Người dùng đang gánh hệ lụy thống lĩnh thị trường của xe công nghệ?

Gần 10 năm trước khi xe công nghệ lần đầu tiên vào thị trường Việt Nam với thương hiệu đầu tiên là Grab, nét mới mẻ và đầy tiện ích của loại hình dịch vụ mới này đã dần dần chinh phục người tiêu dùng. Và giới truyền thông khi đó, cũng nhiệt liệt ủng hộ.
Người dùng đang gánh hệ lụy thống lĩnh thị trường của xe công nghệ?
1. Tính đến nay, loại hình dịch vụ xe công nghệ đã có ít nhất 8 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe như Grab và một thời là Uber, Gojek (trước đây có tên là Go-Viet), Be, ShopeeFood, Baemin… đã làm thay đổi gần như hoàn toàn thị trường này theo hướng tiện ích hơn, minh bạch hơn, giá cước thay đổi theo hướng rẻ hơn so với các loại hình dịch vụ truyền thống tương tự, và đặc biệt là không có chuyện tài xế muốn “hét giá” bao nhiêu cũng được. Cách đây 5 năm, trong một lần trao đổi với cựu CEO Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh, ông cho rằng: “Chắc không tới 5 năm nữa đâu, hoặc có thể chỉ khoảng 3 năm, taxi truyền thống sẽ hết cửa”. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra. Minh chứng hùng hồn nhất là Vinasun – hãng taxi truyền thống hùng mạnh nhất đã từng có vụ kiện tụng với Grab, những năm qua liên tục sa sút và thậm chí đi đến lỗ lã. Từ vị thế thống lĩnh thị trường, taxi truyền thống đã trở thành kẻ yếu thế, và dường như chỉ còn sống được ở những địa phương không có dịch vụ taxi công nghệ, hay trong một số thị trường ngách. Như một quy luật, những cái mới ra, ban đầu thường rất tích cực, hữu ích và tiện ích. Xe công nghệ từ chỗ thay thế taxi truyền thống, rồi thay chỗ cả xe ôm truyền thống, tiếp đến là những dịch vụ mà thị trường truyền thống chưa khai phá đến như dịch vụ giao hàng, gọi đồ ăn và được giao đến bằng xe máy… Người tiêu dùng hồ hỡi, đổ xô sử dụng dịch vụ xe công nghệ, vì những cái lợi như đề cập ở trên, và thêm điều quan trọng nữa là liên tục có khuyến mãi, thậm chí còn hậu hĩnh. Và điều gì đến cũng sẽ đến. Tốn kém nhiều tiền của, cuối cùng, dịch vụ xe công nghệ cũng thâu tóm xong thị trường, người dùng/khách hàng. Khách hàng chuyển từ loại hình dịch vụ truyền thống sang xe công nghệ, cảm thấy thích thú và ưa chuộng chọn lựa, và từ lúc nào không biết đã trở nên phụ thuộc vào loại hình dịch vụ mới này. Đó cũng chính là cái đích, mục tiêu mà các ứng dụng gọi xe dù không nói ra nhưng luôn muốn đạt đến. 2. Trong nhiều vấn đề mà dịch vụ xe công nghệ đã giải quyết xong trên thị trường, những điều quan trọng nhất chính là: Một là xe công nghệ đã chiếm ưu thế và thống lĩnh thị trường (so với taxi, xe ôm, dịch vụ giao hàng truyền thống). Hai là dịch vụ mới này đã khiến cho người dùng phụ thuộc, với từng mức độ khác nhau tùy theo từng dịch vụ khác nhau. Ba là, xe công nghệ khiến cho giới đối tác phụ thuộc, gồm các tài xế với kế sinh nhai chính là chạy xe công nghệ, cùng với nhiều hàng quán bán đồ ăn, thức uống. Cách đây 2 năm, một thống kê sơ bộ cho thấy lực lượng tài xế công nghệ tại Việt Nam gồm tài xế taxi, xe ôm, giao hàng, giao đồ ăn… đã lên đến hơn nửa triệu người. Từ hơn nửa triệu người phụ thuộc trực tiếp này còn kéo theo hàng triệu người khác là vợ/chồng, con cái, người thân của họ cũng gián tiếp phụ thuộc, vì nhờ có thu nhập của các tài xế mà họ có thể sống, sinh hoạt và trang trải cuộc sống. Và cũng từ cách đây vài năm, riêng Grab cho biết đã có khoảng 5 triệu khách hàng thường xuyên, và hàng chục ngàn đối tác là các hàng quán… Như vậy, khách hàng, đối tác của các ứng dụng xe công nghệ có thể lên đến hàng chục triệu người, tập trung đông đảo nhất là tại các đô thị lớn đông dân như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng; các địa phương du lịch như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu… Trong bối cảnh dịch vụ xe công nghệ thống lĩnh thị trường như hiện nay, cùng với sự phụ thuộc vào dịch vụ này của hàng chục triệu người, do đó mỗi động tĩnh về thay đổi chính sách của các ứng dụng đặt xe sẽ gây ra tác động không nhỏ đến khách hàng và đối tác tài xế, chủ các hàng quán… Điển hình nhất là những lần các ứng dụng đặt xe tăng cước đối với người dùng, tăng tỉ lệ chiết khấu và thay đổi chính sách thưởng đối với tài xế, hay tăng tỉ lệ hoa hồng thu từ các hàng quán…, hầu như đều dẫn đến sự ầm ĩ, thậm chí bức xúc, đình công của giới tài xế. Tất nhiên, trong một số lần đó phía ứng dụng cũng có lắng nghe, tiếp nhận và linh hoạt điều chỉnh chính sách. Nhưng cũng có những lần, các ứng dụng không chấp nhận kiến nghị của tài xế, dẫn đến tình trạng tắt app, hoặc chuyển dịch từ ứng dụng này sang ứng dụng khác, nhưng nhìn chung giới tài xế vẫn không thể thoát khỏi thân phận phụ thuộc về kế sinh nhai. Bởi suy cho cùng, tài xế cần kế sinh nhai, người dùng thì cần đến dịch vụ, đặc biệt là loại dịch vụ đã trở nên phổ biến và đang dần thay hết chỗ của loại hình dịch vụ truyền thống, khách hàng càng ít không gian khác để lựa chọn. Vị thế của dịch vụ xe công nghệ càng mạnh và càng thống lĩnh thị trường ở mức cao, người dùng cũng sẽ càng ít lựa chọn khác hơn. Minh chứng mới nhất, trong đợt giá xăng leo thang đang diễn ra, một số ứng dụng đã chọn phương án tăng cước với lập luận nhằm bù đắp một phần thu nhập bị giảm sút cho tài xế (vì giá xăng tăng). Nhưng về bản chất, việc tăng cước cũng mang về ít nhất 30% khoản thu tăng thêm cho phía ứng dụng, và khách hàng phải gánh chịu thêm trong bối cảnh vật giá leo thang. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
quy luật hết sức bình thường thôi, chả có gì mà hệ lụy ở đây cả. kinh doanh dịch vụ thuận mua vừa bán, chả ai ép khách hàng phải xài xe công nghệ cả.
 
xu hướng coon nghệ phát triển, người dùng có nhu cầu thì họ dùng, có km thì họ sử dụng, khkhông thì vác xe ra đường mua, đặt trên app toàn gần gần có xa xôi gì đâu, thêm nữa đấy tạo ra hàng tá việc làm mà bài vieest lại dùng từ lệ thuộc, cá nhân tôi thấy bài viết này không nên tồn tại.
 
Bạn cho hỏi cái gì độc quyền vậy bạn? bạn thích bạn cũng mở được dịch vụ như họ mà? cái bạn không có là "vốn" để đua với họ. Mà họ có thành công hay không cũng là do người tiêu dùng lựa chọn. Mô hình này đâu phải chỉ có mỗi ở VN đâu? Bạn có thể không thấy phổ biến ở Mỹ hay Châu âu là vì khách biệt văn hóa thôi.
 
Kinh tế thị trường, thì do thị trường, thị hiếu khách hàng quyết định. Cái cần là cơ quan quản lý, thuế cần theo kịp để điều chỉnh luật cho hợp với tình hình chung của xã hội.
 
Tôi là một người tiêu dùng bình thường, không làm việc cho các hãng xe công nhệ hay xe taxi truyền thống, Hiện nay xe taxi, xe ôm truyền thống vẫn còn và họ có tăng giá hay không chắc mọi người đều biết. Và trong điều kiện đó, đa số mọi người vẫn lựa chọn taxi công nghệ chứng tỏ taxi công nghệ vẫn tốt hơn trong mắt người dùng.Việc nhiều người tham gia vào taxi/xe ôm công nghệ chứng tỏ đây là một nền tẳng tốt, có khả năng tạo ra công ăn việc làm cho mọi người. Hiện nay, không phải chỉ có 1 hãng taxi công nghệ hoạt động tại Việt Nam nhưng tình trạng độc quyền thiểu số là không thể tránh khỏi. Kể cả trước khi chưa có taxi công nghệ thì tình trạng độc quyền thiểu số này đã có rồi, giờ chỉ khác là độc quyền thiểu số của taxi truyền thống chuyển thành độc quyền thiểu số của các hãng xe công nghệ mà thôi. Vấn đề là nhà nước phải kiểm soát được tình trạng độc quyền này, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh và các hãng không liên kết với nhau để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
 
Thành viên mới đăng
Top