Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa

Á
Ánh Mai
Phản hồi: 0

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Tesla chấp nhận Bitcoin, Dogecoin tăng giá, vũ trụ ảo, Trung Quốc cấm tiền điện tử và NFT là những sự kiện đánh dấu một năm đầy cảm xúc của thị trường crypto.
12 tháng vừa qua là giai đoạn lịch sử khi Bitcoin, Ethereum và các đồng tiền khác liên tục ghi nhận những kỷ lục mới. Vốn hóa thị trường lần đầu chạm cột mốc 3.000 tỷ USD vào đầu tháng 11. Token không thể thay thế (NFT), vũ trụ ảo (metaverse) thay phiên nhau định hình xu hướng truyền thông của năm qua.
Những thành tựu trên đạt được không chỉ nhờ vào tốc độ phát triển thần tốc của các dự án tiền mã hóa mà còn đến từ các phản ứng của các tỷ phú công nghệ như Elon Musk, Jack Dorsey, Mark Zuckerberg.
Nốt trầm trong năm qua đến từ các lệnh cấm gắt gao của Trung Quốc khi quốc gia này chính thức xem việc giao dịch tiền mã hóa hay đào Bitcoin là trái với luật pháp.

Elon Musk thổi giá Bitcoin và Dogecoin​

Đầu tháng 2, CEO Elon Musk thông báo trên Twitter rằng Tesla đã đầu tư lượng Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD nhằm đa dạng lượng tiền dự trữ của công ty. Ngoài ra ban lãnh đạo của Tesla cũng ấp ủ ý định cho phép khách hàng thanh toán tiền mua xe điện bằng Bitcoin.
Chỉ trong vòng vài tiếng, giá BTC tăng vọt từ mức 38.000 USD lên 46.000 USD, kéo theo đó là đà hưng phấn của thị trường giúp vốn hóa của Bitcoin đạt mốc 1.000 tỷ USD vào hôm 19/2.
Nhờ vào những bài đăng ủng hộ tiền mã hóa, Elon Musk trở thành người có ảnh hưởng nhất thị trường này trong năm 2021. Mỗi hành động của ông trên Twitter được các nhà đầu tư theo dõi sát sao.
Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa
Giá của đồng Doge thay đổi mỗi khi Elon nhắc đến. Ảnh: CoinDesk.
Khi Elon Musk thêm hashtag Bitcoin trên trang cá nhân của mình, thị trường ngay lập tức tăng 11%. Ngoài ra, đồng Dogecoin kể từ khi được CEO Tesla chú ý, mức giá của nó cũng biến động theo từng lời nói của ông.

Tháng 5 lao dốc​

Elon Musk đưa BTC lên đỉnh giá, cũng là người góp phần khiến đồng tiền này lao dốc. Hôm 13/5, Elon Musk cho biết Tesla sẽ ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì yếu tố môi trường.
Ngay lập tức, cả thị trường tiền số chuyển sang sắc đỏ. Nhiều nhà đầu tư trở nên nghi ngờ về tiền mã hóa, thậm chí các quỹ đầu tư cũng quay lưng khi phố Wall chú tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong các quyết định đầu tư của mình.
Ngày 18/5, 3 cơ quan lớn tại Trung Quốc là Hiệp hội Tài chính, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc yêu cầu các tổ chức tài chính và công ty thanh toán trong nước không được cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa.
Vài tiếng sau cả thị trường tiền số vỡ vụn, Bitcoin, Ethereum và các đồng nền tảng khác ghi nhận mức giảm 50% so với đỉnh vào cuối tháng 4.
Không dừng lại, chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra các lệnh cấm khác. Cuối tháng 9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo tất cả hoạt động liên quan đến tiền mã hóa đều phi pháp và yêu cầu mọi sàn giao dịch phải đóng cửa.
Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa
Tỉ lệ máy đào tại Trung Quốc giảm mạnh sau lệnh cấm. Ảnh: CBECI.
Số lượng máy đào Bitcoin tại Trung Quốc giảm xuống gần bằng không chỉ trong vài ngày. Mỹ và Nga là điểm đến của các trại đào chọn phương án rời khỏi đại lục. Thị trường tiền mã hóa cũng lao đao trong suốt quãng thời gian chính phủ Trung Quốc ban hành các lệnh cấm.

Các tay chơi mới​

Thị trường tiền mã hóa, đặc biệt là lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) trong năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ, phá vỡ thế độc tôn của Ethereum như Solana (SOL) và Avalanche (AVAX).
Mạng lưới Ethereum trở nên kém hấp dẫn khi phí giao dịch ngày một đắt đỏ khiến người dùng tiền mã hóa bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế. Solana nổi lên như câu trả lời cho bài toán trên.
Cơ chế đồng thuận bằng chứng lịch sử (PoH) kết hợp với bằng chứng cổ phần (PoS) và nhiều công nghệ mới giúp cho mạng lưới Solana có thể thực hiện tối đa 700.000 giao dịch trên giây với mức phí chưa tới 0.00005 USD so với con số trung bình 12 USD của Ethereum.
Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa
Solana có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Ảnh: CoinMarketCap.
Avalanche giải một bài toán khác của Ethereum. Tốc độ giao dịch chậm là nỗi ám ảnh của người dùng hệ sinh thái Ether. Mạng lưới Avalanche được phân thành 3 blockchain riêng biệt, mỗi chuỗi giải quyết một vấn đề khác nhau. Nhờ đó nền tảng này có thể xác thực giao dịch trong vòng một giây. Đối với Ethereum, con số thường dao động từ 5 phút đến một tiếng.
Ngoài những cái tên kể trên thì Polkadot (DOT), Near (NEAR) hay Cardano (ADA) cũng được kỳ vọng sẽ trở thành “nền tảng đánh bại Ethereum”. Cuộc cạnh tranh giữa các dự án giúp cho thị trường tiền mã hóa trở nên đa dạng và an toàn hơn việc để Ethereum độc chiếm nền tài chính phi tập trung.

NFT và GameFi​

Có thể nói 2021 chính là năm của NFT. Công nghệ này được áp dụng ở các lĩnh vực như tranh ảnh số, âm nhạc và điện ảnh để bảo vệ bản quyền.
Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa
Giao diện của trò chơi Axie Infinity. Ảnh: The Financial Analyst.
Ngoài ra, lĩnh vực game cũng có những áp dụng NFT mạnh mẽ và đem về thành công lớn. Axie Infinity, trò chơi ứng dụng công nghệ blockchain được phát triển bởi đội ngũ người Việt ghi dấu ấn với mức vốn hóa cao nhất ở mốc 9 tỷ USD.
Bước đệm đến từ Sky Mavis đã mở ra xu hướng phát triển mới cho các studio game nhỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam khi dòng vốn đầu tư liên tục đổ vào các dự án blockchain.

Facebook mở đầu xu hướng Metaverse và Web3​

Ngày 29/10, Mark Zuckerberg chính thức đổi tên công ty của mình thành Meta nhằm thể hiện chiến lược giúp metaverse phổ biến trong 10 năm tới. Bước đi của Facebook giúp cho vũ trụ ảo và Web3 tiến lên sân khấu chính sau quãng thời gian phát triển âm thầm.
Các dự án gắn với metaverse như game blockchain The Sandbox (SAND) hay Decentraland (MANA) đã tăng trưởng vài trăm phần trăm chỉ trong vài ngày. Nhờ vào vũ trụ ảo, lần đầu tiên các cơn sốt đất, du thuyền số trở nên phổ biến.
Một năm đầy cảm xúc của thị trường tiền mã hóa
Khung cảnh bên trong trò chơi Decentraland. Ảnh: Newshub.
Các tập đoàn lớn như Microsoft, Nike, Adidas cũng không đứng ngoài cuộc. Danh sách các công ty tham gia cuộc đua xuất hiện trên metaverse nhằm chiếm lấy những vị trí quảng cáo đẹp trong thế giới ảo đang ngày một dài.
Bên cạnh những điểm nhấn chính kể trên, các xu hướng khác như coin động vật hay một số quốc gia chấp nhận Bitcoin trong hoạt động thanh toán cũng góp phần tạo nên bức tranh tiền mã hóa trong năm vừa qua. Mặc dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta có thể tin tưởng vào năm 2022 khởi sắc hơn.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top