Những cú "hụt chân" bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021

Năm 2021 đã trôi qua, và mọi thứ dường như không đúng như tất cả chúng ta trông chờ. Một năm ngập tràn hi vọng, chắc chắn là tốt hơn năm 2020. Tuy nhiên, 2021 vẫn chưa đạt được tiềm năng của nó. Dịch bệnh COVID tiếp tục hoành hành trên toàn cầu mặc cho vắc-xin đã bắt đầu được phổ cập rộng rãi. Hàng loạt công ty trong ngành công nghệ cũng gặp khó khăn với mảng phần cứng, phần mềm, và một số hoạt động kinh doanh khác.
Dưới đây là những cú "hụt chân" bẽ bàng nhất trong làng smartphone năm 2021 - có thể gọi đây là giải "Mâm xôi vàng" của thế giới smartphone cũng được!
LG cay đắng rời cuộc chơi
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
Trước khoản thua lỗ khổng lồ trong suốt nhiều năm trời của bộ phận di động (4,5 tỷ USD!), hồi đầu tháng 4, LG đã chính thức công bố rút khỏi thị trường smartphone kể từ ngày 31/7. Đây là điều ai cũng đã đoán trước, LG đơn giản chỉ tìm cách níu kéo thêm một chút nữa mà thôi. Công ty Hàn Quốc giải thích rằng sẽ tập trung vào các bộ phận kinh doanh còn lại, bao gồm TV, smarthome...
Tham vọng di động của LG hình thành từ thập niên 1990. Họ đã ghi điểm trong lòng công chúng với những mẫu feature phone phổ biến như ENv và Chocolate, sau đó bước chân vào lĩnh vực smartphone với những thiết bị nổi tiếng như series G và Nexus 4.
Nếu có một thứ khiến mọi người nhớ đến LG, thì đó là tinh thần sẵn sàng nắm lấy mọi cơ hội khi có thể. LG luôn tìm cách mở ra con đường riêng cho mình, mặc cho sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ đồng hương Samsung. Cứ nhìn vào những mẫu smartphone đặc biệt như LG G5 với thiết kế mô-đun, V20 màn hình kép, hay LG Wing màn hình xoay, bạn sẽ thấy bằng chứng cho tham vọng này.
Ấy vậy nhưng nỗ lực thôi là chưa đủ, và chúng ta đã phải nói lời từ biệt với LG, đồng thời trao cho họ danh hiệu cú "hụt chân" đáng tiếc nhất của năm 2021.
Microsoft Surface Duo lần thứ hai liên tiếp đoạt giải "Mâm xôi vàng"
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
Phải có một điều gì đó đặc biệt mới khiến một công ty lọt vào danh sách những cú "hụt chân" bẽ bàng trong làng smartphone hai năm liên tiếp - và Microsoft chính là cái tên đạt được "kỳ tích" đó.
Chiếc Surface Duo đời đầu, một mẫu điện thoại gập màn hình kép, là một thảm họa không thể biện minh. Phần cứng thiếu nhiều tính năng quan trọng, phần mềm thậm chí còn tệ hơn. Chưa kể là đến tận tháng 12/2021, chiếc điện thoại này vẫn chưa được cập nhật lên Android 11, mặc dù cả máy lẫn hệ điều hành đều đã có mặt trên thị trường được hơn một năm trời.
Microsoft tìm cách sửa sai với Surface Duo 2, nhưng tiếp tục nhận trái đắng. Họ đã nâng cấp phần cứng đúng như kỳ vọng, cùng với hàng loạt cải tiến đáng chú ý về phần mềm. Không có gì để phàn nàn cả. Tuy nhiên điểm yếu của máy lại nằm ở yếu tố lẽ ra phải khiến nó độc đáo và lôi cuốn người dùng: màn hình kép. Hai tấm nền 5.3-inch kết hợp với nhau tạo nên một màn hình lớn 8.3-inch, phục vụ tối đa các tín đồ của công việc.
Vấn đề là khoảng hở quá lớn giữa hai nửa điện thoại vô tình khiến ý tưởng của Microsoft trở nên kém duyên. Rất ít ứng dụng được cập nhật để thực sự hỗ trợ kích cỡ màn hình lớn. Và vì bao gồm hai màn hình độc lập, nên mọi thứ đều mặc định chạy ở chế độ màn hình đơn, khiến cảm giác sử dụng trở nên gò bó. Nói cách khác, không có lý do chính đáng nào để sử dụng Surface Duo 2 cả.
Kết hợp với mức giá cao ngất ngưởng 1.499 USD và phụ phí 129 USD nếu mua thêm bút cảm ứng từ Microsoft, Surface Duo 2 đơn giản không có cửa trước Samsung Galaxy Z Fold 3.
Samsung nghĩ gì khi tìm cách thay thế Note thành Fold?
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
Series Galaxy Note luôn là một trong những sản phẩm tâm điểm của hãng điện tử Hàn Quốc qua từng năm. Các fan của mẫu điện thoại màn hình lớn, kèm bút cảm ứng, đều trông chờ để được nâng cấp thiết bị yêu thích của họ lên phiên bản mới hơn, cao cấp hơn. Điều đó đã không xảy ra trong năm 2021.
Thành thực mà nói, Samsung đã "gợi ý" trước về tình huống này trong gần một năm trời, rằng họ có thể đặt dấu chấm hết cho Galaxy Note. Thường được công bố vào tháng 8 hoặc tháng 9, năm nay chúng ta không hề thấy bóng dáng quen thuộc của series Galaxy Note, và lý do thì đã quá rõ ràng: Samsung đã dồn toàn lực vào dòng sản phẩm màn hình gập đang hot hiện nay.
Theo đó, công ty giới thiệu Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3 trong sự chào đón hân hoan của người hâm mộ. Ở thế hệ thứ 3 này, Fold và Flip đã cho thấy sự trưởng thành về cấu hình lẫn hiệu năng. Quan trọng hơn cả, Z Fold 3 hỗ trợ bút S-Pen và các tính năng độc quyền của dòng Note. Ví dụ như Air Command, các mẫu ghi chú, và công cụ tốc ký từ Note sang. Những sự bổ sung này khiến Z Fold 3, với màn hình trong cỡ lớn, trở thành một sự thay thế tự nhiên cho Note - mặc cho bản thân máy không có không gian để chứa S-Pen.
Điều còn lại cần xem xét là Samsung sẽ đưa Fold và Note đến đâu trong tương lai? Liệu Note có tái xuất? Hay nó đã thực sự chết và bị thay thế bởi Fold? Dù sao đi nữa, sự vắng bóng của Note 21 vẫn được xem là một trong những cú "hụt chân" đáng tiếc nhất năm 2021, ít nhất là trong lòng người hâm mộ Android.
Lời bội ước của Nokia
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
HMD Global, nhà sản xuất các điện thoại mang nhãn hiệu Android, khiến các fan phát cáu khi công bố hàng loạt tin xấu thời gian gần đây, góp phần đưa họ vào danh sách "Mâm xôi vàng" này. Nổi bật nhất là khi công ty này cho biết không thể cập nhật mẫu flagship đầu năm 2019, Nokia 9 PureView, lên Android 11 như đã từng thề thốt. Điều đó khiến thiết bị này mắc kẹt ở Android 10, và nguy hiểm hơn nữa là khiến niềm tin của công chúng với HMD Global rạn vỡ.
Điều gì đã xảy ra? Kể từ năm 2016, HMD Global gần như đã giữ vững được những tinh hoa của nhãn hiệu Nokia. Họ tung ra một loạt điện thoại Android giá tốt, tầm trung và cao cấp, thu hút được một lượng lớn người tiêu dùng trên toàn cầu. HMD Global còn đảm bảo cập nhật phần mềm kịp thời cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang thay đổi, nhưng theo chiều hướng tiêu cực.
Android 11 đã khiến HMD Global đi vào vòng luẩn quẩn. Công ty này khá chậm chạp trong việc cập nhật mẫu flagship Nokia 8.3 5G, và với các mẫu điện thoại tầm thấp hơn, tình hình càng tệ hơn.
Riêng về Nokia 9 PureView, HMD Global nói rằng "sự không tương thích giữa camera và phần mềm có thể dẫn đến trải nghiệm không tốt, không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của chúng tôi". Tiếp đó, họ "tát" thêm một cú vào mặt những người đang sở hữu 9 PureView khi nói sẽ giảm 50% giá bán mẫu Nokia XR20 mới hơn nếu khách hàng chọn mua. XR20 là một chiếc điện thoại đẹp và tốt, nhưng chắc chắn không cùng đẳng cấp về phần cứng như 9 PureView.
Tóm lại, HMD Global đang trượt dốc, và đáy ở đâu thì không ai biết được. Họ rõ ràng cần một hướng đi tốt hơn trong năm 2022.
Google và trò đùa củ sạc
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
Thành thực mà nói, không ai muốn thấy Google lọt vào danh sách này, nhưng họ vẫn có mặt. Điều gì đã khiến gã khổng lồ tìm kiếm thần thánh "hụt chân"? Tốc độ sạc của các điện thoại flagship Pixel 6.
Khi Google công bố Pixel 6 Pro và Pixel 6, họ đã tự hào tuyên bố hỗ trợ giao thức sạc USB PD PPS. Chưa hết, họ còn khuyến khích người dùng sử dụng củ sạc USB-C 30W mới nhất của mình (vốn được bán riêng, không kèm máy) để đạt tốc độ sạc nhanh nhất. Dựa trên cách diễn đạt của Google, có thể tin rằng dòng Pixel 6 sẽ sạc ở 30W. Không may là các bài test cho thấy tốc độ sạc tối đa của chúng chỉ dừng ở 22W, và tốc độ trung bình còn thấp hơn, chỉ 13W mà thôi.
Google không hề nói dối, về mặt kỹ thuật là vậy, bởi họ chưa bao giờ thực sự nói rằng điện thoại của mình sẽ sạc ở 30W, dù nhấn mạnh rằng chúng hỗ trợ 30W. Công ty sau đó đã xác nhận kết quả các bài test và thừa nhận rằng dòng Pixel 6 đúng là không sạc ở 30W kể cả khi sử dụng củ sạc 30W.
Dối trá hay không, mọi chuyện cũng khiến người tiêu dùng phẫn nộ, và đó là lý do chúng ta có Google trong danh sách.
OnePlus bỏ lỡ cơ hội sau khi về lại vòng tay OPPO
Những cú hụt chân bẽ bàng trong làng smartphone năm 2021
OnePlus là một nhãn hiệu không ổn định. Giống như một chú sâu bướm, nó sẽ dần chuyển mình nhờ bộ gene có sẵn. Tuy nhiên, kết quả đáng buồn thay lại không phải là một chú bướm xinh đẹp, mà là một chú ngài. Nói vậy không có nghĩa chúng ta chê bôi chú ngài. Nhưng OnePlus có tiềm năng để trở thành một thứ tuyệt vời hơn nhiều, ấy vậy mà họ lại an vị ở mức thường thường bậc trung.
Khởi đầu là một nhãn hiệu hướng đến những người đam mê cái mới, OnePlus sở hữu một đội ngũ marketing thông minh và dựa vào sự khôn khéo để thu hút được một lượng fan đáng kể, đưa họ tách biệt khỏi công ty mẹ Oppo (vốn thuộc BBK). Đến cuối năm 2021, người dùng bất ngờ khi biết quãng thời gian "ra riêng" của OnePlus sắp kết thúc.
Trước đó, vào tháng 7, công ty này từng công bố sẽ sáp nhập bộ phận nghiên cứu phần cứng về Oppo, hứa hẹn những mẫu điện thoại OnePlus và Oppo có phần tương đồng hơn trong tương lai. Chưa hết, công ty còn gom cả các nhóm phát triển phần mềm với công ty mẹ. Dù hệ điều hành Oxygen OS được ưa chuộng của OnePlus vẫn sẽ xuất hiện trên các điện thoại OnePlus ngoài thị trường Trung Quốc, các điện thoại OnePlus bán tại Trung Quốc sẽ chạy Color OS của Oppo. Mã nguồn giữa hai nền tảng này sẽ được chia sẻ với nhau, khiến phần mềm của OnePlus khó có cơ hội để tỏa sáng hơn.
Nếu tình hình chưa đủ tệ, thì chiến lược phần cứng của OnePlus cũng đã thay đổi. Công ty này từng tung ra một thiết bị flagship mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, họ dần biến nhãn hiệu của mình thành cái tên tầm trung khi sử dụng phần cứng giá rẻ của BBK, chỉ đổi tên mà thôi. Động thái này càng khiến các fan lâu năm của OnePlus nản lòng và dứt áo ra đi.
OnePlus nói rằng mẫu smartphone flagship 2022 của họ sẽ sớm ra mắt. Khi đó, chúng ta sẽ biết công ty đã hóa thân thành chú ngài đến mức nào!
Tham khảo: AndroidAuthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top