Nhân viên kiểm duyệt nội dung Trung Quốc căng thẳng và kiệt sức vì công việc

Với cuộc "càn quét" không gian mạng đã và đang thực hiện, Trung Quốc muốn giữ cho môi trường trực tuyến của mình trong sạch hơn. Để thực hiện điều này, một đội ngũ hùng hậu đã được giao nhiệm vụ "làm sạch thế giới ảo" cho đất nước.
Đó chính là những người kiểm duyệt nội dung, được tuyển dụng bởi những công ty internet hàng đầu trong nước, họ đã phải dành nhiều giờ làm việc cực kỳ tập trung và nghiêm ngặt để xem xét và lọc ra bất kỳ thứ gì liên quan đến các nội dung kinh dị, bạo lực, khiêu *** và thông tin được coi là nhạy cảm hoặc xúc phạm chính trị đất nước. Họ xem xét một loạt nội dung do người dùng tạo gồm video, comment, ảnh và hồ sơ người dùng. Nhìn chằm chằm vào màn hình không ngừng là cách các nhân viên này làm việc, họ thường phải làm việc ngoài giờ và cái giá phải trả cho làm việc quá sức là sức khỏe thể chất và cả tinh thần đều bị ảnh hưởng.

Vắt kiệt sức của người lao động

Sáu cựu nhân viên trong bộ phận kiểm duyệt nội dung tại các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc nói rằng công việc của họ yêu cầu họ phải theo dõi nội dung trực tuyến vào tất cả các giờ trong ngày, nếu làm theo ca đôi khi kéo dài tới 14 đến 15 giờ. Rất nhiều người trong số họ là những sinh viên đại học mới tốt nghiệp, họ bị thu hút bởi môi trường làm việc cho các công ty lớn của đất nước. Tuy nhiên, sau khi được trải nghiệm thực tế công việc, họ bị đè nặng bởi lịch trình dài, những ngày làm việc căng thẳng và những triển vọng nghề nghiệp không hấp dẫn.
Chen Xiaowen, cựu điều hành viên nội dung tại công ty internet hàng đầu Trung Quốc ByteDance, nói "Chúng tôi giống như những công nhân tại một nhà máy điện tử. Sự khác biệt duy nhất chỉ là chúng tôi làm việc trong một tòa nhà văn phòng." Nhân viên này cũng sử dụng biệt danh để trả lời các câu hỏi vì những lo ngại về quyền riêng tư.
Văn hóa làm việc ngoài giờ của các công ty công nghệ Trung Quốc - nổi tiếng nhất là "996" (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) - trở thành một vấn đề nan giải và rất khó để giải quyết, ngày cả khi các nhà chức trách đã nhấn mạnh vào năm ngoái rằng đó là bất hợp pháp. Trong gần nửa năm qua, từ cuối năm ngoái đến những tháng đầu của năm nay, một chiến dịch trực tuyến đã cho thấy điều kiện làm việc không lành mạnh đã trở nên quen thuộc ở đất nước tỷ dân này. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến những cái chết của các nhân viên tại các công ty công nghệ trong nước.
Tiếp đó, vào ngày 4 tháng 2, cái chết của một người kiểm duyệt nội dung Bilibili có biệt danh là Mu Se Mu Xin, được cho là do làm việc quá sức cũng là lời cảnh báo cho những nguy cơ tiềm ẩn của việc làm quá nhiều giờ, mặc dù nền tảng phát trực tuyến video - nơi Mu Se làm việc đã phủ nhận kết luận này. Công ty này cho biết rằng anh ta chỉ làm việc theo ca 8 tiếng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kể từ khi bắt đầu làm ở văn phòng Vũ Hán vào tháng 5 năm 2020.
Nhưng cái chết của nhân viên này, nguyên nhân trực tiếp là do xuất huyết não, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và thương cảm của công chúng. Nó cũng đồng thời cho thấy cái nhìn về cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của hàng chục nghìn người kiểm duyệt nội dung - những người có vai trò quan trọng không thể thiếu nhưng họ lại thường không được quan tâm tại các công ty internet Trung Quốc.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung Trung Quốc căng thẳng và kiệt sức vì công việc
Lịch trình làm việc hàng ngày được mô tả bởi những người tham gia cuộc khảo sát Vấn đề Cuộc sống của Người lao động vào năm 2021 tại Trung Quốc

Tăng ca suốt ngày đêm

Sự phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng chia sẻ nội dung trực tuyến và sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ trong những năm qua đã khiến cho những công ty công nghệ bắt buộc phải mở rộng lực lượng nhân sự kiểm duyệt nội dung của họ. Các công ty như ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin, được cho là có hơn 20.000 người kiểm duyệt nội dung, trong khi Bilibili có hơn 2.400 người vào cuối năm 2020.
Bilibili - nền tảng đã phát triển từ một cộng đồng game và anime thành một trang web chia sẻ video chính thống với 267 triệu người dùng hoạt động hàng tháng - có 28% nhân viên thuộc bộ phận kiểm duyệt nội dung trong tổng số nhân sự của mình, theo thống kê năm 2020. So với năm 2018 thì số nhân viên kiểm duyệt đã tăng lên 12% khi ứng dụng Bilibili biến mất khỏi các cửa hàng di động trong một tháng sau khi bị cáo buộc xuất bản nội dung mà cơ quan quản lý cho là không phù hợp.
Zhang Jun, cựu trưởng nhóm tại một trung tâm kiểm duyệt nội dung Bilibili ở một thành phố hạng ba tại Trung Quốc, cho biết đơn vị nơi anh ấy làm việc đã tăng chóng mặt từ khoảng 10 nhân viên lên đến khoảng 200 người chỉ trong năm 2019. Thanh niên 27 tuổi này cũng sử dụng biệt danh để bảo vệ quyền riêng tư cho mình nói rằng khi làm việc, mỗi nhân viên được giao yêu cầu xử lý ít nhất 1.600 video clip trong ca 12 giờ, trung bình khoảng 2 video cho mỗi phút, thậm chí một số khác còn xử lý tới 2.900 video trong một ca làm việc.
Một nhân viên đánh giá nội dung khác, tên Hou, 23 tuổi, làm việc tại văn phòng Vũ Hán của Bilibili đã xác nhận các ca làm việc kéo dài 12 giờ của mình, sau đó là nghỉ giải lao vào ngày hôm sau. Ông cũng cho biết tất cả nhân viên được giao một ca đêm dài cả tháng, làm việc từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng, ba tháng một lần.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung Trung Quốc căng thẳng và kiệt sức vì công việc
Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn trong những ngày đầu của đại dịch vào năm 2020, khi hàng chục triệu người chuyển sang các nền tảng xã hội và video khi họ phải ở trong nhà. Trong quý đầu tiên của năm 2020, những người sáng tạo nội dung hoạt động hàng tháng của Bilibili và số lượt gửi nội dung của họ đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Còn trong vài tháng đầu tiên sau đợt bùng phát đầu tiên vào tháng 1 năm 2020, lượng video tải lên hàng ngày trên Bilibili đã tăng 25% so với những gì mà tất cả những người kiểm duyệt cộng lại có thể quản lý được. Sự quá tải đã dẫn đến tồn đọng hơn 1 triệu video chưa được xem xét trong một tuần, bắt buộc các nhân viên kiểm duyệt nội dung phải làm việc thêm giờ, kể cả trong ngày nghỉ.
Cui Yu, một nhân viên nữ tại Bilibili gia nhập công ty vào cuối năm 2019 nói "Ca làm việc đêm khiến tôi kiệt sức... mặc dù mắt thì mở nhưng đầu óc trống rỗng. Chu kỳ kinh nguyệt của tôi trở nên không đều sau ca trực đêm kéo dài một tháng. Tôi cảm thấy như bộ não của mình ngừng hoạt động trong ca làm việc và tôi bị mờ mắt, dẫn đến gia tăng sai sót và do đó bị cắt lương ”. Các nhân viên tại ByteDance và nền tảng video ngắn khác là Kuaishou cũng chia sẻ kinh nghiệm làm việc tương tự.
Bilibili từ chối trả lời các câu hỏi về điều kiện làm việc cụ thể của nhân viên, trước đó họ cũng cho biết sẽ tuyển thêm khoảng 1.000 người kiểm duyệt nội dung trong năm nay để “giảm bớt áp lực công việc trên đầu người” và tăng cường theo dõi sức khỏe của nhân viên. Còn cả ByteDance và Kuaishou đều từ chối yêu cầu bình luận.

Bị giám sát chặt chẽ khi làm việc

Khi mỗi nhân viên kiểm duyệt nội dung xem xét nội dung được gửi từ người dùng trên màn hình của họ thì đồng thời ở một màn hình theo dõi khác, họ cũng đang bị công ty giám sát công việc. Các cựu nhân viên kiểm duyệt nói rằng công ty có một hệ thống máy tính phân tích hoạt động kiểm duyệt của họ dựa trên số lượng và tốc độ, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá hiệu suất và số tiền mà họ được trả.
Chen cho biết ByteDance đánh giá những nhân viên điều độ với số điểm từ A đến D hàng tháng, tùy thuộc vào hoạt động công việc hàng ngày của họ. Những nhân viên đứng đầu hệ thống chấm điểm sẽ có khả năng kiếm thêm hàng chục nghìn nhân dân tệ hàng năm, và những nhân viên bị xếp hạng thấp nhất hai lần liên tiếp sẽ bị yêu cầu nghỉ việc.
Gong Qin, một cựu kiểm duyệt nội dung của Douyin có trụ sở tại Thành Đô nói rằng trong tháng đầu tiên, những thực tập sinh làm việc với tốc độ chậm hơn và độ chính xác thấp hơn sẽ phải ở lại làm thêm giờ hoặc được giao thêm giấy tờ sau khi tan ca. "Bảng xếp hạng vô hình trung tạo thêm gánh nặng cho bạn, với tâm trạng giống như một sinh viên kém về học lực bị kiểm tra và xếp hạng mỗi ngày." Gong Qin đã buộc phải nghỉ việc chỉ sau 2 tháng vào năm ngoái.
Mặc dù ByteDance không trả lời phỏng vấn nhưng công ty cho biết vào tháng 11 rằng họ chỉ yêu cầu nhân viên làm việc từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối. Trong khi đó tại Kuaishou, Wang cho biết công ty đã giới hạn nghiêm ngặt thời gian nghỉ của họ xuống còn 40 phút - giảm so với khoảng 60 phút trước đó - trong ca làm việc kéo dài 8 tiếng bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Anh cũng nói rằng giờ ăn trưa của họ còn bị giảm xuống còn 30 phút và một hệ thống máy tính sẽ tự động bắt đầu lập bảng thời gian nghỉ của họ nếu màn hình giám sát của nhân viên không hoạt động trong một phút.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung Trung Quốc căng thẳng và kiệt sức vì công việc

Đường đến hư không

Nhiều công ty internet lớn hiện đã thuê toàn bộ đơn vị ngoài cho việc giám sát nội dung hoặc chuyển toàn bộ bộ phận của họ đến các thành phố ít đô thị hơn như Thiên Tân, Tế Nam và Tây An, nơi mức lương và tiền thuê nhà thường thấp hơn các siêu đô thị hàng đầu, để cắt giảm chi phí hoạt động. Chiến lược này đã thu hút đáng kể những sinh viên mới tốt nghiệp từ các thành phố nhỏ hơn đang tìm kiếm vị trí trong các tập đoàn công nghệ lớn, mặc dù họ sớm đã nhận ra cơ hội phát triển nghề nghiệp hạn chế.
Theo thống kê, khoảng 20% đến 30% người điều hành tại Bilibili sẽ rời đi trong ba tháng đầu tiên, với nhiều người trong số họ chọn các vị trí tương tự tại các công ty khác. Các tin tuyển dụng thường không yêu cầu trình độ hoặc kỹ năng cao, có nghĩa là nhân viên có rất ít cơ hội để có được những vị trí cao hơn tại công ty. Zhang nói "Miễn là bạn tốt nghiệp đại học với khả năng hiểu bình thường, bạn có thể trở thành người kiểm duyệt nội dung. cũng chính vì vậy mà bất kỳ ai trong lĩnh vực này đều có thể dễ dàng bị thay thế, họ có khả năng thương lượng thấp trên thị trường lao động… Chỉ khoảng 3% người kiểm duyệt nội dung tuyến đầu có thể được thăng chức thành trưởng nhóm.”
Sau hơn hơn một năm làm việc tại ByteDance, Chen cho biết cô đã nghỉ việc vào cuối năm 2020, tuy nhiên cô vẫn chưa có định hướng chuyển sang một con đường sự nghiệp mới. Công việc kiểm duyệt nội dung của cô ấy không trang bị cho cô ấy bất kỳ kỹ năng mới nào. Chen đã tốt nghiệp ngành báo chí, nói rằng "CV của tôi không khác gì CV của một sinh viên mới ra trường. Khi tìm kiếm việc làm, giống như bạn đang ở trong một cái kén thông tin - cuối cùng bạn chỉ tìm những công việc tương tự, liên quan đến kiểm duyệt nội dung, còn những người ở các lĩnh vực khác lại coi thường bạn ”.
Những người từng làm kiểm duyệt nội dung trước đây và hiện tại nói rằng nếu chỉ thuê thêm người sẽ không thể cải thiện làm việc hoặc khả năng giữ chân nhân viên. Họ cho rằng các công ty cần phải đảm bảo giờ làm việc hợp lý, mức lương tốt hơn và lợi ích cho từng người, những điều khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top