VNR Content
Pearl
Nhớ đủ mọi thứ
Emily Nash (18 tuổi) từ Ottawa, Canada vừa được công nhận là một trong những người trẻ nhất trên thế giới có siêu trí nhớ, hay còn gọi là "hội chứng trí nhớ siêu phàm" (HSAM). Emily là người Canada đầu tiên được ghi nhận sở hữu HSAM.Đối với hầu hết mọi người, ký ức sẽ phai nhạt theo thời gian. Nếu ai đó yêu cầu bạn kể lại những gì đã xảy ra vào một ngày đã qua, chắc hẳn bạn thường sẽ phải mất thời gian ngẫm lại.
Nhưng nếu được hỏi, Emily sẽ phản hồi chính xác chỉ trong vài giây. Chẳng hạn với ngày 21-10-2021, Emily nhớ ngay vụ ngộ sát trên phim trường Rust của Alec Baldwin. Emily chắc chắn luôn đó là thứ năm.
Còn ngày 4-3-2019 thì sao? Emily nhớ đến ngày diễn viên Luke Perry qua đời. Cô kể buổi trưa hôm ấy, trên đường mẹ đưa cô về nhà ăn trưa, radio đã phát bản tin này.
Gia đình Emily đã phát hiện ra khả năng ghi nhớ kỳ lạ của Emily khi còn nhỏ. Ông Jason Nash, cha cô, kể chỉ cần cho Emily xem qua một loạt quả bóng bowling nhiều màu trong 10 giây, cô có thể kể lại đúng màu và thứ tự.
Còn bà Julie Farnworth, mẹ cô, nhớ lúc Emily 5 tuổi, sau khi xem phim hoạt hình, cô lặp lại được bất kỳ đoạn hội thoại giữa các nhân vật.
Ở tuổi 18, Emily được các nhà khoa học tại Đại học Northwestern, Chicago và Đại học bang Texas kiểm tra. Họ đưa cho Emily danh sách những ngày ngẫu nhiên và yêu cầu Emily kể về những trải nghiệm của mình. Kết quả, Emily chính xác 100%.
Đi tìm lời giải trí nhớ siêu phàm
Các nhà khoa học chỉ bắt đầu nghiên cứu HSAM từ năm 2006. Các nghiên cứu khẳng định khả năng ghi nhớ của những người này hoàn toàn không liên quan đến chỉ số IQ, và khác hẳn với "siêu trí nhớ" do tập luyện hay dùng thủ thuật.
Những người mắc HSAM đơn giản có khả năng ghi nhớ phi thường. Với những người mắc HSAM, ký ức của họ không nhạt đi theo thời gian như với đa số mọi người.
"Có thể hiểu rằng họ không phải đang cố ghi nhớ, chỉ đơn giản là họ không quên", nhà tâm lý học Carmen Westerberg từ Đại học bang Texas nói.
Chẳng hạn, họ cứ nhớ hoài một sự tiêu cực đã xảy ra với họ trong quá khứ, trong khi người bình thường có thể dần quên đi theo thời gian. Đó là lý do mà nhiều người mắc HSAM cũng đồng thời mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Northwestern đã dán các cảm biến vào đầu và ngực của Emily để nghiên cứu giấc ngủ của cô. Emily nằm trong dự án so sánh giấc ngủ của 12 người lớn mắc HSAM với 24 người bình thường.
Sau khi phân tích biểu đồ sóng não, nhóm nhận thấy những người mắc HSAM thường ghi nhận số lượng cơn buồn ngủ gấp đôi so với những người có trí nhớ bình thường.
Nghiên cứu của nhóm đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ được công bố đầy đủ cuối năm 2024.
>>> Nền văn minh cổ đại cách đây 7.000 năm tại Ukraine, ẩn chứa nhiều bí mật về tâm linh