Netflix chuyển hướng làm phim dài hơn, chất hơn và ít hơn

Dài hơn, chất lượng hơn, ít hơn. Đó là thông điệp đang được Netflix truyền tải đến các lãnh đạo mảng phim truyện, đứng đầu bởi giám đốc bộ phận phim Scott Stuber, trong bối cảnh gã khổng lồ stream loay hoay tìm cách thay đổi đường hướng và đối mặt với những thách thức mới, như sự sụt giảm lượng người dùng (Netflix đã mất 200.000 người dùng trong quý gần đây nhất) và gia tăng cạnh tranh từ các đối thủ (gói Disney+, Hulu và ESPN+ của Disney hiện có tổng cộng 205 triệu người dùng, chỉ thua 221 triệu người dùng toàn cầu của Netflix).
Trang Hollywood Reporter đã tìm hiểu nhiều nguồn biết việc, từ các lãnh đạo hãng phim, đến các nhà sản xuất, và cả các công ty có quan hệ hợp tác với Netflix, để vẽ nên bức tranh toàn cảnh về nỗ lực của gã khổng lồ stream trên con đường tìm lại ánh hào quang sau bản báo cáo lợi nhuận gây sốc hồi 19/4 năm nay (cổ phiếu Netflix đã đánh mất đến 44% giá trị kể từ hôm đó). "Tinh thần của công ty tụt theo giá cổ phiếu" - một lãnh đạo nửa đùa nửa thật. Một lãnh đạo khác miêu tả tâm trạng của đội ngũ nhân viên Netflix ngay lúc này là "rối bời".
Cũng dễ hiểu thôi. Sau sự cố, công ty này đã phải lựa chọn giải pháp cắt giảm hơn 150 nhân lực, tức 2% tổng số nhân viên. Bộ phận TV và một số bộ phận khác của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng bộ phận phim truyện mới "đứng mũi chịu sào". Bộ phim phim live-action gia đình gần như bị xóa sổ, và bộ phận phim nguyên bản độc lập, chuyên sản xuất những bộ phim với kinh phí dưới 30 triệu USD, cũng đứng trước nguy cơ bay màu.
Để tiếp tục trụ vững, Netflix muốn tập trung vào sản xuất những bộ phim dài hơn, hoành tráng hơn, và ra mắt với tần suất chậm hơn trước dây. "Chỉ vài năm trước thôi, chúng tôi còn chật vật kiếm tiền từ thị trường nhờ những bộ phim nhỏ đậm chất nghệ thuật. Ngày nay, chúng tôi tung ra nhiều bộ phim cực kỳ phổ biến và được rất nhiều người xem trên toàn thế giới. Chỉ vài tháng trước, những thứ như Don't Look Up và Red Notice và Adam Project, là minh chứng cho điều đó" - Ted Sarandos của Netflix cho biết trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 4 của công ty. Nhưng hướng đi "dài hơn, chất lượng hơn, ít hơn" lần này có ý nghĩa gì thì cả trong lẫn ngoài công ty đều chưa rõ.
Netflix chuyển hướng làm phim dài hơn, chất hơn và ít hơn
Những ngày huy hoàng của Netflix đã đi qua
"Những bộ phim nhỏ sẽ không đi đâu cả" - một người trong công ty nói, nhưng chúng có thể sẽ tập trung sâu hơn vào một nhóm khán giả nhất định. Một nhân viên khác nói thêm rằng số lượng đầu phim sẽ bị cắt giảm, từ đó cũng giảm bớt được số lượng nhân sự cần thiết. "Những đoàn làm phim đó có quá nhiều giám chế" - một nhân viên nói. Ngoài ra, phim lớn hơn không nhất thiết phải có kinh phí trên 150 triệu USD. Có thể Netflix chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ - ví dụ, thay vì làm hai phim với kinh phí 10 triệu USD, công ty có thể làm một phim với 20 triệu USD. "Mục tiêu là làm ra phiên bản tốt nhất của một thứ gì đó thay vì làm ra một núi phim rẻ mạt" - theo một nhân viên công ty. Và công ty stream sẽ tiếp tục cuộc chơi thâu tóm, thể hiện qua thương vụ hơn 50 triệu USD để mua trọn siêu phẩm Pain Hustlers của Emily Blunt.
Trong cuộc họp cổ đông của Netflix, Sarandos đề cập đến "những phim sự kiện lớn" như The Gray Man và Knives Out 2, xem chúng như công cụ để thu hút lượng người dùng. Gray Man, kinh phí hơn 200 triệu USD, với sự góp mặt của Ryan Gosling và Chris Evans, đạo diễn bởi bộ đôi Avengers: Endgame là Anthony và Joe Russo, sẽ ra rạp vào ngày 15/7 tới trước khi xuất hiện trên dịch vụ stream vào ngày 22/7. Trong khi đó, Knives Out 2 - phần tiếp theo của siêu phẩm từ đạo diễn Rian Johnson và ngôi sao Daniel Craig mà Netflix đã bỏ ra 469 triệu USD để mua đứt vào tháng 3/2021 - sẽ xuất hiện trong quý 4 năm nay. "Trong những tháng tiếp theo của năm 2022, chúng tôi tự tin rằng sẽ mang đến những nội dung tốt hơn và có sức ảnh hưởng hơn so với năm 2021" - Sarandos nói.
Bộ phận phim hoạt họa cũng đang được cải tổ, với tiêu chí loại bỏ những dự án có tương lai mờ mịt và tần suất ra mắt phim cũng sẽ bị giảm bớt, dù công ty vẫn sẽ đảm bảo có "một phim mới mỗi tuần", dù là live-action hay hoạt họa.
Chỉ một vài năm trước thôi, hướng đi của Netflix là rất khác, khi mà các bộ phim với chi phí hơn 100 triệu USD hay 150 triệu USD là vô cùng hiếm hoi. Đó cũng là thời điểm mà Netflix thường xuyên được truyền thông nhắc đến như một vị cứu tinh của phim kinh phí trung bình, và là một nơi quen thuộc của các thể loại phim lãng mạn hài và trinh thám. Always Be My Maybe, The Kissing Booth, và To All the Boys I've Loved Before đều trở thành những phim hit, biến các ngôi sao mạng xã hội thành những diễn viên thực thụ, và thậm chí còn là bệ phóng của những loạt phim mini liên quan.
Nhưng Netflix không tiết lộ thêm nhiều thông tin cụ thể về đường hướng mới. "Những cuộc thảo luận sẽ được tổ chức với các nhà sản xuất và các đạo diễn trong vài tuần đến về quy mô và thể loại" - một nhà sản xuất tiết lộ. Nhưng đây là thời điểm khó khăn đối với gã khổng lồ stream, và họ có thể tiếp tục cắt giảm các sản phẩm cũng như chia tay thêm nhiều nhà sản xuất khác, khiến một số cảm thấy bồn chồn. "Tôi có thấy thoải mái khi làm phim cho họ ngay lúc này không? Không hề" - một đối tác nói.
Một điều mà nhiều người đồng ý là thời kỳ của những dự án phù phiếm đắt đỏ tại Netflix, dù là hoạt họa hay live-action (như The Irishman kinh phí 175 triệu USD của Martin Scorsese) đã chấm dứt. "Xu hướng làm bất kỳ điều gì để thu hút tài năng và trao cho họ quyền tự do làm mọi thứ sẽ không còn nữa" - một người nói. Như thường lệ, sẽ có những ngoại lệ - suy cho cùng, đây vẫn là Hollywood - nhưng về cơ bản, thời kỳ mới này sẽ được định nghĩa bởi một thứ: tính kỷ luật làm phim.
Tham khảo: HollywoodReporter
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top