VNR Content
Pearl
Thị trường chứng khoán Việt Nam với chỉ số VN-Index sau một đoạn ngắn hồi phục đã quay trở lại nhịp điều chỉnh từ phiên ngày 16/12/2022. Trong 6 phiên vừa qua có tới 5 phiên giảm khá mạnh, lấy đi hết lợi nhuận của nhiều nhà đầu tư có được trong đợt hồi phục vừa qua. Môi giới khuyên: Bán và bán Trước nhịp điều chỉnh này, không ít dự báo từ các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số VN-Index có thể hướng về vùng từ 1.100-1.150 điểm. Có thể thấy một “căn bệnh” cố hữu của các dự báo là, mỗi khi thị trường cắt mạch điều chỉnh và tăng trở lại năm, ba phiên liên tiếp thì y như rằng có không ít dự báo “mơ về nơi xa lắm”. Sự lãng mạn của các dự báo về thị trường chứng khoán là đây và đã khiến cho không ít nhà đầu tư cũng lãng mạn theo, rồi ôm “đầu máu”. Tất nhiên, chẳng thể bắt các dự báo luôn phải đúng, chính xác 100%. Thậm chí, vào giai đoạn thị trường khó lường như vừa qua, dự báo đúng 50% cũng đã là quá cao, và có thể nói là đỉnh của đỉnh. Bởi chỉ cần đúng 50% và đánh theo 50% dự báo đúng này, nhà đầu tư có thể có lãi. Nhưng thực tế cũng không đơn giản vậy. Bởi với tỉ lệ 50% đúng nhưng lại đan xen những phiên dự báo trật, 50% dự báo đúng nhưng những phiên đó thị trường tăng điểm một cách dè xẻn trong khi những phiên giảm thì lao dốc mạnh, thì cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư ôm lỗ như thường. Đề cập qua như vậy để cùng “tỉnh ngộ” hơn một chút, rằng thị trường chung vẫn đang trong mạch điều chỉnh từ nhiều tháng trở lại đây, cùng với bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bắt đầu gặp những khó khăn (đặc biệt khối doanh nghiệp) vì bị ảnh hưởng muộn từ những hệ lụy từ cuộc chiến Nga – Ucraina, lạm phát cao tại Mỹ và Châu Âu. Độ trễ của sự tác động này khi đến Việt Nam bị “biến dạng” với những dấu hiệu của hệ lụy suy thoái kinh tế bắt đầu xuất hiện tại một số nước và tác động đến Việt Nam. Thế nhưng trong mạch điều chỉnh, không có nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán ngưng mua và bán, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay có kinh nghiệm, trong các giai đoạn tăng - giảm đan xen trên thị trường. Vấn đề quan trọng chính là chiến thuật và nắm vững các thông tin, phân tích cũng như độ nhạy trực quan của nhà đầu tư được xem như một năng lực cực kỳ quan trọng. Một trong những chiến thuật phổ dụng chính là bán ra khi thị trường tăng điểm mạnh và mua vào khi thị trường giảm điểm mạnh. Khối ngoại vẫn mua ròng mạnh bất chấp Các thống kê trong những tuần vừa qua, đặc biệt những thời điểm thị trường giảm điểm mạnh, thì cũng kéo theo lực bán mạnh. Nhưng đáng nói, lực bán mạnh phần lớn đến từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước, bao gồm cả những nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm, những nhà đầu tư F0. Khối nhà đầu tư này, ngoài việc đánh theo tin đồn, theo truyền miệng, cũng còn nghe theo tư vấn của những nhân viên môi giới, kinh doanh tại các công ty chứng khoán. Và điều chúng ta rất thường nghe từ các “chuyên gia tư vấn”, đó là khi thị trường đang giảm điểm mạnh luôn khuyên nhà đầu tư bán ra, từ mức 20-30% danh mục, đến 50% rồi 70%, thậm chí bán tháo với lệnh thị trường để thu về tiền mặt. Hành động này có 2 mặt. Mặt thứ nhất là cắt lỗ, giúp hạn chế thiệt hại, thua lỗ. Với trường hợp nhà đầu tư vẫn còn lãi thì hạn chế việc bị đánh mất thành quả lợi nhuận trước đó. Nhưng mặt trái của hành động này là, khi thị trường đảo chiều nhanh sau khi điều chỉnh vài ba phiên, thì các tư vấn đưa ra vẫn khá thật trọng. Đến khi chắc chắn nhịp tăng quay trở lại (mà có thể chỉ tăng ngắn hạn một số phiên thôi), mới khuyên nhà đầu tư mua vào, không nhiều thì ít vuột đi những cơ hội. Trong 5 phiên giảm gần đây nhất của chỉ số VN-Index, tình trạng bán ra của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mạnh nhất so với những khối khác. Nhưng với khối ngoại, sự mua ròng vẫn tiếp diễn. Tính từ phiên ngày 7/11 đến 23/12/2022, trong vòng một tháng rưỡi, khối ngoại mua ròng trên sàn HSX gần 27.370 tỉ đồng, tính ra mỗi phiên (tổng cộng 35 phiên giao dịch) họ mua ròng hơn 780 tỉ đồng. Con số này từ khối ngoại rất đáng để suy ngẫm. Vì sao nhà đầu tư trong nước thì bán chạy sàn, còn nhà đầu tư nước ngoài thì miệt mài gom hàng? Cần biết rằng, tính tới thời điểm kết phiên ngày 23/12/2023, hệ số P/E của chỉ số VN-Index đã lùi xuống mức gần chạm ngưỡng 10 (chính xác là 10,09), chỉ bằng 2/3 so với thời điểm 2021, và thấp nhất so với hệ số P/E của các chỉ số như VN30, HNX, UpCom. Khối ngoại đang làm theo cách phổ dụng, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, hệ số P/E của chỉ số VN-Index xuống thấp, họ đã gom hàng hết phiên này tới phiên khác. Đan xen trong quá trình đó, cũng có những phiên bán ra đối với các cổ phiếu đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, rồi lại mua vào cổ phiếu đó khi giá giảm mạnh. Đây chính là chiến thuật lướt sóng chủ động trên nền giá mua vào thấp. Giả sử nếu họ nghe theo các chuyên gia tư vấn giống như đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước, chắc chắn không thể có hành động như trên. Dạ Thảo