng nữa, và bạn sẽ thấy camera siêu rộng 12MP lộ diện.
Camera selfie trên iPhone 11 từ vài năm trước cũng là camera siêu rộng 12MP, và tại sao chúng ta lại nhắc đến iPhone 11 ở đây? Vì chúng gần như giống hệt nhau! Xét về phần cứng, cảm biến đã 3 năm tuổi này hoàn toàn đủ khả năng để cho ra chất lượng hình ảnh đẹp - xét cho cùng, số chấm không phải là thứ gì đó quan trọng cho lắm. Apple cho biết họ đang nghiên cứu giải pháp khắc phục, và có khả năng một bản cập nhật phần mềm sẽ cứu vớt được thảm họa nho nhỏ này!
“Mổ bụng” Studio Display: màn hình hay iMac trá hình?

Màn hình

Bởi Studio Display là một màn hình, chúng ta nên đi sâu hơn một chút về... màn hình, nhỉ? Màn hình 5K này được bê nguyên xi từ iMac, và dù tấm nền LCD 60Hz của nó không có gì đặc sắc, ít nhất thì Apple cũng cho phép chúng ta sắm một màn hình 5K đẹp mắt mà không phải mang về cả một chiếc máy tính bên trong.

Chân đế và cáp

Sau khi tháo vài con ốc bản lề, bạn có thể dễ dàng tháo sợi cáp nguồn cứng đầu ra - cách này có vẻ đơn giản hơn so với cách mà một số reviewer đề cập đến trên YouTube, thậm chí chẳng cần dùng đến dụng cụ chuyên dụng của Apple nữa.
“Mổ bụng” Studio Display: màn hình hay iMac trá hình?

Bộ nguồn

Đây mới là phần thú vị khi mổ bụng Studio Display. Hẳn là lần đầu tiên bạn nhìn thấy một hãng cắt lỗ trên bo mạch để đưa tụ vào đúng không? Apple chưa bao giờ khiến chúng ta hết bất ngờ. Họ thực sự đã bỏ khá nhiều công sức và chi phí để thiết kế nên một bộ nguồn mỏng đến mức này. Muốn đưa bộ nguồn vào màn hình, hãng đã đưa ra 3 quyết định về mặt thiết kế, và chúng giúp Studio Display thực sự khác biệt so với iMac:
-Đầu tiên, trang bị quạt lớn để tản nhiệt từ bộ nguồn, vốn nóng hơn nhiều khi hoạt động so với một vi xử lý A13 đơn giản.
-Thứ hai, tách đôi bo mạch nguồn và cắt nhiều phần phức tạp để đưa các linh kiện dày hơn bình thường vào đó - đội ngũ kỹ sư Apple rõ ràng không hề ngồi chơi xơi nước như người ta hay cà khịa!
-Và cuối cùng, Studio Display dày hơn iMac khoảng 50%. Nếu Apple chọn cách sử dụng bộ nguồn gắn ngoài, thứ này sẽ có thiết kế giống hệt iMac.

Bo mạch

Tiếp theo là bộ não của màn hình. Với chip A13 Bionic và bộ nhớ lưu trữ 64GB vì lý do gì đó mà chẳng ai biết, chiếc iMac mini này cũng có thể được xem như một chiếc iPhone khổng lồ - nó thậm chí còn chạy iOS cơ đấy!
“Mổ bụng” Studio Display: màn hình hay iMac trá hình?

Loa

Loa của Studio Display có thể không thanh mảnh như của iMac M1, nhưng chắc chắn khá ấn tượng so với những màn hình khác.
Đừng bị đánh lừa bởi hai con ốc Torx đơn giản, hay lớp keo quanh viền của nó. Cặp loa này bị dán khá cứng, nhẹ nhàng thôi.
Một hệ thống loa khi hoạt động sẽ sản sinh ra xung lực, và đó là một vấn đề lớn. Do đó, Apple đã thiết kế hệ thống loa trầm khử lực khá thú vị để hạn chế ảnh hưởng.

Cổng kết nối

Cuối cùng, hãy nói về cổng kết nối trên Studio Display. Màn hình Retina 5K 27-inch này có 3 cổng USB-C, và bởi nó chỉ có một Thunderbolt 4, bạn không thể kết nối thêm nhiều màn hình thông qua phương thức daisy chain. Nếu muốn dùng nhiều màn hình, bạn cần cắm thẳng chúng vào máy tính.
Nếu thay cổng USB-C thứ ba bằng Thunderbolt, thêm jack headphone, thì bạn sẽ có một chiếc iMac! Tuy nhiên, iMac còn có thêm một cổng nữa là ethernet, và cổng này thì không thể lắp vừa kiểu dáng siêu mỏng của máy nên Apple phải đưa nó vào bộ nguồn gắn ngoài.

Clip mổ bụng Studio Display của iFixit

Kết luận

Bạn có thấy chiếc iMac ở chiều không gian khác này thú vị chứ? Đây là bằng chứng cho thấy khả năng giải quyết vấn đề ấn tượng của Apple. Nếu họ có thể chế tạo một bộ nguồn mỏng như trên, có lẽ họ cũng sẽ tìm ra cách để việc sửa chữa thiết bị trong tương lai dễ dàng và an toàn hơn nhiều.
Tham khảo: iFixit

>>Đánh giá Studio Display 5K: râu ria thì ngon nhưng công nghệ hiển thị lại lỗi thời

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top