Nhà đầu tư F0 “đắp mền” trong “mùa đông” chứng khoán

Thời điểm hiện tại đang được ví như “mùa đông” trên thị trường chứng khoán khi các chỉ số đều sụt giảm so với giai đoạn trước tháng 5/2022, từ điểm số của VN-Index, thanh khoản trên thị trường và lượng tài khoản chứng khoán mở mới. “Mùa đông” đến sớm hay chỉ mới bắt đầu? Thị trường chứng khoán với chỉ số VN-Index đã bước vào giai đoạn điều chỉnh (downtrend) tính từ tháng 4/2022 trở lại đây. Kéo theo đó, thanh khoản cũng giảm theo, còn những nhà đầu tư F0 đầy hào hứng và bốc đồng trong giai đoạn 2020-2021 cũng đã chờn tay sau cú thiệt hại trong 3 tháng 5-6-7/2022. Trên thị trường tiền số, một “mùa đông” vẫn đang diễn ra. Thị trường chứng khoán khác hơn, dù bị ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị như chiến tranh Nga – Ucraina, cạnh tranh vừa ngấm ngầm và vừa công khai Mỹ - Trung, tình hình lạm phát…, nhưng cũng đã hồi phục phần nào trong tháng 8 và chỉ giảm trong 2 tuần trở lại đây. Với VN-Index, bỏ mặc các dự báo lạc quan hay kỳ vọng, chỉ số vẫn diễn biến lình xình trong 2 tuần qua, và kết phiên giao dịch ngày 16/9/2022 điểm số đã xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng rưỡi trở lại đây. Ở mức 1.234 điểm khi kết phiên giao dịch này, VN-Index đang đánh mất 200 điểm so với mức đỉnh hồi tháng 4/2022. Hiện tại, mục tiêu trở lại 1.300 điểm của VN-Index trong ngắn hạn là khá khó khăn khi chỉ số cứ mỗi phiên lại diễn biến thất thường, khó lường và chưa tạo dựng được niềm tin cho giao dịch. Cùng với đó, thanh khoản vẫn mãi ì ạch. Đã có một số phiên gần đây thanh khoản trên sàn HSX vượt mức 16.000 tỉ đồng, thậm chí vượt qua 20.000 tỉ đồng, gây ra ngộ nhận cho giới đầu tư cũng như các bên phân tích và dự báo, rằng dòng tiền đã trở lại. Nhưng kỳ thực, đó chỉ là những tín hiệu giả, chưa phải là yếu tố chắc chắn để xác nhận dòng tiền đã thực sự trở lại thị trường. Tính từ tháng 6 trở lại đây, thanh khoản bình quân phiên trên sàn HSX chỉ đạt hơn 14.000 tỉ đồng, cách biệt rất xa với mức bình quân phiên từ 20.000 tỉ đồng trở lên của thời điểm từ tháng 4/2022 trở về trước. Thời điểm VN-Index tạo đỉnh và bắt đầu điều chỉnh vào tháng 4/2022, lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước (F0) mở mới đã có sự sụt giảm so với tháng liền trước đó, tuy nhiên sau đó lại tăng mạnh vào tháng 5/2022. Song cũng từ thời điểm này, mạch giảm bắt đầu thể hiện rõ nét hơn. Cụ thể từ tháng 5-8/2022, lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư F0 liên tục giảm. Đặc biệt, mức giảm hơn 50% trong tháng 7 và 8 so với tháng 5 và 6 trước đó. Thậm chí, lượng tài khoản của nhà đầu tư F0 mở mới đã thấp hơn các tháng 2, 3 và 4/2022. Tài khoản “đắp mền” Theo dữ liệu từ FiinGroup, từ tháng 4-8/2022 nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục bán ròng, và chỉ mua ròng nhẹ trở lại từ đầu tháng 9 trở lại đây. Theo đó, số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán và dư nợ vay margin cũng sụt giảm mạnh. Dòng tiền đã và đang được nhà đầu tư cá nhân rút khỏi thị trường. Đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu khiến cho giao dịch thị trường không những không sôi động mà còn trở nên ảm đạm, dẫn đến thanh khoản yếu. Thêm vào đó, lãi suất vay margin cũng không còn “rẻ” như giai đoạn 2020-2021 nên nhà đầu tư cá nhân càng hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh thị trường đang khó khăn và dễ gặp rủi ro bất trắc nếu dùng margin. Tình trạng tài khoản chứng khoán “đắp mền” được chứng minh bằng con số. Theo đó tính đến hết quý II/2022, khoảng 70.000 tỉ đồng đang “án binh bất động” trong các tài khoản. Có thể đưa ra một con số so sánh để thấy rõ thêm tình hình đứng ngoài không tham gia thị trường của nhà đầu tư cá nhân đang ở mức độ như thế nào. Cụ thể, kết năm 2021, dư nợ cho vay chứng khoán theo thống kê là khoảng hơn 140.000 tỉ đồng. Cho thấy, dao động giảm của dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong vòng 6 tháng (từ tháng 12/2021-6/2022) lên tới khoảng 210.000 tỉ đồng. 70.000 tỉ đồng “nhàn rỗi” trong các tài khoản chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, đưa thị trường quay trở lại thời kỳ sôi động năm 2021. Tuy nhiên trên thực tế, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đặc biệt là nhà đầu tư F0, vẫn đang bị tổn thương từ đợt lỗ lã nặng sau tháng 4 đến tháng 7/2022, trong đó rất nhiều tài khoản chưa thể “về bờ”, do đó càng trở nên thận trọng. Từ khi thị trường bắt đầu áp dụng giao dịch T+2, vòng xoay tiền và cổ phiếu diễn ra nhanh hơn giúp các giao dịch lướt sóng chốt lời cũng rút ngắn được thời gian. Không hẳn nhà đầu tư nào cũng đã quen với nhịp giao dịch nhanh xoay chuyển lẹ này, cho nên càng cần thêm thời gian để thích nghi và tìm ra chiến thuật giao dịch phù hợp. Tháng 9, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhưng ngược lại, thị trường trên thực tế đang gặp nhiều khó khăn do các yếu tố tác động cả từ trong và ngoài nước. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top