PC-Covid, nhiệm vụ hợp nhất và sứ mệnh siêu ứng dụng

Trung tuần tháng 9.2021, vấn đề sử dụng một ứng dụng phòng chống dịch hợp nhất được nêu ra. Đến cuối tháng, app PC-Covid xuất hiện trên hai kho ứng dụng App Store và Google Play, với nhiệm vụ hợp nhất bước đầu dần được giải quyết…

Nhiệm vụ hợp nhất đầy khẩn trương

Một số báo, trang mạng khi đề cập đến hiện trạng tại Việt Nam có quá nhiều ứng dụng tiện ích phòng chống dịch COVID-19 đã dùng cụm từ “ma trận” có hơi hướng tiêu cực. Tôi hoàn toàn không đồng tình với cách dùng chữ như vậy. Thậm chí theo tôi, đó là cách dùng từ thiếu cái tâm. Các ứng dụng đó, cho dù được phát triển từ ngân sách nhà nước hay từ sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức xã hội thông qua tinh thần, phương châm xã hội hóa thì ít nhiều cũng đã giúp giải quyết được vấn đề, thậm chí đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết về giải pháp công nghệ góp phần phòng chống dịch tại thời điểm đó. Nếu chúng ta đặt vấn đề trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 chưa bao giờ xảy ra tại Việt Nam, và đợt bùng phát dịch thứ tư trong cộng đồng, sẽ thấy càng đáng quý trước sự phản ứng nhanh của không ít doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trong việc “xắn tay áo” phát triển các ứng dụng để giúp dân, giúp xã hội, và tất nhiên trong đó một số ứng dụng được phát triển với nhiệm vụ trước tiên và hàng đầu là giải quyết bài toán hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cứ nhìn vào số lượng người dùng một số ứng dụng phòng chống dịch lên đến con số hàng chục triệu lượt tải sẽ thấy, nhu cầu thiết thực từ phía người dùng được đáp ứng như thế nào thì lượng người dùng mới lớn đến thế Tuy nhiên khi yêu cầu về nhiệm vụ cần giải quyết, đáp ứng cấp thời đã qua đi, thực tế lại đặt ra bài toán mới là cần hợp nhất hàng chục ứng dụng phòng chống dịch vào một, các tiện ích cũng cần tập trung về một mối, người dùng không cần phải tải về và sử dụng quá nhiều ứng dụng mà thay vào đó chỉ cần tải về và sử dụng một, hai ứng dụng là đủ. Nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới, việc hợp nhất các ứng dụng phòng chống dịch không chỉ cần thiết mà còn là tất yếu. Trung tuần tháng 9 vấn đề hợp nhất một ứng dụng được đặt ra, cuối tháng ứng dụng PC-Covid xuất hiện trên hai kho App Store và Google Play cho người dùng tải xuống và kích hoạt sử dụng. Cho dù tính năng của ứng dụng hợp nhất còn khá đơn giản nhưng cũng đã giúp giải quyết một số nhiệm vụ chính là các tính năng Khai báo y tế, Khai báo di chuyển nội địa, Quản lý mã QR… Với hơn 10 ngày để tạo ra một app hợp nhất là PC-Covid, việc ứng dụng chưa thể đồng bộ dữ liệu hoàn toàn, hay còn mắc một số lỗi… là chuyện bình thường. PC-Covid có lẽ sẽ còn phải mất nhiều ngày nữa để hoàn thành nhiệm vụ hợp nhất của mình. Vì thế, những ngày tới nếu người dùng tiếp tục bị “ăn hành” trước tình trạng “quay mòng mòng”, khó truy cập, rất lâu mới cập nhật được thông tin… trên app PC-Covid thì cũng là chuyện hoàn toàn hiểu được.
PC-Covid, nhiệm vụ hợp nhất và sứ mệnh siêu ứng dụng

Nên phát triển theo hướng siêu ứng dụng xã hội

Hợp nhất về một ứng dụng tất cả các tính năng, tiện ích của những ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 khác đã có, dù phải mất nhiều thời gian hơn nữa thì đó cũng là bài toán không quá phức tạp về công nghệ. Vấn đề mấu chốt và rất quan trọng cần mở ra và nếu cởi mở được thì câu chuyện trở nên đơn giản. Đó là các bên nắm giữ những ứng dụng khác mở quyền cho phép đồng bộ dữ liệu về app PC-Covid. Song giả thiết, nếu vài tuần hay 1-2 tháng tới PC-Covid hoàn thành nhiệm vụ hợp nhất các ứng dụng, thì đó cũng không nên là đoạn kết của quá trình phát triển của PC-Covid. Tôi nghĩ rằng, khi PC-Covid được giao nhiệm vụ hợp nhất, cũng đồng nghĩa ứng dụng này đã gánh vác thêm sứ mệnh của một siêu ứng dụng. Vài năm trở lại đây, chúng ta được nghe không ít về các siêu ứng dụng trong lĩnh vực thương mại tại Việt Nam như Grab, Gojek, MoMo, Now, Zalo. Tuy nhiên nên xác định ngay rằng, hướng đi siêu ứng dụng mà PC-Covid nên hướng tới không phải là thương mại mà là một siêu ứng dụng thực thi sứ mệnh xã hội, từ công tác phòng chống dịch bệnh có thể mở rộng ra các tính năng cảnh báo, phòng chống thiên tai (nước Việt vốn rất hay xảy ra như bão lũ, lỡ đất, cháy rừng.v.v…); kéo theo đó sẽ là những tính năng, tiện ích về thiện nguyện, từ thiện xã hội; cung cấp các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan… Và trong lĩnh vực từ thiện, việc mở ra tính năng, tiện ích để tự mỗi người dân có thể kết nối với nhau, giúp người muốn cho đi cái cần cho và người nhận được thứ cần nhận, là rất quan trọng, thay vì cách làm phổ biến lâu nay là tập trung hàng cứu trợ về một đầu mối từ đó mới phân phối đi các nơi, dễ đẫn tới tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác từ thiện xã hội. Việc thiết kế một siêu ứng dụng xã hội cũng nên tiến hành theo hướng đó là một cỗ máy lớn, có độ sẵn sàng mở rộng để tiếp nhận, kết nối với các phân hệ, môđun được phát triển từ việc xã hội hóa với sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Trên thực tế, những nguồn lực để phát triển hàng chục ứng dụng phòng chống dịch trong thời gian qua hoàn toàn đủ sức, thậm chí thừa sức để tập trung vào phát triển một siêu ứng dụng xã hội. Trong đó, các tính năng phòng chống dịch bệnh, thiên tai bão lũ là hạt nhân, và xoay quanh chính là các vệ tinh, hay còn gọi là những môđun tiện ích thành phần. Và tất nhiên, công tác quản lý siêu ứng dụng đó phải tập trung về một đầu mối để bảo đảm sự vận hành thống nhất và bảo mật.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Muốn thành siêu ứng dụng thì PC-COVID khi đó phải tắt chức năng tiếp xúc gần đi. Nếu còn để, khi hết covid chắc chắn ứng dụng sẽ bị xoá, không ai muốn mình bị giám sát cả!
 

Gợi ý cộng đồng

Top