Nga đối phó ra sao trước kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev?

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Ukraine cho biết, quá trình chuẩn bị cho cuộc phản công vào cuối mùa xuân gần như đã hoàn tất. Một khi cuộc phản công được tiến hành thì điều này sẽ đánh dấu thời điểm then chốt trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 năm qua.
Nhưng Nga đã có gần 6 tháng để chuẩn bị ứng phó và xây dựng hệ thống phòng thủ phức tạp, vì thế Ukraine được cho là sẽ đối mặt thách thức không hề nhỏ khi muốn đạt được sự đột phá.
Hình ảnh vệ tinh do CNN và nhiều hãng truyền thông khác tiếp cận được cho thấy, Nga đã thiết lập hệ thống phòng thủ dày đặc tại miền Nam Ukraine, với rất nhiều chiến hào, rào chống tăng, chướng ngại vật và các bãi mìn.
Hệ thống phòng thủ này trải dài hàng trăm km, dọc theo mặt trận phía Nam, nơi quân đội Ukraine được cho là sẽ tập trung lực lượng để phản công trong những tuần tới.
Thách thức đối với Ukraine là làm thế nào để vượt qua các chướng ngại vật đó với tốc độ nhanh nhất, nhằm gây áp lực đối với khả năng chỉ huy và kiểm soát của quân đội Nga. Một số hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cho thấy các chiến hào rộng lớn ở phía Đông thị trấn Polohy thuộc vùng Zaporizhzhia.
Phân tích các hình ảnh, nhiều nhà quan sát cho rằng, hàng nghìn vị trí phòng thủ mọc lên như nấm tại một khu vực rộng lớn.
Theo đánh giá của Reuters, các vị trí phòng thủ của Nga tập trung nhiều nhất gần tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia – Đông Nam Ukraine, ở miền Đông và trên khắp dải đất hẹp nối bán đảo Crimea với phần còn lại của Ukraine.
Nga đối phó ra sao trước kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev?
Các binh sĩ Ukraine dỡ đạn từ một xe tải quân sự gần tiền tuyến ở Bakhmut. Ảnh: Getty
Hệ thống phòng thủ của Nga bao gồm các mương hào chống tăng gần Polohy kéo dài 30km, cùng nhiều công sự xung quanh các thị trấn chiến lược như Tokmak. Những khu vực này sẽ đóng vai trò rất quan trọng nếu các lực lượng Ukraine cố gắng tiến về thành phố Melitopol và chia cắt lực lượng Nga ở phía Nam.
Cây bút Stephen Wood của Maxar Technologies lưu ý, những hệ thống phòng thủ này được nhân rộng trên một dải lãnh thổ rộng lớn, từ khu vực Crimea ở phía Nam đến các khu vực khác ở Donetsk.
Người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga thành lập, ông Sergey Aksyonov cho biết: “Các lực lượng vũ trang của chúng tôi đã xây dựng một hệ thống phòng thủ hiện đại và sâu rộng”.

Nga đã có nhiều tháng chuẩn bị

Nga đã bắt đầu xây dựng những tuyến phòng thủ mới sau khi các lực lượng nước này rút khỏi một phần khu vực Kherson vào tháng 11/2022. Về cơ bản, các tuyến phòng thủ này trải dài trên hầu khắp các khu vực nông thôn ở miền Nam Ukraine.
Ở thời điểm đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, hai nhà máy của Nga đang tăng cường sản xuất các khối “răng rồng” bằng bê tông để cản xe tăng.
Theo giới phân tích, các hệ thống phòng thủ này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được phân bổ lực lượng đi kèm phù hợp với từng khu vực. Trong trường hợp ngược lại, chúng cũng có những hạn chế nhất định. Đó là lý do Nga triển khai thêm nhiều đơn vị đến miền Nam Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng không quên lấp đầy các lỗ hổng ở phía Bắc Ukraine. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một căn cứ lớn của Nga ở bán đảo Crimea – nơi tập kết một loạt khí tài quân sự gồm đạn pháo và xe tăng, đã gần như bị để trống vào tuần trước.
Không rõ Nga đã chuyển những thiết bị này đi đâu, nhưng theo các nhà quan sát, nhiều khả năng họ đã đưa chúng lên phía Bắc để củng cố tuyến phòng thủ.
Tuy nhiên, rất khó để đánh giá chính xác Nga đã bố trí bao nhiêu binh sỹ, với quy mô như thế nào cho mỗi phần của tuyến phòng thủ dài hàng trăm km.
Điều mà Ukraine tập trung hiện giờ là tìm cách làm gián đoạn các tuyến tiếp tế, phá hủy kho đạn dược và tấn công cơ sở hạ tầng nhiên liệu của Nga trước khi Kiev tiến hành cuộc phản công, CNN cho biết.
Nga đối phó ra sao trước kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev?
Những cuộc tấn công nhỏ lẻ như vậy sẽ giúp Ukraine thăm dò điểm yếu của Nga, đồng thời khiến Moscow gặp khó khăn hơn khi duy trì hệ thống phòng thủ.

Ukraine sẽ dùng chiến thuật giương đông kích tây?

Các quan chức Ukraine thừa nhận, khác với cuộc phản công tại khu vực Kharkovvào tháng 9/2022, cuộc phản công lần này của họ có thể khó gây bất ngờ cho đối phương. Theo chính quyền tại Zaporizhzhia do Nga thành lập, Ukraine đã tăng cường đáng kể các lực lượng trong khu vực.
Ông Vladimir Rogov, người đứng đầu phong trào “We Together with Russia” (tạm dịch là Chúng tôi đoàn kết với Nga” tại Zaporizhzhia cũng cho rằng, một số lữ đoàn mới của Ukraine có thể sẽ đến tiền tuyến trong vài ngày tới. Tuy vậy, giới chức Ukraine vẫn giữ kín về hoạt động di chuyển của các đơn vị.
NATO cho biết, 98% phương tiện chiến đấu mà khối này cam kết chuyển giao đã có mặt tại Ukraine. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc phản công gần như hoàn tất.
Tuy vậy, thách thức lớn nhất với các lực lượng Ukraine là phải sử dụng thành thạo những khí tài quân sự mới, kết hợp các loại vũ khí với nhau, tìm cách ra phá bom mìn, loại bỏ chướng ngại vật đối với xe tăng và xây cầu tạm. Đây là sự phối hợp rất phức tạp.
Trong gói viện trợ mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine hồi tháng 3 vừa qua, có các phương tiện hỗ trợ bắc cầu cũng như các loại đạn dược cần thiết.
Franz-Stefan Gady - chuyên gia về chiến tranh hiện đại tại London cho rằng, những yếu tố như tính bất ngờ, chiến thuật, khả năng làm chủ chiến trường và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ có thể quyết định lợi thế trong 24 giờ đầu tiên của một cuộc tấn công.
Theo chuyên gia này, các phương tiện bọc thép của Ukraine cần phải nhanh chóng xuyên phá hàng phòng thủ nhiều lớp của Nga tại một lỗ hổng nào đó, tiến vào phía sau chiến tuyến của đối phương, tấn công trung tâm tiếp tế và trung tâm chỉ huy. Nhưng nguy cơ mà Ukraine phải đối mặt là rất lớn.
Nga đối phó ra sao trước kế hoạch phản công mùa xuân của Kiev?
Ông Matthew Schmidt, chuyên gia nghiên cứu chính sách an ninh quốc gia tại Đại học New Haven lưu ý, rủi ro đối với Ukraine là “cuộc phản công lớn có thể biến thành một loạt cuộc đụng độ nhỏ lẻ”, dẫn tới việc quân đội nước này bị sa lầy.
Ông Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm tại Zaporizhzhia, cho rằng, Ukraine có thể tiến hành một số cuộc tấn công nghi binh để cố gắng đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của Nga, đặc biệt là sử dụng các nhóm trinh sát nhỏ bên kia sông Dnipro ở cả Zaporizhzhia và Kherson.

Nga sẽ đối phó ra sao?

Một trong những yếu tố làm nên thành công của lực lượng phòng thủ là khả năng đáp trả mạnh mẽ, khiến đối phương mất thăng bằng và buộc phải chuyển quân đến khu vực không mong muốn. Nhưng nhiều nhà phân tích phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi về sức mạnh của Nga.
Ông Mick Ryan, cựu tướng Australia cho rằng: “Mặc dù các lực lượng Nga có sự điều chỉnh về chiến thuật, nhưng họ chưa đạt được nhiều đột phá trong các cuộc tấn công kể từ đầu năm đến nay”. Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là Nga vẫn giữ được ưu thế trên không và điều này có thể làm chậm tiến độ của Ukraine.
Ông Ryan lưu ý, để tránh các hệ thống phòng không của Ukraine, lực lượng không quân Nga đã tăng cường sử dụng các loại vũ khí đặc biệt như bom lượn nặng 1,5 tấn. Đây là vũ khí mà họ đã sử dụng trên mặt trận Bakhmut thời gian gần đây.
“Điều này không chỉ làm gia tăng khả năng sống sót của máy bay mang bom mà còn khiến lực lượng đối phương rất khó đánh chặn”.
Dù cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất lớn trong các cuộc giao tranh kéo dài hơn 1 năm qua, Nga vẫn giữ được các nguồn lực vượt trội hơn so với Ukraine.
“Về lâu dài, các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả của việc bị tiêu hao nguồn lực trong một cuộc chiến trên bộ chủ yếu tập trung vào pháo binh”, ông Franz-Stefan Gady nhận định.
Ngay cả khi Ukraine thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến của Nga, tiến đến Melitopol và Berdyansk, các quan chức phương Tây cũng không cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thay đổi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top