Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Xe hơi là thứ có khả năng khiến chủ sở hữu sẵn sàng ném cả núi tiền qua cửa sổ. Một số có sở thích mua xúc xắc treo trên kính xe, số khác thích trang trí xe bằng những món phụ kiện nhựa dính keo, chưa kể một nhóm không hề nhỏ người dùng thậm chí còn đào sâu hơn, tìm cách tinh chỉnh các thông số vận hành của xe để cải thiện hiệu suất. Nếu có máu “độ đẽo”, bạn hoàn toàn có thể bị cuốn vào cuộc chơi tốn kém nhằm khiến xe đẹp hơn, phát nhạc hay hơn, hay lái đằm hơn. Chúng ta còn bị thu hút bởi công nghệ hiện đại, từ những thiết bị điện tử tinh vi bổ sung tính năng cho xe, đến vô số thủ thuật mod động cơ hiệu suất cao được rao bán đầy rẫy trên thị trường.
Nhưng những thứ đó có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không? Tùy thuộc vào mục đích của bạn, có thể có, có thể không. Nhưng hãy nhớ rằng một số sản phẩm được tung ra thị trường chỉ để bòn tiền từ người tiêu dùng thiếu kiến thức và làm giàu cho nhà sản xuất. Rất khó để đưa ra quyết định nên tiêu tiền vào đâu, nhưng dưới đây là danh sách một số sản phẩm công nghệ xe hơi khiến bạn phí tiền vô ích. Hãy tham khảo nhé!
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Bộ tăng áp động cơ chạy điện

Bộ tăng áp động cơ là một trong những phát minh lớn nhất của ngành công nghiệp xe hơi trong vài thập kỷ qua. Tăng áp là giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu, trong khi vẫn đảm bảo duy trì hiệu suất tối ưu cho xe con và xe tải thuộc đủ mọi kích cỡ. Từ lâu, bộ tăng áp đã là linh kiện phải có để tăng hiệu suất động cơ, khi mà có giá thành chấp nhận được, lại không đòi hỏi người dùng phải tinh chỉnh quá nhiều động cơ nguyên bản của xe.
Nói giá “chấp nhận được” không đồng nghĩa “giá rẻ”. Những bộ tăng áp chất lượng có thể lên đến hàng trăm đô (đôi lúc là hàng ngàn đô), chưa tính các linh kiện liên quan cùng công lắp đặt sẽ khiến bạn mất vài trăm đô nữa. Dù vẫn rẻ hơn so với việc thay hoặc “chế cháo” lại động cơ bằng các linh kiện hiệu suất cao, nhưng nói bộ tăng áp là lựa chọn thay thế giá rẻ thì sai, quá sai!
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những bộ tăng áp giá rẻ, ví dụ như bộ tăng áp chạy điện, có tác dụng tăng cường khí hút vào thông qua một chiếc quạt điện nối vào hệ thống nguồn 12V của xe. Loại sản phẩm này có thể ví như rác! Vì sao vậy? Công nghệ tương tự từ Ferrari và Mercedes sử dụng hệ thống điện 48V siêu mạnh mới có thể phát huy hiệu quả, còn chẳng có chiếc quạt 12V nào sản sinh đủ lực để tăng hiệu suất động cơ cho bạn cả. Thật sự phí tiền.
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Đuôi gió

Đuôi gió là thành phần không thể thiếu trên xe đua, với mục đích cải thiện khả năng điều khiển và bám đường của xe. Không như cánh máy bay, luồng gió trôi trên đuôi gió sẽ làm tăng áp lực lên phần sau của xe, nhằm giữ hai bánh sau bám chặt xuống đường hơn. Đuôi gió cũng phổ biến trên các mẫu xe thể thao và sedan hiệu suất cao. Một số mẫu đuôi gió được thiết kế đúng chuẩn nhằm phục vụ chức năng riêng, như đuôi gió khá lớn của chiếc McLaren Senna. Nhưng không phải đuôi gió nào cũng được việc.
Đuôi gió trên các mẫu xe đua và McLarens rất khác biệt so với đuôi gió trên các mẫu xe thông dụng, như Accord chẳng hạn. Chúng được kiểm định kỹ càng và được gia công cực kỳ chính xác để đảm đương đúng chức năng định trước. Nhiều nhà sản xuất khác có thể thiết kế ra những đuôi gió tương tự cho các mẫu xe thể thao hiệu suất tốt nhất của họ, nhưng hầu hết chúng đều thuần túy để trang trí.
Hơn nữa, hàng chục nhà sản xuất phụ tùng trên thị trường cũng tung ra vô số mẫu đuôi gió cho gần như tất cả các mẫu xe hiện nay. Tuy nhiên, những loại đuôi gió này mang lại rất ít tác dụng. Với tốc độ dưới 100km/h, hầu hết các loại đuôi gió không phát huy hiệu quả, kể cả trên những mẫu siêu xe. Chưa kể việc lắp đặt đuôi gió sai cách sẽ tạo ra nhiều lực cản lên xe, thay vì lực hướng xuống. Do đó, chiếc đuôi gió bạn vừa mua có lẽ là một sự lãng phí to lớn. Dù sao thì lắp vào trông xe cũng ngầu thêm một chút!
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Bugi hiệu suất cao

Nếu không có bugi, sẽ không có động cơ xăng. Chúng là linh kiện giúp đánh lửa để đốt nhiên liệu, biến nhiên liệu lỏng thành năng lượng. Công nghệ đi cùng với bugi đã xuất hiện từ hơn 120 năm trước. Thời trước, bugi thường dễ hỏng và phải định kỳ thay thế. Ngày nay, chu kỳ thay bugi được khuyến nghị đối với hầu hết các mẫu xe là khoảng 160.000km hoặc hơn.
Bugi ngày nay không quá khác biệt so với bugi dùng bởi Karl Benz trong chiếc Motorwagen của ông vào năm 1885, nhưng vật liệu chế tạo thì đã thay đổi đáng kể. Những cải tiến trong ngành luyện kim cho phép các nhà sản xuất chuyển từ sử dụng nickel sang platinum, iridium, và gần đây nhất là ruthenium, tăng đáng kể độ bền và hiệu suất của bugi hiện đại.
Dẫu vậy, trên thị trường vẫn có rất nhiều lựa chọn bugi với đủ các mức giá và hiệu suất mang lại. Nhưng liệu có nên bỏ tiền ra mua những mẫu bugi cao cấp hay không? Trên thực tế, bugi đời mới chủ yếu có tuổi thọ dài hơn. Các hệ thống máy tính trên xe hơi ngày nay có khả năng tối ưu hiệu suất thông qua nhiều phương thức. Do đó, những chiếc bugi bóng loáng nhiều khả năng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào ngoại trừ với những động cơ hiệu suất siêu cao, như động cơ xe đua và siêu xe. Trừ khi bạn đang lái một chiếc McLaren, sắm bugi xịn chỉ phí tiền mà thôi.
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Bầu hút gió dành cho bộ nạp ngắn (SRI) và Bầu hút khí lạnh (CAI)

Đầu tiên, bạn cần phân biệt giữa SRI và CAI. Chúng đều giúp đưa gió vào động cơ, nhưng CAI thường lấy gió từ bên ngoài khoang động cơ, trong khi SRI đưa gió vào động cơ theo con đường ngắn nhất có thể. CAI có thể có nhiều ưu điểm hơn SRI. Dẫu vậy, xe hơi hiện đại đều được thiết kế tinh vi và đã được thử nghiệm kỹ càng để đạt hiệu quả vận hành tối đa. Bạn nghĩ một nhà sản xuất phụ kiện lạ hoắc nào đó có thể làm tốt hơn cả một tập đoàn xe hơi quy mô toàn cầu sao? Ngoài ra, “độ đẽo” động cơ có khả năng khiến bạn không thể đăng kiểm xe về sau.
Quay lại với sự khác biệt giữa SRI và CAI. Cả hai đều giúp cải thiện hiệu suất của xe, nhưng không quá 3%. Như đã nói ở trên, CAI cho kết quả tốt hơn xét về tổng thể, nhưng không sản phẩm nào mang lại sự khác biệt đáng kể. Xét giá thành của chúng có thể lên đến hàng trăm đô, thay đổi dễ nhận thấy nhất sau khi lắp đặt có lẽ là…tiếng ồn động cơ có phần khác biệt. Nếu đó là thứ bạn muốn thì không có gì phải bàn - nhưng nếu bạn mong chờ chiếc xe của mình trở nên mạnh mẽ hơn, thì xin chia buồn, bạn đang phí tiền đấy.
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Hiệu ứng gầm

Những phụ tùng được lắp thêm nhằm giúp xe sát mặt đường hơn và cải thiện lực bám được gọi chung là “hiệu ứng gầm”. Một số phụ tùng như vậy xuất hiện trên các mẫu xe đua, và có tác dụng giảm thiệu tình trạng bồng bềnh, đặc biệt ở tốc độ cao. Chúng được chế tạo tinh xảo, trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển kỹ càng để đảm bảo chống chịu được ngoại lực khắc nghiệt trên trường đua. Công nghệ này cũng hiện diện trên xe hơi thông thường, đặc biệt là các phiên bản thể thao và hiệu suất cao của các mẫu xe phổ biến. Những loại hiệu ứng gầm như tấm giảm lực cản gió phía trước, body kits… có thể lắp đặt trên nhiều mẫu xe thuộc mọi hãng sản xuất. Nhưng lại câu hỏi cũ: chúng có đáng tiền không?
Đối với những mẫu xe hiệu suất cao thực thụ, được chế tạo bởi các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ thiết kế máy tính (CAD) tiên tiến và trải qua quá trình thử nghiệm hầm gió, đuôi gió có lẽ là thứ mang lại tác động tích cực nhất lên trải nghiệm lái. Sợi thủy tinh và polyurethane phụ tùng có thể không mang lại kết quả như nhau. Những bộ body kit giá rẻ dành cho các mẫu xe phổ biến thì chẳng có tác dụng gì trừ việc làm gầm xe thấp đi, khiến bạn có khả năng trả giá khi đi qua những đoạn đường gồ ghề ở tốc độ cao. Một số khiến xe trông hầm hố hơn hẳn, nhưng hầu hết chẳng đáng với số tiền bỏ ra.
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Đèn pha HID

Đèn phóng điện cường độ cao (HID) bắt đầu xuất hiện vào thập niên 1990, với cơ chế phóng điện qua khí xenon để tạo ra ánh sáng. Chúng cực mạnh và có độ sáng cao. Một số mẫu xe mới thậm chí được trang bị đèn pha LED, hiệu quả hơn xenon, và sử dụng ít năng lượng hơn. Có thật vậy không?
ConsumerReports đã thực hiện một bài test để xem loại đèn nào cho ánh sáng tốt hơn, được đo theo đơn vị lumens. Bài test có sự tham gia của nhiều mẫu xe, và tính đến nhiều yếu tố khác bao gồm thiết kế tổng thể và khả năng chiếu sáng đoạn đường phía trước của chúng. Trong top 10, 5 xe sử dụng đèn halogen tia ngắn, và 8 xe sử dụng halogen tia dài. Dù đèn HID phát sáng ấn tượng, đèn halogen tiêu chuẩn cũng không kém là bao khi xét về khả năng chiếu sáng đoạn đường trước mặt.
Những công nghệ phí tiền trên xe hơi

Nam châm hít nhiên liệu

Trong số khá nhiều sản phẩm tuyên bố hùng hồn giúp bạn tiết kiệm nhiên liệu, chúng ta có nam châm hít nhiên liệu. Chúng là loại sản phẩm “thần kỳ”, gắn vào đường ống nhiên liệu của xe mà không cần bóc tách bất kỳ phần nào trong hệ thống nhiên liệu, và lắp đặt cũng cực kỳ dễ dàng. Theo nhà sản xuất, chúng sử dụng từ tính để tái tổ chức các phân tử nhiên liệu, cụ thể là “bẻ gãy các phân tử nhiên liệu để đốt hiệu quả hơn”.
Hóa ra, đó chỉ là trò bịp bợm, và chẳng có sự thay đổi nào diễn ra. Nhiên liệu không có từ tính, do đó các phân tử nhiên liệu không thể bị ảnh hưởng bởi nam châm. Chưa hết, đường ống nhiên liệu làm bằng kim loại, do đó lực từ tính chỉ tác động lên đường ống này mà thôi. Một sản phẩm phí tiền!
Tham khảo: SlashGear

>> Lý do Lamborghini tuyên bố không bao giờ sản xuất xe số sàn nữa

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top