Nhiệt độ khắc nghiệt trên đại dương sẽ sớm trở thành tình trạng "bình thường mới"

Một nghiên cứu mới do Thủy cung Vịnh Monterey, tiểu bang California, Mỹ thực hiện đã tiết lộ rằng, nhiệt độ khắc nghiệt đã trở thành tình trạng “bình thường mới” đối với đại dương. Dựa trên dữ liệu thu thập trong suốt 150 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phần lớn bề mặt đại dương thường xuyên vượt quá ngưỡng nhiệt độ cực đoan trong 7 năm qua.
Nhiệt độ khắc nghiệt trên đại dương sẽ sớm trở thành tình trạng bình thường mới
Nhiệt độ khắc nghiệt có thể phá hủy các hệ sinh thái biển cực kỳ quan trọng, bao gồm các rạn san hô, đồng cỏ biển và rừng tảo bẹ. Nhiệt độ nước gia tăng làm thay đổi hoạt động của các sinh cảnh đại dương và dần dần ảnh hưởng đến khả năng thích nghi và tồn tại của chúng.
Tiến sĩ Kyle Van Houtan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Biến đổi khí hậu không phải là một sự kiện trong tương lai, mà nó đã ảnh hưởng đến chúng ta trong một thời gian. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng trong bảy năm qua, hơn một nửa đại dương đã trải qua thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt. Những thay đổi đáng kể mà chúng tôi ghi nhận được trong đại dương là một bằng chứng và là lời cảnh tỉnh để hành động đối với biến đổi khí hậu. Chúng ta đang trải nghiệm điều đó và mọi thứ chưa dừng lại”.
Nhiệt độ khắc nghiệt trên đại dương sẽ sớm trở thành tình trạng bình thường mới
Nhiều rạn san hô đang bị chết dần chết mòn vì nhiệt độ nước biển tăng
Bằng cách lập bản đồ nhiệt độ bề mặt biển trong 150 năm, các chuyên gia đã thiết lập một tiêu chuẩn lịch sử cho các cực nhiệt của đại dương. Nghiên cứu cho thấy năm 2014 là năm đầu tiên vượt quá ngưỡng này trên hơn một nửa đại dương. Vào năm 2019, 57% đại dương đã trải qua mức nhiệt độ quá cao.
Để so sánh, chỉ có 2% bề mặt đại dương trải qua điều kiện nhiệt độ cực kỳ khắc nghiệt vào cuối thế kỷ 19.
Theo các nhà nghiên cứu, việc coi nhiệt độ khắc nghiệt trên phần lớn bề mặt đại dương trở nên “bình thường mới” là bằng chứng cho nhu cầu cấp bách cần phải giảm mạnh lượng khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tiến sĩ Van Houtan cho biết: “Khi các hệ sinh thái biển gần vùng nhiệt đới trải qua mức nhiệt độ cao cực đoan, các sinh vật như san hô hoặc các đồng cỏ biển hoặc rừng tảo bẹ có thể sẽ bị tiêu diệt. Việc thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái đe dọa khả năng cung cấp và duy trì sự sống cho con người, ví dự như hỗ trợ cho hoạt động ngư nghiệp, tạo vùng đệm cho các vùng ven biển thấp khỏi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và đóng vai trò như một bể chứa carbon để lưu trữ lượng carbon dư thừa của con người thải ra vào bầu khí quyển”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLOS Climate.
Nguồn: Earth
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top