Phát hiện nguyên tố nặng nhất từng thấy trong bầu khí quyển 2 hành tinh có mưa sắt lỏng và đá quý

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Các nhà thiên văn học vừa tìm thấy một nguyên tố hóa học không ngờ tới trong bầu khí quyển của hai ngoại hành tinh đầy thú vị, nơi những cơn mưa sắt lỏng và đá quý đổ xuống mặt đất. Hai ngoại hành tinh này, vốn quay quanh những ngôi sao khác nhau nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta, đều là những hành tinh khí gas khổng lồ siêu nóng, với tên gọi lần lượt là WASP-76b và WASP-121b. Theo CNN, nhờ Kính thiên văn Siêu lớn của Đài quan sát Nam Âu, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra sự tồn tại của bari trong bầu khí quyển của hai ngoại hành tinh nêu trên. Bari là nguyên tố nặng nhất từng được phát hiện trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh. Và với việc tìm thấy bari trong khí quyển, WASP-76b và WASP-121b đã trở nên kỳ quặc hơn bao giờ hết. “Phần khó hiểu nhất là: tại sao một nguyên tố nặng như vậy lại hiện diện ở các lớp phía trên của bầu khí quyển các hành tinh này?” - theo tác giả nghiên cứu, Tomas Azevedo Silva, một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Porto, và là thành viên của Viện Vật lý thiên văn và Khoa học Vũ trụ Bồ Đào Nha. “Đây là một phát hiện tình cờ. Chúng tôi không nghĩ sẽ thấy hoặc có ý định tìm kiếm bari, và đã phải kiểm tra lại một lần nữa để chắc chắn rằng bari thực sự tồn tại ở đó, bởi nó chưa bao giờ được nhìn thấy ở bất kỳ ngoại hành tinh nào trước đây”
Phát hiện nguyên tố nặng nhất từng thấy trong bầu khí quyển 2 hành tinh có mưa sắt lỏng và đá quý
Cả hai ngoại hành tinh này đều có kích cỡ tương đương Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta, nhưng lại có nhiệt độ bề mặt nóng không tưởng, vượt mức 1.000 độ C. Nguyên nhân của nhiệt độ quá cao này xuất phát từ việc hai ngoại hành tinh nằm khá gần ngôi sao chủ của chúng và hoàn tất một vòng quay quanh các ngôi sao chủ trong vỏn vẹn 1 - 2 ngày. Lần đầu được phát hiện vào năm 2015, WASP-121b cách Trái đất khoảng 855 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này có bầu khí quyển chứa đầy hơi nước, và lực hấp dẫn cực mạnh của ngôi sao nó đang quay quanh đang dần khiến WASP-121b biến dạng thành hình giống một quả bóng bầu dục.
Phát hiện nguyên tố nặng nhất từng thấy trong bầu khí quyển 2 hành tinh có mưa sắt lỏng và đá quý
Hành tinh này cũng bị khóa thủy triều, có nghĩa là một mặt của nó luôn hướng về ngôi sao chủ, tương tự như cách mặt trăng luôn hướng một mặt về Trái đất vậy. Mặt ban ngày có nhiệt độ 2.227 độ C ở lớp sâu nhất của bầu khí quyển, và tăng dần lên mức 3.227 độ C ở lớp trên cùng. Các nhà khoa học phát hiện ra WASP-76b lần đầu vào năm 2016. Nó quay quanh một ngôi sao trong chòm Song ngư, cách Trái đất 640 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này cũng bị khóa thủy triều, do đó ở mặt ban ngày, tức mặt hướng về ngôi sao, nhiệt độ vượt mức 2.426 độ C. Nhiệt độ kinh hoàng của các ngoại hành tinh này mang lại cho chúng những đặc điểm khá bất thường, cùng với thời tiết không khác gì được miêu tả trong tiểu thuyết viễn tưởng. Các nhà khoa học cho rằng có các cơn mưa sắt lỏng rơi xuống từ bầu trời trên WASP-76b, trong khi nhiều đám mây kim loại và đá quý lỏng hình thành trên WASP-121b. Việc phát hiện ra bari trong bầu khí quyển tầng cao của các hành tinh nói trên là một sự ngạc nhiên đối với các nhà nghiên cứu. Nguyên tố này nặng hơn sắt 2 1/2 lần. “Xét trọng lực lớn của các hành tinh, chúng tôi cho rằng các nguyên tố nặng như bari sẽ nhanh chóng rơi xuống các lớp thấp hơn của bầu khí quyển” - theo đồng tác giả Olivier Demangeon, một nhà nghiên cứu sau tiến sỹ tại Đại học Porto và Viện Vật lý thiên văn và Khoa học Vũ trụ Bồ Đào Nha. Tìm thấy bari trong bầu khí quyển của cả hai ngoại hành tinh có thể là dấu hiệu khẳng định các hành tinh khí gas khổng lồ siêu nóng này có nhiều đặc điểm lạ thường hơn những gì các nhà khoa học vẫn nghĩ. Trên Trái đất, bari hiện ra trong bầu trời đêm với màu xanh lá cây rực rỡ khi bắn pháo hoa. Nhưng các nhà khoa học không chắc quy trình tự nhiên này dẫn đến việc nguyên tố khá nặng này xuất hiện ở những tầng cao trong khí quyển các hành tinh khí gas . Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một dụng cụ gọi là ESPRESSO (Echelle SPectrograph for Rocky Exoplanets and Stable Spectroscopic Observations), vốn được lắp đặt trong Kính thiên văn siêu lớn ở Chile, để nghiên cứu ánh sáng sao đi xuyên qua bầu khí quyển của từng hành tinh. “Là hành tinh khí gas và nóng, bầu khí quyển của chúng trở nên rất lớn” - Demangeon nói. “và do đó việc quan sát và nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn so với các hành tinh nhỏ hơn hoặc mát hơn” Các kính thiên văn trong tương lai sẽ cho phép chúng ta quan sát kỹ hơn những chi tiết trong các lớp khí quyển của các ngoại hành tinh, bao gồm các hành tinh đất đá như Trái đất, để mở ra những bí ẩn về các thế giới bất thường trong ngân hà. Tham khảo: CNN >> Thời gian có thực sự "dừng lại" khi tàu vũ trụ đạt tới vận tốc ánh sáng không?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top