Sau Covid-19, đại dịch tiếp theo con người có nguy cơ phải hứng chịu là cúm gia cầm

Hương Lan

Moderator
Giới khoa học đang ngày càng lo ngại về những lỗ hổng trong hệ thống giám sát cúm gia cầm, cảnh báo rằng thế giới có thể đang "chậm chân" trong cuộc đua với một đại dịch tiềm ẩn.

Sự lây lan của virus cúm A/H5N1 từ loài chim di cư sang 129 đàn bò sữa tại 12 bang của Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những biến đổi đáng lo ngại của virus này. Các chuyên gia cho rằng những thay đổi này có thể giúp virus dễ dàng lây truyền sang người hơn.

Giáo sư vi sinh vật học Scott Hensley tại Đại học Pennsylvania, ví von: "Nó giống như một đại dịch đang diễn ra chậm rãi. Hiện nay, mối đe dọa còn tương đối thấp, nhưng mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong nháy mắt, giống như những gì đã xảy ra với Covid-19."

1720578148974.png


Hệ thống giám sát bò sữa tại Mỹ hiện chỉ giới hạn ở việc xét nghiệm trước khi vận chuyển qua các bang, trong khi việc xét nghiệm giữa các khu vực lại thiếu đồng bộ. Công tác sàng lọc người tiếp xúc với gia súc cũng còn nhiều hạn chế.

Chuyên gia virus học Ron Fouchier tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, nhấn mạnh: "Chúng ta cần xác định rõ những trang trại nào có ca nhiễm, số lượng ca nhiễm, mức độ lây lan của virus, thời gian một con bò bị bệnh, và quan trọng nhất là con đường lây truyền chính xác."

Giới chuyên gia cũng chỉ trích sự chậm trễ trong việc công bố thông tin về các trang trại bị ảnh hưởng và sự thiếu đồng bộ trong phản ứng của các cơ quan y tế động vật và con người.

Mặc dù nguy cơ lây nhiễm H5N1 ở người hiện vẫn ở mức thấp và chưa có bằng chứng về sự lây lan trong cộng đồng, nhưng WHO cảnh báo các quốc gia cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu hành động. Mỹ và châu Âu đang tích trữ vaccine "dự phòng đại dịch" cho những nhóm có nguy cơ cao. Phần Lan là quốc gia tiên phong triển khai tiêm chủng cúm gia cầm cho người.

Tuy nhiên, việc mở rộng chương trình tiêm chủng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về năng lực sản xuất vaccine. Mỹ đang hợp tác với Moderna để phát triển vaccine dự phòng đại dịch sử dụng công nghệ mRNA, giúp rút ngắn thời gian sản xuất.

Giới chuyên gia kêu gọi hành động nhanh chóng nhưng phải thận trọng để tránh gây hoang mang trong cộng đồng. "Chúng tôi muốn đưa ra cảnh báo kịp thời, nhưng không muốn tạo cảm giác ngày tận thế sắp đến", Wendy Barclay, chuyên gia virus học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top