VNR Content
Pearl
Sau khi băng hà, vua Khang Hy được an táng trong Thanh Cảnh Lăng cùng với vô số ngọc ngà châu báu, đồ cổ... Do vậy, lăng mộ bị mộ tặc xâm phạm, đánh cắp đồ tùy táng. Điều này khiến Thanh Cảnh Lăng bị phá hủy nghiêm trọng.
Vua Khang Hy (1654 - 1722) là hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh. Ông là một trong những vị vua có thời gian trị vì lâu nhất lịch sử với 61 năm ngồi trên ngai vàng. Trong hơn 6 thập kỷ cai trị, hoàng đế Khang Hy đã đưa nhà Thanh bước vào thời kỳ hưng thịnh với nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị...
Giống như nhiều vị vua đời trước, hoàng đế Khang Hy chuẩn bị lăng mộ cho bản thân từ khá sớm. Ông hoàng này cho người xây dựng Thanh Cảnh Lăng từ năm 1676 và hoàn thành vào năm 1681. Đến năm 1722, hoàng đế Khang Hy băng hà và được mai táng trong Thanh Cảnh Lăng. Ông hoàng này được chôn cất cùng 4 hoàng hậu, 48 phi tần và một hoàng tử.
Do là lăng mộ của một trong những ông hoàng nổi tiếng nhất của nhà Thanh nên hoàng đế Khang Hy được chôn cất cùng với vô số vàng bạc châu báu, đá quý, đồ cổ, tranh vẽ, thư pháp, bảo kiếm...
Chính điều này khiến Thanh Cảnh Lăng trở thành mục tiêu dòm ngó của những kẻ trộm mộ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, lần đầu tiên nơi an nghỉ của vua Khang Hy bị trộm mộ đào xới, đánh cắp cổ vật là năm 1928. Thủ phạm gây ra vụ trộm này là Tôn Điện Anh (1889 - 1947). Gã cũng là người đã dẫn theo nhiều tên trộm cướp bóc bảo vật trong lăng mộ của Từ Hy Thái hậu và vua Càn Long.
Lấy danh nghĩa quân đội diễn tập quân sự, Tôn Điện Anh cùng đồng bọn phong tỏa khu vực xung quanh Thanh Cảnh Lăng. Do mãi không phá được cửa nên nhóm trộm mộ quyết định dùng bom phá lối vào.
Khi tiến vào bên trong, nhóm của Tôn Điện Anh vơ vét nhiều đồ tùy táng giá trị tại nơi an nghỉ của vua Càn Long. Thậm chí, thi hài của nhà vua cũng bị những kẻ trộm mộ hủy hoại.
Trong những năm tiếp theo, Thanh Cảnh Lăng bị nhiều tên trộm mộ khác đột nhập và lấy đi một số cổ vật quý giá còn lại. Vào năm 1945, một nhóm cướp khoảng 300 người đã đột nhập Thanh Cảnh Lăng lấy cắp bảo vật và phá hủy nhiều kiến trúc bên trong lăng mộ.
Đến năm 1952, các chuyên gia Trung Quốc tiến hành lên kế hoạch khai quật, bảo tồn Thanh Cảnh Lăng. Thế nhưng, khi các chuyên gia mới tiến vào bên trong lăng mộ thì thấy mùi khó chịu bốc lên.
Đi tiếp một đoạn, họ nhận thấy nước ngày càng sâu. Khi đến gần quan tài, nước ngập đến thắt lưng của các nhà khảo cổ và mùi khó chịu hơn khiến họ không thể chịu được nên nhanh chóng trở lên.
Do điều kiện trong Thanh Cảnh Lăng quá nguy hiểm nên các chuyên gia quyết định niêm phong Thanh Cảnh Lăng từ đó cho đến bây giờ để đảm bảo an toàn. Sở dĩ họ quyết định như vậy vì tình trạng lăng mộ quá xấu. Nếu các chuyên gia cố gắng tiếp cận thì có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Thêm nữa, nếu trùng tu sửa chữa thì sẽ mất khá nhiều thời gian và công việc có thể không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ khiến lăng mộ bị phá hủy hoàn toàn.
Theo Kienthuc.net.vn
Theo Kienthuc.net.vn