Nỗi đau của nhà đầu tư khi 4.300 tỉ đồng vốn ảo “chui lọt lỗ kim”

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 31.8 khép lại với sắc xanh mang lại sự hài lòng chung cho nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ lễ 4 ngày. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư, những người có cổ phiếu ROS của FLC Faros trong tài khoản, vẫn đang hứng chịu nỗi đau khi mã chứng khoán này bị hủy niêm yết. 1. Hơn 567 triệu cổ phiếu ROS trước đó liên tục rớt giá. Cho đến thời điểm mã cổ phiếu này bị công bố hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), lệnh bán chất đống, những người nắm giữ mã cổ phiếu này không còn lối thoát, vì chẳng ai dại gì mua vào mã chứng khoán này. Hơn thế nữa, những tưởng sau khi bị hủy niêm yết trên HSX mã ROS sẽ được giao dịch trên sàn UpCom. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đến, và cơ hội thoát hàng của nhiều người nắm giữ ROS vẫn còn xa xôi. ROS bị hủy niêm yết với lý do được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM nêu ra là vì FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, chưa công bố hàng loạt dữ liệu tài chính như báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I và II/2022, chưa có người đại diện theo pháp luật... Đó là lý do được cơ quan quản lý ngành đưa ra. Song vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn, cơ quan điều tra đã xác định Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch HĐQT của tập đoàn FLC, cùng một số người, trước đó từ năm 2014-2016 đã nhiều lần làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống tại FLC Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Sau đó, Trịnh Văn Quyết đã bán ra cổ phiếu và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Chính vì thế, Quyết và một số người bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 2. Sau khi Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bổ sung thêm tội danh trên, dư luận lập tức thể hiện sự bức xúc, đặt vấn đề vì sao việc nâng khống vốn lên gấp vài ngàn lần mà hoàn toàn qua mặt được các cơ quan quản lý. Và cũng ngay lập tức, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có phản hồi rất nhanh chóng cho rằng, FLC Faros nâng vốn khống/vốn ảo trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, và như thế trách nhiệm nghiễm nhiên được đẩy về cơ quan quản lý cấp phép cho Trịnh Văn Quyết nâng vốn FLC Faros. Nhưng vụ việc, có đơn giản theo thông tin phản hồi như vậy từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay không? Rất đơn giản với một câu hỏi đặt ra là, giả thiết Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn trước khi niêm yết 430 cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán, thì khoảng thời gian “trước khi” đó được xác định cụ thể ra sao. Và theo quy định, phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá để phát hiện hàng ngàn tỉ đồng vốn khống đã “chui lọt lỗ kim” hay không? Sự phân tách ở đây rất cần được làm rõ, để xác định Trịnh Văn Quyết nâng vốn khống tới thời điểm nào thì mới chuyển tiền vào tài khoản. 3. Về phía cơ quan quản lý việc cấp phép cho doanh nghiệp nâng vốn, cụ thể ở đây là trường hợp FLC Faros, có thể khẳng định ngay là không chỉ lỏng lẻo, mà chính xác hơn là thả cửa, không có sự quản lý, kiểm soát. Doanh nghiệp xin tăng vốn thì cứ cấp phép, không quan tâm việc doanh nghiệp có thực chuyển tiền vào tài khoản đăng ký vốn hay không. Đáng nói là, FLC Faros nhiều lần tăng vốn khống chứ không chỉ một lần. Có dư luận cho rằng ở đây có kẽ hở. Xin thưa không có kẽ hở nào cả. Có chăng, đó là sự buông lỏng trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan chuyên ngành quản lý trực tiếp lĩnh vực. Không chỉ nâng vốn ảo, vốn khống mà sau khi ROS lên sàn còn được Trịnh Văn Quyết “thổi giá”, đưa thị giá của mã chứng khoán này có lúc lên mức 214.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi rời khỏi chức Chủ tịch HĐQT của FLC Faros, Trịnh Văn Quyết đã từng bước bán dần tổng cộng hơn 250 triệu cổ phiếu ROS. Có thể thấy, lộ trình của FLC Faros và mã cổ phiếu ROS là một thương vụ thu lợi bất chính đã được Trịnh Văn Quyết tính toán trước một cách có lớp lang để thu về món lợi khủng trong vòng vài năm. Thế nhưng suốt vài năm đó, hành vi phạm pháp này của Trịnh Văn Quyết không hề bị phát hiện. Thậm chí, dư luận những năm qua từng nhiều lần đặt vấn đề nhờ đâu Trịnh Văn Quyết có thể giàu nhanh một cách khó lý giải đến như vậy. Và giờ thì ra vậy… Không ai có thể giàu lên một cách quá nhanh và dễ dàng bằng việc đầu tư và kinh doanh chân chính. Hay nói ngược lại, đầu tư và kinh doanh chân chính rất khó giàu nhanh chóng vánh như Trịnh Văn Quyết. Nhưng sự giàu nhanh chóng vánh của Trịnh Văn Quyết rõ ràng là có trách nhiệm của cơ quan quản lý. Và đây chính là tâm điểm cần được làm rõ. Không thể để gần 4.300 tỉ đồng vốn khống “chui lọt lỗ kim” nhưng lại không một ai chịu trách nhiệm. Trong khi nhà đầu tư thì phải ôm mãi nỗi đau bị lừa thiệt đơn, thiệt kép. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top