Nếu thật tâm muốn bảo vệ môi trường, đừng vứt bỏ iPhone cũ

TienCM

Pearl
Vòng đời của một chiếc smartphone bắt đầu trong những hầm mỏ trên toàn thế giới. Đó là nơi những loại vật liệu thô và kim loại đất hiếm được trích xuất từ hành tinh trong một quy trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Những vật liệu đó sẽ được vận chuyển đến các nhà máy nơi chúng được tinh luyện, thường bằng nhiệt độ cao và một lượng đáng kể năng lượng, và được biến đổi thành các linh kiện như pin, dây điện, bảng mạch logic, và mô-tơ. Các linh kiện này sau đó được chuyển đi trên những phương tiện dùng nhiên liệu hoá thạch đến nhiều nhà máy khác để lắp ráp thành các thiết bị hoàn chỉnh, trước khi đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Nếu như quy trình sản xuất này chẳng khác gì một gánh nặng lên môi trường, thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi hầu hết người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn dù mong muốn sử dụng chiếc điện thoại của họ về lâu về dài. Các nhà sản xuất đã làm mọi chuyện để khiến việc sửa chữa thiết bị trở nên khó khăn hơn, do đó mua mới thường là giải pháp dễ dàng hơn và cũng ít tốn kém hơn đối với người tiêu dùng - qua đó càng góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu vốn đã rất trầm trọng.
“Chiếc smartphone xanh nhất là chiếc mà bạn đang sở hữu” - theo Cole Stratton, giảng viên Đại học Bloomington, Indiana, chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng công nghệ. “Smartphone dường như quá nhỏ bé và vụn vặt, đến nỗi trừ khi bạn nghiên cứu về chuỗi cung ứng và nhận ra mọi thứ cần trải qua để tạo ra chúng, bạn thực sự không hiểu được những thứ đó tàn phá môi trường đến mức nào”.
Phong trào “Quyền sửa chữa” là điều chúng ta cần lúc này
Những người ủng hộ “Quyền sửa chữa”, bao gồm đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, đang kêu gọi các nhà lập pháp đưa ra những điều luật yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị phải cung cấp công cụ, linh kiện, và hướng dẫn sử dụng cần thiết để cho phép người tiêu dùng sửa chữa thiết bị của họ tại các cửa hàng độc lập - hoặc thậm chí là tự mình sửa chữa. Nếu người tiêu dùng có thể dễ dàng sửa chữa thiết bị, họ sẽ không phải thay thế chúng quá thường xuyên nữa, từ đó giảm được sự lệ thuộc vào quy trình sản xuất tiêu tốn tài nguyên và cắt giảm được rác thải điện tử. Và không chỉ có smartphone: quyền sửa chữa có thể khiến việc sửa chữa mọi thứ dễ dàng hơn, từ tablet, cho đến…máy cày.
Nếu thật tâm muốn bảo vệ môi trường, đừng vứt bỏ iPhone cũ
Các cơ quan quản lý tại Mỹ đã bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã chỉ đạo Uỷ ban Thương mại Liên bang ban hành nhiều quy định nhằm ngăn các nhà sản xuất áp đặt những hạn chế khiến việc sửa chữa thiết bị trở nên khó khăn. Một tuần sau đó, uỷ ban này tuyên bố sẽ điều tra những hạn chế liên quan việc sửa chữa thiết bị, mà nếu xét theo luật chống độc quyền liên bang và luật bảo vệ người tiêu dùng có thể được xem là bất hợp pháp. Trong khi đó, các cơ quan quản lý tại châu Âu từ trước đến nay đã luôn đi đầu ủng hộ cho quyền được sửa chữa, thể hiện qua việc ban hành những quy định buộc các nhà sản xuất các thiết bị như máy giặt và màn hình TV phải cung cấp linh kiện và hướng dẫn sửa chữa cho các bên thứ ba vào đầu năm nay.
Những người ủng hộ quyền được sửa chữa kỳ vọng rằng sự chú ý thời gian qua của các cơ quan quản lý sẽ tạo động lực cần thiết để thúc đẩy các nhà sản xuất cho phép người tiêu dùng sửa chữa thiết bị của họ một cách rộng rãi hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, thì động thái này có thể nói đã được thực hiện rất đúng lúc. Hồi tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học trên toàn cầu đã kết luận rằng chính con người mới là nguyên nhân thực sự gây ra khủng hoảng khí hậu, và xác nhận rằng những thay đổi trên diện rộng và không thể đảo ngược được đã và đang xảy ra rồi!
“Nếu chúng ta không thể sửa chữa những thiết bị của mình, hệ quả là chúng ta sẽ thải ra rác điện tử nhiều hơn nữa” - theo Gay Gordon-Byrne, giám đốc điều hành Hiệp hội Sửa chữa, một tổ chức đấu tranh vì quyền được sửa chữa. “Số lượng rác thải điện tử đã quá lớn… Chúng ta đang bơi giữa những sản phẩm không thể tái chế được nữa”
Vấn đề về sản xuất
Chuỗi cung ứng của các thiết bị điện tử tiêu dùng được đặt rải rác trên toàn cầu và cực kỳ phức tạp, khiến việc đánh giá tổng thể tác động của nó lên môi trường là điều rất khó thực hiện.
Nhưng dữ liệu mà một số công ty đã công khai có thể giúp chúng ta vẽ nên một bức tranh dễ hiểu: ví dụ, với iPhone 13, 81% của 64kg khí thải carbon sẽ được sinh ra mỗi khi một thiết bị rời khỏi quy trình sản xuất, chưa tính đến khi nó được vận chuyển đến nơi bán - theo Apple.
Nếu xét đơn lẻ, con số đó không nhiều, chỉ tương đương một chuyến ô-tô đi 209km từ Los Angeles đến San Diego mà thôi. Nhưng khi nhân lên cho hàng trăm triệu chiếc iPhone được bán ra mỗi năm, kết quả sẽ khiến bạn phải kinh ngạc. Chưa hết, hãy áp dụng phép tính tương tự cho vô số các thiết bị cá nhân khác mà chúng ta sử dụng mỗi ngày - laptop, desktop, tablet, smartwatch, loa thông minh, headphone… - bạn sẽ bắt đầu nhận ra lượng khí thải carbon mà thế giới phải gánh chịu sau quá trình sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng hiện đại.
“Mọi thứ diễn ra trước khi thiết bị đến được tay bạn đều tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và năng lượng - đó là nơi hầu hết khí nhà kính thải ra, và cũng là nơi mà hầu hết những sự biến đổi sinh thái học ******* nhất diễn ra” - Stratton nói.
Một số nhà sản xuất thiết bị đã nghiên cứu để tăng cường sử dụng các loại vật liệu bền vững hơn trong sản xuất. Ví dụ, Apple dành không ít thời gian trong sự kiện ra mắt sản phẩm gần đây để nói về việc sử dụng nhôm tái chế và các linh kiện được chuyển đổi mục đích khác trong những thiết bị mới của hãng; còn HP thì từng tiết lộ sử dụng rác thải nhựa bị ném xuống đại dương để chế tạo laptop.
Nếu thật tâm muốn bảo vệ môi trường, đừng vứt bỏ iPhone cũ
Dẫu vậy, sản xuất ra một thiết bị điện tử tiêu dùng vẫn đòi hỏi phải sử dụng những kim loại đất hiếm, không thể tái tạo được, vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên để khai thác và tinh luyện. Theo Stratton, chúng không thể được thay thế một cách dễ dàng bằng các linh kiện khác!
Ví dụ, Europium và terbium cần để sản xuất màn hình HD; kẽm và thiếc giúp sản xuất các bề mặt nhạy cảm ứng; và lithium được dùng làm pin… Kể cả với những tiến bộ trong tận dụng vật liệu bền vững, Stratton nói rằng lựa chọn thân thiện với môi trường nhất chính là…không sản xuất thêm thiết bị mới nữa.
Ủng hộ quyền được sửa chữa
Nhiều nhà sản xuất thiết bị lớn đã thiết kế sản phẩm sao cho việc sửa chữa chúng trở nên khó khăn nếu không có trang thiết bị chuyên dụng và hướng dẫn chi tiết, đồng thời còn giới hạn số lượng những cửa hàng sửa chữa được uỷ quyền nơi khách hàng có thể đến để sửa chữa thiết bị mà không lo mất bảo hành. Điều này ngày càng phổ biến trong vài năm trở lại đây. Qua nhiều lần thay đổi thiết kế sản phẩm, các nhà sản xuất bắt đầu ưa chuộng sử dụng keo dán thay vì ốc vít, vừa giúp thiết bị nhỏ hơn và nhẹ hơn, vừa khiến việc tháo lắp khó khăn hơn.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào năm 2019, Apple cho biết họ kiểm soát quy trình sửa chữa vì quan tâm đến sự an toàn cho khách hàng cũng như tính ổn định của thiết bị. Các nhà sản xuất thiết bị còn nói rằng những hạn chế về sửa chữa giúp họ bảo vệ tốt hơn bí mật thương mại và quyền riêng tư người tiêu dùng. Nhưng những giới hạn đó cũng có thể mang lại cho họ lợi nhuận, bởi người tiêu dùng bị buộc phải mang thiết bị đã hư hỏng đến các cửa hàng được cấp phép - theo nhà phân tích Aapo Markkanen của Gartner. Và doanh thu của hãng sẽ tăng lên nếu người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi thiết bị sau vài năm sử dụng.
“Chúng ta luôn có quyền được sửa chữa các sản phẩm của mình, bởi chúng ta đã trả tiền để mua nó, nhưng cả xã hội đã đánh mất quyền đó rồi” - Gordon-Byrne nói.
Những người ủng hộ nói rằng những giới hạn mà các nhà sản xuất đặt ra đã tước bỏ khỏi người tiêu dùng quyền được làm bất kỳ điều gì họ muốn với sản phẩm bản thân đang sở hữu, và gây bất lợi cho các doanh nghiệp sửa chữa nhỏ, những nơi có thể giúp các thiết bị cũ hoạt động lâu hơn một chút nếu họ được tiếp cận những nguồn tài nguyên hỗ trợ sửa chữa.
Tech Dump là một nhà máy tái chế thiết bị điện tử tại Minnesota (Mỹ), đồng thời cũng sửa chữa và bán lại các thiết bị cũ thông qua cửa hàng Tech Discounts của mình. Họ xử lý từ 1.500 - 2.000 tấn thiết bị mỗi năm, nhưng chỉ có thể sửa chữa và bán lại khoảng 10% trong số đó.
“Chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật viên xuất sắc, và nhóm của chúng ta đã tìm ra cách để sửa chữa nhiều thứ mà không cần hướng dẫn từ nhà sản xuất” - CEO Tech Dump, Amanda LaGrange nói. “Chúng tôi có thể mở rộng nhanh hơn, có thể sửa chữa nhiều hơn, nếu chúng tôi có thể tiếp cận được linh kiện sửa chữa giá tốt và dễ dàng tiếp cận hướng dẫn sửa chữa”.
Nếu thật tâm muốn bảo vệ môi trường, đừng vứt bỏ iPhone cũ
Mối liên hệ giữa rác thải điện tử và quyền được sửa chữa
Khi một sản phẩm đi đến cuối vòng đời, nó cũng gây tác động lên môi trường. Các nhà sản xuất khi tìm cách chối bỏ quyền được sửa chữa thường nói rằng quá trình tái chế sẽ bù đắp được những ảnh hưởng đến môi trường do nhu cầu thường xuyên thay đổi thiết bị gây ra. Nhưng các chuyên gia cho biết chuyện không đơn giản như vậy.
Vào năm 2016, Jim Puckett, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Basel Action Network, một tổ chức theo dõi rác thải điện tử ở Seattle (Mỹ), đã đến Hong Kong trong khuôn khổ cuộc điều tra toàn cầu nhằm phân tích giai đoạn cuối của vòng đời các thiết bị. Puckett và nhóm của ông đã thử lần theo các thiết bị giám sát vị trí địa lý mà tổ chức của ông và các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) từng lắp vào 200 máy tính, máy in, TV, và các thiết bị khác.
Nhóm đã bỏ chúng lại tại nhiều trung tâm tái chế và quyên góp trên toàn nước Mỹ, những nơi mà Puckett nói rằng tự nhận là “thân thiện với môi trường” và “bền vững”, và có “sự kiểm soát chặt chẽ liên quan quá trình xuất khẩu” đến các nước đang phát triển.
Thế nhưng, nhóm của Buckett phát hiện ra rằng gần 1/3 số thiết bị điện tử họ theo dõi lại được chuyển ra nước ngoài, như Pakistan, Thái Lan, Mexico, Cộng hoà Dominican, và Kenya; 87% trong số đó “hạ cánh” xuống châu Á, cụ thể là Hong Kong.
Khi Puckett và nhóm của mình đến một trong những điểm đầu tiên của họ ở Hong Kong - nơi họ tìm ra bằng toạ độ GPS trên các thiết bị theo dõi - ông cho biết họ đã phát hiện ra nhiều công nhân đang tháo gỡ số rác thải điện tử đó một cách cẩu thả. Họ tháo nhiều phần, như đèn huỳnh quang sử dụng trong TV hay màn hình phẳng máy tính, mà không hề biết rằng một khi đã hư hỏng, những thiết bị đó sẽ thải ra hơi thuỷ ngân vô hình cực kỳ độc hại cho sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
“Truy lùng những thiết bị điện tử hết thời thực sự là trải nghiệm đau lòng” - Puckett nói. “Ở cuối vòng đời của chúng, bạn thấy những cảnh thực sự kinh hãi”
Kể cả các công ty tái chế chuyên xử lý rác thải điện tử cũng nói rằng quy trình đó có thể rất khó khăn, bởi các thiết bị điện tử tiêu dùng có thể chứa kim loại và hoá chất độc hại, và nhiều loại nhựa mà để xử lý sẽ rất đắt đỏ - theo LaGrange.
Những người ủng hộ quyền được sửa chữa nói rằng cả người tiêu dùng lẫn các công ty nên nhìn nhận một cách tổng quan hơn về cách chúng ta sử dụng các thiết bị từ đầu đến cuối. Đặc biệt là các nhà sản xuất nên cân nhắc những ảnh hưởng tiêu cực mà các thiết bị và linh kiện của chúng có thể gây ra cho môi trường khi bị vứt bỏ - Puckett nói.
“Bạn phải loại bỏ những chất độc hại ra và thiết kế những thứ có thể tồn tại trong thời gian thực sự lâu dài ngay từ đầu”.
Tổng khối lượng rác thải điện tử đang ngày càng giảm đi khi mà các thiết bị trở nên nhỏ nhắn hơn - theo một nghiên cứu của Yale vào năm 2020. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng với cuộc cách mạng IoT sắp diễn ra - nơi mọi thứ từ đồng hồ đến tủ lạnh sẽ trở thành các thiết bị điện tử tiêu dùng - thì lượng rác thải có thể sẽ tăng cao trở lại.
“IoT là thứ cực kỳ đáng sợ đối với mọi người làm trong lĩnh vực của tôi, bởi chúng tôi thấy được sẽ có hàng tấn rác thải điện tử sắp xuất hiện” - LaGrange nói. Bà đã luôn ủng hộ quyền được sửa chữa trong suốt gần 7 năm qua.
“Thật sự ngạc nhiên khi chúng ta vẫn đang bàn luận về vấn đề này” - bà nói tiếp. “Điều đáng khích lệ về chính sách của Tổng thống Biden là chúng ta biết rằng khả năng sữa chữa sẽ có tầm quan trọng trong nhiều năm trời, chúng hữu ích cho mọi người , cho hành tinh, cho công việc của người địa phương, cho sự công bằng số. Do đó chúng ta cần nhận thấy mặt tích cực của nó. Nhưng đồng thời, vẫn còn rất nhiều rào cản cần vượt qua”
Tham khảo: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top