Nga đang bị cô lập khỏi mạng Internet toàn cầu

Trong 22 năm qua, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã siết chặt các biện pháp kiểm soát xã hội tại Nga, dù vậy vẫn có một nhóm nhỏ các nguồn tin và những quan điểm chính trị độc lập còn tồn tại trên mạng internet.
Và giờ thì cả hai đều đã biến mất.
Nga đang bị cô lập khỏi mạng Internet toàn cầu
Điện Kremlin (Ảnh: The New York Times)
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một hàng rào kỹ thuật số đã được dựng lên để ngăn cách giữa Nga và thế giới. Chỉ trong tích tắc, cả chính phủ Nga và các công ty dịch vụ mạng internet đa quốc gia đều dựng lên hàng rào này. Và động thái đó đã làm gián đoạn mạng internet mở, một yếu tố từng được xem là giúp Nga hoà nhập với thế giới.
TikTok và Netflix thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Nga. Facebook đã bị chặn. Twitter bị hạn chế hoạt động và sắp tới có vẻ Youtube cũng tương tự. Apple, Samsung, Microsoft, Oracle, Cisco và các công ty khác cũng dừng hoạt động hoặc rút hoàn toàn khỏi Nga. Thậm chí cả những tựa game online như Minecraft cũng đã biến mất.
Những động thái này biến Nga trở thành một khu vực kỹ thuật số đóng cửa, tương tự Trung Quốc và Iran, những nơi kiểm soát chặt chẽ việc truy cập internet, chặn các trang web nước ngoài và các nội dung bất đồng chính kiến. Nhiều năm qua, mạng internet tại Trung Quốc gần như đã trở nên hoàn toàn tách biệt với mạng internet của phương Tây với một số ít dịch vụ trùng và rất ít kết nối trực tiếp. Tại Iran, chính quyền nước này đã tắt mạng internet kể từ lúc xuất hiện các đợt biểu tình.
Việc cô lập Nga là một thất bại đối với những nước phương Tây tin rằng mạng internet là một công cụ của nền dân chủ, giúp các quốc gia ******* mở cửa.
“Viễn cảnh một mạng internet tự do và mở cửa trên khắp thế giới thật sự không còn tồn tại”, Brian Fishman, một thành viên cấp cao tại New America và cựu giám đốc chính sách chống khủng bố tại Facebook, cho biết. “Mạng internet hiện tại là cục bộ. Nó có những điểm tắc nghẽn”.
Mạng internet chỉ là một phần trong sự cô lập ngày càng gia tăng đối với Nga. Quốc gia này cũng đã bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế, máy bay nước ngoài không được vào không phận của Nga và các nguồn cấp khí đốt và dầu mỏ từ Nga vẫn chưa biết kết cục.
Nhưng sự cô lập kỹ thuật số cho thấy nỗ lực của chính phủ Nga nhằm chế ngự mạng internet từng tự do và mở cửa. Trong nhiều năm, các cơ quan chính phủ đã tăng cường hoạt động kiểm duyệt và cố gắng tiến tới thiết lập một “mạng internet có chủ quyền”. Sự kiện tại Ukraine đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia thực hiện bước cuối cùng trong quá trình đó.
Mặc dù phải chịu tổn thất nặng nề về mặt kinh tế, tuy nhiên sự cô lập kỹ thuật số cũng phục vụ cho mục đích của Tổng thống Putin. Điều này cho phép Nga kiểm soát chặt chẽ hơn những người bất đồng chính kiến và những thông tin trái với chủ trương, chính sách của chính phủ. Theo luật kiểm duyệt mới được Nga thông qua, các nhà báo, người vận hành trang web và một số đối tượng khác có thể đối mặt với mức án 15 năm tù nếu công bố “thông tin sai lệch” về sự kiện tại Ukraine.
“Giống như đang quay trở lại thập niên 80 vậy, những ai sống ở thời kỳ đó sẽ rõ, vì bỗng nhiên mọi thông tin đều phải qua tay chính phủ”, Alp Toker cho biết, ông là giám đốc NetBlocks, một tổ chức tại Anh theo dõi hoạt động kiểm duyệt trên mạng internet.
Những nỗ lực kiểm duyệt nội dung tại Nga ngày một mạnh mẽ trong vài thập kỷ trở lại đây, Tanya Lokot, phó giáo sư tại Đại học Dublin về quyền kỹ thuật số tại Đông Âu, cho biết. Đầu tiên, Tổng Thống Putin thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến và các hãng tin trực tuyến hoạt động độc lập. Sau đó, Nga bắt đầu chiến dịch kiểm duyệt với một công cụ mới để chặn hoặc hạn chế việc truy cập vào các trang web, như Twitter.
Tuy nhiên, sự cô lập này đã khiến người dân Nga khó chịu vì họ phải sử dụng internet để duy trì liên lạc với thế giới, nắm thông tin và phục vụ công việc.
Aleksei Pivovarov, người đã nghỉ việc tại đài truyền hình quốc gia khoảng 10 năm trước do sự kiểm duyệt ngày càng gắt gao, cho biết ông như được “sinh ra lần nữa” khi bắt đầu sản xuất chương trình thời sự và phát trên Youtube. Có gần 3 triệu người dùng đăng ký kênh Youtube của ông để theo dõi các video công bố thông tin về những cuộc điều tra hay những bài báo không xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng cuộc sống này của tôi đã kết thúc mãi mãi, và tôi sẽ không bao giờ được trở thành nhà báo được nữa”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Trước khi đến với Youtube, tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể làm được điều đó”.
Hiện tại, công việc này có thể khiến Pivovarov phải đối mặt với án tù – hoặc ngừng hoạt động. Youtube, một nền tảng của Google, đã chặn dịch vụ kiếm tiền đối với toàn bộ tài khoản đến từ Nga và chặn truy cập các kênh truyền thông nhà nước của Nga từ Châu Âu. Các chuyên gia nhận định Youtube có thể là một trong số những mục tiêu đáp trả sắp tới của chính phủ Nga.
Ông Pivovarov, 47 tuổi, đang sống tại Moscow, cho biết ông vẫn sẽ hoạt động trên Youtube bất chấp nguy cơ bị khởi tố. Tuy nhiên, ông không biết liệu hoạt động của kênh sẽ còn duy trì trong bao lâu nữa.
“Ở thời điểm mà tôi lên kế hoạch hoạt động tại Nga, tôi không rõ liệu công việc này sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai, nhất là khi Youtube sẽ bị cấm”.
Nga đang bị cô lập khỏi mạng Internet toàn cầu
Tổng thống Nga Vladimir V. Putin (Ảnh: Andrey Gorshkov/Sputnik)
Khác với Trung Quốc, Nga không có những gã khổng lồ công nghệ hay nền công nghiệp công nghệ nội địa phát triển. Vì vậy, khi phải tự vận hành hệ sinh thái kỹ thuật số của riêng mình, có thể sẽ dẫn đến những sự cố rất nghiêm trọng. Hơn nữa, khả năng tiếp cận các nguồn tin độc lập, độ tin cậy trong tương lai của mạng internet và mạng viễn thông, cũng như tính khả dụng của các phần mềm và dịch vụ cơ bản được các doanh nghiệp và chính phủ sử dụng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Đến nay, các công ty viên thông vận hành mạng di động tại Nga không còn được truy cập vào các trang thiết bị và dịch vụ của các công ty như Nokia, Ericsson và Cisco. Nỗ lực phát triển bộ vi xử lý mới của các công ty Nga cũng đang gặp khó khăn sau khi Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất, dừng các đơn hàng từ quốc gia này. Công ty cung cấp mạng internet lớn nhất nước Nga là Yandex, với công cụ tìm kiếm phổ biến hơn cả Google ở thị trường trong nước, cũng tuyên bố có nguy cơ phá sản do khả năng thanh toán các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi thế cô lập.
“Hiện nay, toàn bộ thị trường IT, phần cứng và phần mềm mà Nga phụ thuộc đều bị ảnh hưởng trầm trọng”, Aliaksandr Herasimenka, thuộc chương trình nghiên cứu về dân chủ và công nghệ của Đại học Oxford, cho biết. Chính phủ Nga có thể phản ứng bằng cách nới lỏng những điều luật xem việc tải xuống phần mềm vi phạm bản quyền là phạm pháp, ông nói.
Chính phủ Ukraine cũng tạo áp lực lên các nhà cung cấp dịch vụ internet có máy chủ đặt tại Nga. Các quan chức Ukraine cho biết đã yêu cầu ICANN (tổ chức phi lợi nhuận giám sát tên miền internet toàn cầu) đình chỉ hoạt động tên miền “.ru” của Nga. ICANN đã phản đối yêu cầu này.
Denis Lyashkov, một nhà phát triển web với hơn 15 năm kinh nghiệm, cho biết chiến dịch kiểm duyệt của Nga rất “tàn khốc” đối với những người lớn lên trong thời đại internet ít bị hạn chế.
“Khi mua chiếc máy tính đầu tiên, tôi mới 19 tuổi và đó là khoản đầu tư tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi”, ông Lyashkov cho biết. Ông đã rời khỏi Moscow và đến Mỹ hồi tuần trước do sự gia tăng các biện pháp hạn chế. “Khi tôi bắt đầu sự nghiệp, nó là cả một thế giới mới. Không biên giới, không kiểm duyệt. Ai cũng có thể nói bất cứ điều gì mình muốn”.
Ông Lyashkov cho biết trước khi rời khỏi Nga, công ty nơi ông từng làm việc đã nhận được yêu cầu cài đặt chứng chỉ mới của chính phủ trên trang web công ty. Thay đổi về mặt kỹ thuật này cho phép cơ quan quản lý giám sát lưu lượng truy cập và chính phủ có thể đóng internet trong nước đối với tất cả, ngoại trừ những trang của chính phủ và các trang web khác đã được phê duyệt. Năm ngoái, Nga đã tiến hành thử nghiệm công cụ này.
Một số người dùng internet tại Nga đã tìm cách vượt qua những biện pháp kiểm soát của chính phủ. Trong số đó là dịch vụ VPN, công nghệ cho phép người dùng truy cập vào các trang web bị chặn bằng cách ẩn vị trí. Theo Top10VPN, số lượng người dùng VPN đã tăng 600% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, các quyết định trừng phạt của những công ty đa quốc gia có thể khiến việc sử dụng những công cụ vượt tường lửa gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều người Nga sử dụng thẻ Visa và Mastercard để thanh toán cho dịch vụ và hiện cả hai dịch vụ thanh toán này đều đã bị chặn ở Nga.
“Theo quan điểm của tôi, đáng tiếc là những hành động đó chỉ có lợi cho Nga mà thôi”, ông Pivovarov nhận định.
Theo The New York Times
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top