Nghề 'hồi sinh' rác thải điện tử

myle.vnreview
Mỹ Lệ
Phản hồi: 0
Với hàng triệu tấn máy móc thải ra, mỗi năm Trung Quốc phải đối mặt với cả núi rác thải điện tử. Do đó, nhiều người trẻ tìm đến giải pháp tái sử dụng, biến thành tác phẩm thủ công.
Trong một studio ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, Lin Xi (28 tuổi) đã nảy ra một dự án mới - tái sinh chiếc đồng hồ đã bị đóng băng vĩnh viễn vào lúc 11h45'. Cô cẩn thận tháo rời chiếc đồng hồ và đặt từng bộ phận, như dây đeo, bánh răng và linh kiện trang sức, xếp chúng xung quanh một chiếc nhẫn cưới làm từ kim cương để tạo ra hình ảnh như một cây sự sống.

Tìm lợi nhuận từ những thứ bỏ đi​

Được đặt hàng bởi một người chồng đau buồn thương tiếc người vợ đột ngột qua đời, chiếc động hồ dừng lại ngay phút giây bà ấy qua đời. Tác phẩm mang theo thông điệp: "Nếu đồng hồ hỏng, mỗi tích tắc đều sai. Nhưng nếu dừng lại, ít nhất đồng hồ vẫn đúng 2 lần/ngày. Đôi khi, đứng yên vẫn tốt hơn là mù quáng tiến về phía trước”.
Đối với Lin, chiếc đồng hồ chỉ là một trong nhiều thiết bị bị bỏ đi tìm thấy cuộc đời mới trong studio của cô. Đây là nơi cô biến chúng từ rác thải thành tác phẩm nghệ thuật. "Mỗi vật dụng từ quá khứ không chỉ là một công cụ, mà còn là nơi lưu trữ hạnh phúc", Lin nói với Sixth Tone.
Nghề 'hồi sinh' rác thải điện tử
Chiếc đồng hồ và nhẫn cưới được đóng khung. Ảnh: Lin Xi.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đối mặt với tình trạng rác thải điện tử ngày càng tăng. Mỗi năm, quốc gia tỷ dân có hơn 400 triệu smartphone lỗi thời, với tuổi thọ trung bình của sản phẩm là khoảng 26 tháng. Theo Hiệp hội Kinh tế Tuần hoàn Trung Quốc, hơn một nửa số điện thoại bị vứt bỏ này sẽ được cất đi, không sử dụng ở nhà.
Năm 2020, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin mỗi năm Trung Quốc tạo ra khoảng 2 triệu tấn rác thải điện tử. Đến năm 2030, lượng rác thải phát sinh dự kiến sẽ đạt 27 triệu tấn trên toàn quốc.
Lin Xi là một trong những người đi theo làn sóng khởi nghiệp mới - tìm kiếm lợi nhuận từ những thứ từng bị bỏ đi. Nhận tiền tùy theo yêu cầu của khách, họ tháo dỡ các thiết bị lỗi thời hoặc hỏng, như điện thoại, máy chơi game, máy ảnh, ra từng mảnh để tạo thành các bộ sưu tập thủ công có giá trị cả về mặt thẩm mỹ và cảm xúc cho người đặt hàng.
Năm 2021, Taobao, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, đã công nhận dịch vụ này là một trong những ngành nghề độc đáo của Trung Quốc. Trên mạng xã hội, Lin và các đồng nghiệp được mệnh danh là “những người mai táng xác điện thoại di động”.
Lin hiện có hơn 600.000 người theo dõi trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. “Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc theo đuổi nghệ thuật và giá trị tinh thần. Tôi rất biết ơn vì được sinh ra trong thời đại mà mình tìm ra một con đường, vừa có thể giúp đỡ người khác, vừa phù hợp với sở thích cá nhân”, cô chia sẻ.

Không chỉ là thiết bị lỗi thời, mà còn là vật kỷ niệm của một thời đã qua​

Theo Li Yishen, một nhà thiết kế nghệ thuật ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nhu cầu tái sử dụng những thiết bị lỗi thời đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo kinh nghiệm của anh, phần lớn smartphone được tháo rời và mang đi đóng khung là các mẫu thế hệ cũ. Chúng được giữ lại chủ yếu là do thiết kế độc đáo, chứ không phải vì các chức năng lạc hậu.
Li và vợ đã mạo hiểm bước chân vào lĩnh vực này từ năm 2018 khi lần đầu “giải phẫu” chiếc iPhone 4. Thời điểm đó, rất ít người tham gia vào mảng kinh doanh này. Li nhớ lại: “Thiết bị này có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều người ở Trung Quốc vì đây là mẫu iPhone đầu tiên được ra mắt ở đây”.
Nghề 'hồi sinh' rác thải điện tử
Trung bình một chiếc smartphone thông thường chỉ mất 3 ngày để tháo dỡ và lắp lại khung. Ảnh: Lin Xi.
Với Lin Xi, hành trình đến với nghệ thuật tái sinh các thiết bị điện tử của cô bắt đầu khi đang du học ở Anh.
Là một người đam mê nghệ thuật, cô đã ghé thăm nhiều viện bảo tàng, nhưng chỉ nhớ mãi buổi triển lãm đã gây ấn tượng mạnh với mình. Một nghệ sĩ đã trưng bày một chiếc đèn, được tháo rời và đóng khung, để lộ ra “vẻ đẹp hài hòa” bên trong các bộ phận.
Trở về quê nhà Trung Quốc, nhìn thấy những máy chơi game cầm tay bị bỏ đi, Lin bắt đầu biến những đồ điện tử này thành tác phẩm nghệ thuật treo tường.
Kể từ khi thành lập studio Seeou Design vào năm 2020, công việc kinh doanh của cô đã phát triển ổn định. Cô thuê khoảng chục nhân viên và thực hiện khoảng 30-50 đơn đặt hàng/tháng.
Nhóm khách hàng của cô rất đa dạng, từ những người muốn lưu giữ kỷ niệm cá nhân bằng thiết bị điện tử, đến những người muốn kỷ niệm những khoảnh khắc cùng người thân yêu. Phạm vi công việc của Lin Xi dần mở rộng ra ngoài điện thoại, đến với các mặt hàng điện tử khác như máy ảnh, drone và thậm chí cả máy đào tiền số.
“Nhiều người đến đây và chia sẻ câu chuyện về những thiết bị này, như chúng đã từng khiến các đồng nghiệp của họ phải ghen tị như thế nào”, Lin nói. Đơn cử như máy chơi game cũ không chỉ là thiết bị mà còn là vật kỷ niệm của một thời đã qua. Chúng là những món quà tuổi trưởng thành hoặc những phần thưởng khó kiếm được từ công việc bán thời gian đầu đời.

Dịch vụ kén khách hàng​

Chi phí cho các tác phẩm tại studio dao động từ 700 nhân dân tệ (100 USD) cho những công việc đơn giản đến 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) cho những dự án phức tạp hơn. Cô cho biết một chiếc smartphone thông thường chỉ mất 3 ngày để tháo dỡ và lắp lại khung. Nhưng một thiết bị phức tạp hơn hoặc lạ hơn có thể mất đến một tháng để thiết kế đúng cách.
Cô cũng bán bộ khung tự làm dành cho các mẫu smartphone phổ biến, cho phép khách hàng tự mình thử tác phẩm nghệ thuật này.
Vòng đời mới của mỗi tác phẩm nghệ thuật bắt đầu bằng việc tháo rời và làm sạch các linh kiện máy móc, sau đó cẩn thận sắp xếp các bộ phận này lên khung để hoàn thiện thiết kế cuối cùng. Tuy nhiên, Lin Xi nhấn mạnh việc thấu hiểu câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm quan trọng hơn cả.
Nghề 'hồi sinh' rác thải điện tử
Ngoài smartphone, Lin Xi còn "tái sinh" nhiều sản phẩm khác nhau như drone, máy đào tiền số... Ảnh: Lin Xi.
Đối với mỗi thiết bị được “cải tử hoàn sinh”, studio của Lin đều đi sâu vào lịch sử, tìm hiểu về các thành phần, chẳng hạn như loại chip cũng như hành trình nghiên cứu và phát triển của sản phẩm. Quá trình này giúp làm phong phú thêm bối cảnh và ý nghĩa cho tác phẩm nghệ thuật.
Mặc dù lĩnh vực kinh doanh này đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm gần đây, Lin thừa nhận rằng việc biến rác thải điện tử thành tác phẩm nghệ thuật vẫn là một dịch vụ kén người quan tâm.
Theo Li, bộ sưu tập nghệ thuật từ rác thải điện tử như trên bắt đầu ra mắt và nổi tiếng vào năm 2019, song, sự quan tâm ban đầu dần suy giảm. “Một cuộc chiến giá cả trên thị trường cạnh tranh, cùng với sự phát triển của các sản phẩm giá rẻ, đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của nhiều nhà thiết kế”, Li giải thích. Vào thời điểm đó, nhiều người bắt đầu công việc bán thời gian này vì sở thích cá nhân, cuối cùng cũng từ bỏ khi gặp khó khăn vì phải liên tục đổi mới và thu hút khách hàng.
Lin Xi cũng nhấn mạnh rằng nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh này rất hiếm có. “Một nghệ sĩ lành nghề phải có niềm đam mê với các thiết bị kỹ thuật số, chuyên môn về thiết kế và sự đồng cảm sâu sắc với câu chuyện của khách hàng”, cô gái khẳng định.
Giá trị thực sự của tác phẩm của Lin vượt ra khỏi vật chất. “Khi có nhiều người bắt đầu trân trọng giá trị tinh thần, sự giàu có sẽ được định nghĩa lại bằng sự vững bền của thời gian”, cô gái nói với Sixth Tone.
Nguồn: Thúy Liên/Znews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top