Nhiếp ảnh Hyperlapse và Timelapse khác nhau ra sao?

Dù bạn đang dùng smartphone, drone hay action cam, bạn hẳn đã từng thử sức với timelapse hoặc hyperlapse. Dù chúng có vẻ tương tự nhau, mỗi loại lại có một mục đích riêng biệt. Timelapse sẽ “bóp” thời gian, khiến mọi thứ trở nên nhanh hơn, trong khi hyperlapse thì khiến hình ảnh có thêm một chiều không gian chuyển động mới. Timelapse cơ bản
Nhiếp ảnh Hyperlapse và Timelapse khác nhau ra sao?
Ý tưởng về timelapse khá dễ hiểu. Nó là một đoạn video với tốc độ khung hình siêu chậm. Khi xem phim, bạn đang xem 24 bức ảnh mỗi giây. Tức là mỗi khung hình riêng lẻ sẽ có thời gian hiển thị 1/24 giây. Tốc độ này hiển nhiên không nhanh như thực tế, nhưng đủ nhanh để bộ não chúng ta “thấy” được chuyển động mượt mà. Khi bạn thêm nhiều khung hình vào mỗi giây, chuyển động sẽ càng mượt hơn, và đến một lúc nào đó, bạn sẽ có được hình ảnh trông chân thực như thế đang nhìn thấy qua cửa sổ vậy. Sẽ không có gì đáng nói nếu đoạn video bạn đang xem miêu tả những thứ diễn ra ở khung thời gian của con người. Nhưng giả sử bạn quay phim về quá trình đâm chồi nảy lộc của một cái cây thì sao? Cây cối hiển nhiên không tăng trưởng là bao trong 1/24 giây, do đó bạn có thể chụp một bức ảnh mỗi ngày trong suốt một năm rồi cho chúng chạy ở tốc độ 24 khung hình/giây. Cứ cho là camera của bạn được đặt cố định ở một điểm duy nhất, kết quả sẽ là một đoạn video về quá trình sinh trưởng cả năm trời của cái cây đó nhưng với chiều dài vỏn vẹn hơn 15 giây một chút. Timelapse có khá nhiều ứng dụng cả trong nghệ thuật lẫn khoa học, và bạn sẽ thấy chúng được dùng rất phổ biến để tạo hiệu ứng độc lạ trong các phim tài liệu về thiên nhiên. Tuy nhiên, bạn sẽ gặp những hạn chế nhất định khi muốn “bóp” thời gian từ góc nhìn của một chủ thể chuyển động. Timelapse + Chuyển động = Hyperlapse
Nhiếp ảnh Hyperlapse và Timelapse khác nhau ra sao?
Bạn có lẽ đã từng xem những video trong đó một con drone bay phía trên một thành phố đông đúc, và con người lẫn xe cộ bên dưới lướt qua như Flash, bởi chuyến bay dài 15 phút của drone bị “bóp” lại chỉ trong 30 giây hình ảnh. Đó là ví dụ về hyperlapse. Một video hyperlapse thực chất chỉ là một đoạn timelapse nhưng camera thay vì đứng yên thì di chuyển những quãng đường dài theo bất kỳ hướng nào mà người điều khiển mong muốn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra được một video hyperlapse ấn tượng cần rất nhiều công sức. Khi chụp timelapse, camera của bạn được đặt ở trạng thái tĩnh một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu bạn di chuyển camera qua lại, sản phẩm cuối cùng sẽ bị rung lắc và hỗn loạn. Nếu làm hyperlapse thủ công bằng cách chụp nhiều ảnh riêng lẻ, bạn cần sử dụng một phần mềm chuyên dụng để ổn định đoạn video cuối cùng. Các thiết bị có thể tự động tạo hyperlapse cho bạn, như drone hay action cam (ví dụ là GoPro), thì được tích hợp sẵn tính năng ổn định hình ảnh rồi. Một điểm khác biệt nữa giữa hyperlapse và timelapse là thời gian giữa các bức ảnh có thể không đều nhau. Ví dụ, nếu bạn quay hyperlapse chuyến du lịch của mình, bạn sẽ muốn lướt qua những phân đoạn tẻ nhạt, trong khi giảm tốc độ video đi đôi chút khi đến những đoạn hấp dẫn. Timelapse cũng có chuyển động
Nhiếp ảnh Hyperlapse và Timelapse khác nhau ra sao?
Timelapse truyền thống cũng có thể có hiệu ứng camera chuyển động, nhưng quá trình chuyển động đó phải được kiểm soát chi li. Các nhiếp ảnh gia sử dụng những bộ rig đặc biệt có thể lập trình được để di chuyển camera theo những đoạn đường và góc chính xác ở những khoảng thời gian định trước. Nhờ kỹ thuật này, bạn có thể có được một video timelapse khi xoay camera quanh một chủ thể với tốc độ cực kỳ chậm rãi, nhưng khi xem sản phẩm cuối cùng, giống như camera đang chuyển động trong thời gian thực vậy. Một trong những ví dụ điển hình của kỹ thuật này là phim tài liệu Fantastic Fungi, trong đó chuyển động camera được kết hợp sáng tạo với những thước phim timelapse tuyệt đẹp. Chọn đúng loại hình mong muốn Chọn giữa các kiểu timelapse không hề khó. Tất cả phụ thuộc vào chủ thể bạn muốn quay và cách bạn muốn camera di chuyển. Nếu chủ thể nằm trong khung hình trong quãng thời gian quay và bạn chỉ cần quay một góc duy nhất, hãy sử dụng timelapse thông thường. Nếu chủ thể đứng ở một điểm hoặc di chuyển rất chậm chạp, bạn có thể sử dụng bộ rig kiểm soát chuyển động để theo dõi chuyển động của nó hoặc quay nó ở một góc độ khác. Nếu bạn muốn quay phim khi đang chạy, bay, bơi, lái xe, hoặc trên đường phiêu ưu, thì hyperlapse là lựa chọn tốt nhất. Tham khảo: HowToGeek
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top