Ngân hàng lại thừa tiền

Á
Ánh Mai
Phản hồi: 0

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu trong khi doanh số cho vay giữa các nhà băng xuống thấp cho thấy thanh khoản các ngân hàng đều trong trạng thái dư thừa.
Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 30/8 đến 1/9 của Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết thị trường tiền tệ tuần gần nhất tục diễn ra với tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng thương mại. Điều này đã khiến lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu.
Trong tuần gần nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát sinh giao dịch qua thị trường mở (OMO). Thị trường ghi nhận biến động lãi suất không đáng kể do số ngày giao dịch thấp nhưng vẫn giữ xu hướng giảm.
Trong đó, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ, kết tuần ở mức 0,7 %/năm, cho kỳ hạn qua đêm và 0,86%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Lãi suất liên ngân hàng chạm đáy​

Theo các chuyên gai tại đây, nguồn tiền đồng bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của NHNN đáo hạn đã không còn xuất hiện trong tuần qua, nhưng diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm 3 tuần liên tục nhờ thanh khoản dồi dào khi dịch bệnh kéo dài khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Theo số liệu của NHNN, phiên 1/9 trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ là 0,5%/năm và 0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Đáng chú ý, doanh số giao dịch giữa các ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm chỉ là 800 tỷ đồng, mức thấp nhất từ đầu năm.
Ngoài nguyên nhân đến từ việc là ngày giao dịch cuối tuần trước khi nghỉ lễ kéo dài, việc thanh khoản của hầu hết ngân hàng đều trong trạng thái dôi dư cũng là nguyên nhân khiến doanh số vay và cho vay giữa các ngân hàng thương mại xuống thấp tuần qua.
Ngân hàng lại thừa tiền
Đến phiên 6/9, dù doanh số giao dịch giữa các ngân hàng đã tăng trở lại về khoảng 129.000 tỷ đồng ở kỳ hạn qua đêm, nhưng lãi suất bình quân liên ngân hàng vẫn ở mức thấp 0,65%/năm với cho vay qua đêm và 0,74%/năm với cho vay 1 tuần.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng lại bước vào giai đoạn thừa tiền là dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 năm nay mới đạt khoảng 7,4% so với đầu năm.
Trong khi trước đó, số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,66% đến cuối tháng 7, cao hơn 1,13% so với tháng 6 liền trước. Như vậy, tăng trưởng tín dụng riêng tháng 8 chỉ đạt khoảng 0,74%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của những tháng trước đó.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 8 có xu hướng chậm lại và dự kiến tháng 9 cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm nay.

Cho vay thấp khiến ngân hàng thừa tiền​

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết dựa vào số liệu báo cáo của Cục thống kê Hà Nội và TP.HCM, tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 sẽ không quá tích cực. Điều này tác động trực tiếp tới tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Trong khi tín dụng đầu ra thu hẹp, các ngân hàng vừa được bơm ròng gần 130.000 tỷ đồng qua kênh đáo hạn ngoại tệ của NHNN trong tháng 7 và tháng 8. Dự kiến thời gian tới còn được bổ sung thêm thông qua công cụ bơm tiền khác.
Cụ thể, tuần này, nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chỉnh phủ của Kho bạc Nhà nước sẽ mở lại sau gần 2 tháng yên ắng và được kỳ vọng phần nào bổ sung thanh khoản cho thị trường trong giai đoạn cuối quý III.
Về quy mô, Kho bạc Nhà nước cho biết khối lượng giao dịch sẽ công bố cụ thể theo mỗi phiên, nhưng riêng quý III này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ sẽ là 54.760 tỷ đồng.
Ngân hàng lại thừa tiền
Tăng trưởng tín dụng tháng 8 thấp hơn nhiều so với tháng 6-7 và chỉ tương đương 70-80% mức tăng trưởng bình quân tháng từ đầu năm. Ảnh: Việt Linh.
Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục ổn định ở mức thấp trong thời gian tới.
Cũng trong 1 tháng qua, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm tương đối mạnh vào khoảng 0,5-3 điểm %/năm. Ngược lại, mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, phổ biến ở 3-4%/năm với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,2-6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Thậm chí, để cân đối lượng tiền huy động và cho vay, mới đây, một số ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động như TPBank, Sacombank, Techcombank, HDBank, MBBank… với mức giảm phổ biến 0,1-0,5 điểm %/năm so với tháng trước.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top