Người trẻ Trung Quốc lên mạng rao bán "sếp tồi", "đồng nghiệp đáng ghét", "việc nặng lương thấp"

Jimmy

Moderator
Giới trẻ Trung Quốc đang tham gia vào một trào lưu mới: "rao bán" công việc, sếp hoặc đồng nghiệp trên các nền tảng thương mại điện tử như một cách để giải tỏa căng thẳng và áp lực từ công việc.

Thuật ngữ "mùi công việc" được sử dụng để miêu tả cảm giác kiệt quệ về tinh thần và thể chất sau ngày dài làm việc. Nó gợi lên hình ảnh về mùi mồ hôi trên tàu điện ngầm, mùi khói thuốc lá ám lại hoặc thậm chí là hương thơm của một ly Americano đá.

Trên Xianyu, một nền tảng thương mại điện tử phổ biến dành cho đồ cũ, hơn 500 bài đăng đã xuất hiện với nội dung rao bán "công việc khó khăn", "sếp tồi" và "đồng nghiệp đáng ghét", với giá dao động từ 2 tệ (14.000 đồng) đến 80.000 tệ (280 triệu đồng).

1720586010263.png


Ví dụ, một người ở miền Trung Trung Quốc đăng bán công việc của mình với giá 8.000 tệ vì "thực sự không muốn dậy sớm nữa". Cô ấy chia sẻ rằng mức lương hàng tháng của cô ấy là 3.000 tệ, vì vậy người mua "có thể thu hồi vốn đầu tư chỉ trong ba tháng".

Tại Bắc Kinh, một người dùng khác rao bán đồng nghiệp của mình với lời mô tả hài hước: "Bán một đồng nghiệp rất giỏi châm biếm, giá 3.999 tệ. Tôi có thể dạy bạn cách đối phó với người này và tặng kèm 10 mẹo để không trở thành vật tế thần ở chỗ làm".

Một người khác rao bán "ông chủ tồi tệ" với giá 500 tệ, giải thích rằng tính cách của họ không hợp nhau và ông chủ thường xuyên chỉ trích anh ta, gây căng thẳng tinh thần. Thậm chí, có người còn đăng bán một dự án cần hoàn thành ngay trong đêm với giá chỉ 10 tệ.

Thực chất, những quảng cáo này chỉ là cách giới trẻ Trung Quốc thể hiện sự mệt mỏi, chán nản hoặc áp lực từ công việc. Các giao dịch thường không được thực hiện nghiêm túc. Nếu có người muốn "mua" sản phẩm, họ sẽ bị từ chối hoặc giao dịch bị hủy bỏ.

"Tôi bán công việc không có ngày nghỉ cuối tuần của mình với giá 9,9 tệ chỉ như một cách trả đũa nhỏ nhoi thôi", một người bán giải thích.

Tuy nhiên, Xianyu sau đó đã đưa ra thông báo rằng việc rao bán người khác mà không có sự đồng ý của họ là bất hợp pháp.

Theo luật sư Liu Yan của công ty luật Hunan United Pioneer, Trung Quốc, việc tiết lộ thông tin cá nhân của người khác, chẳng hạn như tên, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên lạc, trên các nền tảng trực tuyến mà không có sự cho phép là vi phạm quyền riêng tư.

Tại Trung Quốc, những người tiết lộ thông tin cá nhân của người khác mà không được phép có thể bị phạt tiền hoặc giam giữ tới 10 ngày.

Xu hướng "rao bán" công việc hoặc đồng nghiệp là một phần của một phong trào lớn hơn trong giới trẻ Trung Quốc đại lục, nơi họ đang dần từ bỏ văn hóa làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Thay vào đó, họ theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần.
#chuyệncôngsở
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top