Muốn nâng cao trải nghiệm người dùng, smartphone cần được trang bị thêm nhiều nút bấm vật lý hơn

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Thiết kế smartphone đã thay đổi rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Bàn phím trượt và jack headphone bị loại bỏ nhằm đổi lấy thiết kế mỏng, nhẹ. Số lượng nút bấm trên thân máy cũng bị cắt giảm, và các nhà sản xuất có lẽ nên xem xét lại vấn đề này.
Một chiếc smartphone ngày nay thường có 3 nút bấm: tăng âm lượng, giảm âm lượng, và nút nguồn. Tất nhiên vẫn có một vài ngoại lệ - như chiếc iPhone SE chẳng hạn - nhưng đại đa số điện thoại đều đi theo hướng thiết kế này. Dẫu biết có những lý do hợp lý cho điều này, nhưng thành thật đi: bạn có nhớ những nút bấm tiện dụng hay không?
Muốn nâng cao trải nghiệm người dùng, smartphone cần được trang bị thêm nhiều nút bấm vật lý hơn

Nút bấm đã đi đâu?

Smartphone từng có rất nhiều thành phần di chuyển, như bàn phím trượt, màn hình xoay, bi lăn, và tất nhiên là nút bấm. Đã có lúc hầu hết các thiết bị Android đều sở hữu đến 4 nút bấm điều hướng.
Dần dần, nhiều tính năng nói trên bị loại bỏ. Ngày nay, rất hiếm khi bạn thấy những chiếc điện thoại có bàn phím hay các nút điều hướng vật lý nữa. Một lý do chính là nhằm tăng độ bền cho thiết bị - hiển nhiên là tốt cho người dùng rồi!
Các thành phần di chuyển có tỷ lệ hư hỏng cao hơn nhiều so với bình thường. Bàn phím trượt có xu hướng bị lỏng, các phím ký tự ngừng hoạt động, nút bấm bị lờn… Bạn có lẽ từng nghe một người bạn than vãn vì nút Home của iPhone bị hỏng rồi chứ?
Loại bỏ những thành phần đó giúp điện thoại ít bị hỏng hóc hơn. Điều tương tự cũng đúng với các cổng, như jack headphone chẳng hạn. Mọi cổng đều là cửa ngõ để nước và bụi xâm nhập. Một thiết bị càng ít thành phần di chuyển và khe hở sẽ càng bền.
Muốn nâng cao trải nghiệm người dùng, smartphone cần được trang bị thêm nhiều nút bấm vật lý hơn

Tại sao chúng ta cần nút bấm?

Về cơ bản, bạn không cần bất kỳ nút bấm nào trên điện thoại thông minh ngày nay cả. iPhone và Android đều có hệ thống điều hướng cử chỉ và nhiều tùy chọn để kiểm soát âm lượng cũng như bật/tắt nguồn bằng màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, lý do các nút bấm vật lý vẫn tồn tại là bởi chúng tiện lợi hơn phần mềm.
Nhưng tại sao chúng ta chỉ tận hưởng sự tiện lợi đó với nút nguồn và âm lượng? Có hàng tá thứ có thể thực hiện với một cú nhấn nút. Nhiều điện thoại Android còn cho phép bạn thực hiện một tác vụ nào đó bằng cách bấm nút nguồn hai lần.
Điện thoại hiện nay đều được trang bị trợ lý ảo, nhưng phương thức để kích hoạt nhanh chúng thì chưa tối ưu lắm. Cách nhanh nhất có lẽ là sử dụng giọng nói, nhưng nếu bạn không muốn điện thoại liên tục lắng nghe (vì sẽ gây hao pin) thì sao? Một số điện thoại Android giải quyết điều này bằng nút bấm Google Assistant siêu tiện lợi.
Còn ứng dụng ví nữa. Đó có lẽ là thứ bạn cần mở lên thật nhanh khi muốn thanh toán tại các cửa hàng, hoặc để trình vé vào rạp phim, lên tàu, lên máy bay… Nếu thanh toán di động sẽ thay thế thẻ vật lý trong tương lai, thì việc sử dụng nó cần phải dễ dàng hơn so với việc rút ví ra khỏi túi quần.
Tóm lại, ai cũng có những ứng dụng hay chức năng mà họ muốn truy cập thật nhanh chóng. Chỉ cần một nút bấm cho phép lập trình để làm bất kỳ thứ gì bạn muốn cũng đã tiện lợi lắm rồi!
Muốn nâng cao trải nghiệm người dùng, smartphone cần được trang bị thêm nhiều nút bấm vật lý hơn

Có thể thêm nút bấm vào điện thoại được không?

Đáng buồn thay, ngành công nghiệp di động đang tìm mọi cách để tránh xa các nút bấm. Khả năng cao trong thời gian tới, điện thoại sẽ có ít nút bấm hơn hiện nay. Vậy bạn có thể làm gì nếu muốn có thêm nút bấm trên điện thoại? Có một vài gợi ý đây.
Đầu tiên là thêm nút bấm rời. Với sự trợ giúp của một món đồ khá thú vị, bạn có thể thêm đến 4 nút bấm mới vào chiếc điện thoại của mình nếu nó hỗ trợ NFC (bao gồm hầu hết các mẫu iPhone với iOS 14 trở lên, và đại đa số các thiết bị Android). Sản phẩm này gọi là “Dimple.io” và nó về cơ bản là các thẻ NFC được thiết kế như nút bấm, gắn vào mặt lưng của điện thoại nơi đặt chip NFC. Khi bạn nhấn nút bấm, thẻ NFC chạm vào và kích hoạt hành động mong muốn. Ứng dụng Dimple.io cho phép bạn thiết lập hành động trên Android. Với iPhone, bạn có thể dùng tính năng Shortcuts, dù sẽ hạn chế hơn Android nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Muốn nâng cao trải nghiệm người dùng, smartphone cần được trang bị thêm nhiều nút bấm vật lý hơn
Nếu không muốn gắn thêm nút bấm vào mặt lưng điện thoại, bạn có thể sử dụng các nút bấm có sẵn. Cả iPhone và Android đều có các phương thức để thực hiện hành động khi bạn chạm vào mặt lưng máy. Dù không phải là nút bấm vật lý, nhưng cũng không khác nhau là bao nhỉ? Người dùng Android có thể sử dụng các ứng dụng bên thứ ba để gán hành động cho các nút bấm hiện có. Ví dụ như ứng dụng “Button Mapper”, cho phép gán nút bấm và lối tắt, như bấm đôi hoặc bấm ba lần. Ứng dụng này miễn phí, và có thể trả phí để nâng cấp nếu bạn thấy hữu ích.
Những ngày tháng mà smartphone còn được trang bị nhiều nút bấm dường như đã trôi qua từ lâu, và đó thực sự là điều rất đáng tiếc. Kể cả nếu được mang trở lại, những nút bấm đó có lẽ cũng sẽ bị các nhà sản xuất giới hạn vào một chức năng cụ thể nào đó. Điện thoại là một công cụ, và chúng nên hoạt động theo cách chủ nhân muốn. Có thêm nút bấm chắc chắn sẽ khiến quá trình sử dụng thiết bị được cải thiện đáng kể!
Tham khảo: HowToGeek

>>> Nhìn nút Bixby của Samsung, ta mới thấy tiếc thương cho số phận của nút bấm chuyên dụng

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top