Sau drone, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm robot quân sự của thế giới

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Cuộc chiến tại Ukraine đã biến nước này thành địa điểm thử nghiệm quy mô lớn nhất trong lịch sử dành cho các loại phương tiện không người lái và tự hành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Dù việc triển khai các mẫu robot quân sự không còn là điều mới mẻ - từ Thế chiến II, nhiều cỗ máy chiến tranh điều khiển từ xa đã xuất hiện, và Mỹ cũng từng tung ra loạt drone công kích tự động hoá hoàn toàn vào năm 2020. Nhưng những gì chúng ta đang được chứng kiến tại Ukraine, chính là sự bùng nổ của một lớp phương tiện chiến đấu chưa từng xuất hiện trước đây.

Không người lái và tự hành

Xung đột Nga - Ukraine là lần đầu quân đội các nước sử dụng lớp phương tiện không người lái và các nền tảng vũ khí tự động hiện đại, với công nghệ tương đồng nhau. Dù trên lý thuyết, quân đội Nga được đánh giá là ưu việt hơn Ukraine, hai bên đều sở hữu các lực lượng thực chiến có khả năng không khác nhau là bao. So với các lực lượng mà Nga từng đối mặt trong cuộc nội chiến Syria, hay những đối thủ của Mỹ trong hai lần xâm lược Iraq và Afghanistan, điều đang diễn ra trên chiến trường Ukraine ngay lúc này cho thấy một thế trận có vẻ khá cân tài cân sức.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng, đây không phải là cuộc chiến nơi máy móc tàn sát lẫn nhau. Khả năng các vũ khí và phương tiện không người lái hoặc tự hành có tác động đáng kể lên kết quả cuộc chiến là rất thấp, đơn giản là vì chúng chỉ là những nguyên mẫu chưa qua thử nghiệm và có độ ổn định không cao.
Các phương tiện không người lái và tự hành cũng không hẳn là một. Nếu như hầu hết các phương tiện tự hành, tức những cỗ máy có thể hoạt động mà không cần con người can thiệp đều cần không người lái, nhiều phương tiện không người lái lại chỉ có thể hoạt động nhờ sự điều khiển từ xa của con người.
Nhưng quan trọng hơn cả, nhiều phương tiện trong số này chưa bao giờ được thử nghiệm trong thực chiến. Có nghĩa là chúng sẽ được sử dụng với vai trò “hỗ trợ”, thay vì là các phương tiện chiến đấu tự hành, kể cả khi đó là mục đích chúng được thiết kế ra.

Sau drone, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm robot quân sự của thế giới
USV "Harrier" của Anh
Nhưng trước khi sâu hơn vào robot quân sự trên chiến trường hiện đại, chúng ta cần giải thích những loại phương tiện nào hiện đang được triển khai. Không có thứ gọi là “robot sát thủ” trên chiến trường. Đó chỉ là một thuật ngữ bắt tai, được dùng để miêu tả các phương tiện quân sự tự hành và không người lái mà thôi.
Chúng bao gồm các phương tiện bay không người lái (UAV), phương tiện mặt đất không người lái (UGV), và phương tiện bề mặt không người lái (USV, một thuật ngữ khác được dùng để chỉ các phương tiện không người lái trên mặt nước).
Vậy thì câu hỏi đầu tiên cần trả lời là: tại sao không biến robot thành sát thủ và để chúng đánh nhau thay cho con người? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng câu trả lời không mấy liên quan đến những quy chế hay quy định về việc sử dụng “robot sát thủ”.
Trên thực tế, quân đội các nước sử dụng robot cho những mục đích khác hợp lý hơn là mang chúng ra làm bia đỡ đạn. Điều đó không có nghĩa họ không thử nghiệm khả năng tấn công của chúng, bởi có kha khá bằng chứng cho thấy điều đó đã và đang diễn ra rồi!
Sử dụng “robot sát thủ” trên chiến trường không phải là chuyện mới mẻ. Mỹ từng triển khai drone ở Iraq và Afghanistan. Người Mỹ thậm chí từng cử một drone Predator đi làm nhiệm vụ ám sát một đại tướng của Iran.
Điểm khác biệt trong cuộc chiến Nga - Ukraine là sự nở rộ của các UAV và UGV trong vai trò hỗ trợ chiến đấu, ở một quy mô chưa từng thấy trước đây. Cả hai bên đều sử dụng những phương tiện không người lái, để thực thi các tác vụ mà thông thường không thể hoàn thành, hoặc đòi hỏi nhiều nhân lực. Các phương tiện này cũng chưa được thử nghiệm, đó là lý do tại sao cả Nga lẫn Ukraine đều không triển khai chúng với số lượng lớn.

Giai đoạn tối quan trọng trong quá trình phát triển

Phát triển công nghệ thời chiến là một canh bạc đầy thách thức. Mặc cho những đảm bảo chắc nịch từ các nhà sản xuất, không ai biết được sẽ có lỗi gì xảy ra cho đến khi công nghệ đó được mang ra thực chiến.
Trong cuộc xâm lược Việt Nam, Mỹ từng thử nghiệm súng trường M-16 nhằm thay thế M-14 đã lỗi thời. Nhưng điều các binh sỹ đầu tiên sử dụng loại súng này phát hiện ra, chính là nó không hề phù hợp với môi trường rừng núi nếu chưa được tinh chỉnh, và chưa huấn luyện đặc biệt cho người sử dụng. Kết quả là rất nhiều binh sỹ Mỹ đã xuống suối vàng vì M-16.

Sau drone, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm robot quân sự của thế giới
Lính Mỹ làm quen với M-16 trong cuộc xâm lược Việt Nam
Đó là một trong những lý do tại sao nhiều quốc gia dù phủ nhận can dự trực tiếp vào cuộc chiến nhưng vẫn sẵn sàng gửi robot và vũ khí tiên tiến cho chính phủ Ukraine, mục đích của họ là nhờ nước này thử nghiệm giúp khả năng thực chiến của công nghệ vừa phát triển, mà không liều lĩnh hi sinh binh sỹ của chính mình.
Theo Alex Stronell, chuyên gia phân tích chiến địa và trưởng bộ phận UGV của Janes, một tổ chức cung cấp tình báo quốc phòng, thì một trong những điều thú vị đáng lưu ý về việc sử dụng UGV trong cuộc chiến Ukraine chính là sự vắng mặt của một vài thiết kế mà các chuyên gia đồn đoán từ lâu.
Ví dụ, rất nhiều sự chú ý cả trong lẫn ngoài nước Nga đã đổ dồn về mẫu Uran-9… Nó chắc chắn trông khá đáng sợ, và nó cũng được tuyên bố là mẫu UGV chiến đấu tiên tiến nhất thế giới” - Stronell nói. “Tuy nhiên, tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nga đã và đang sử dụng Uran-9 tại Ukraine, và có lẽ lý do bởi nó vẫn cần được phát triển thêm”
Về phía Ukraine, Stronell từng viết rằng quân đội nước này sẽ sớm sở hữu lực lượng UGV THeMIS lớn nhất thế giới. Quả là khó tin, xét việc kho vũ khí của Ukraine chủ yếu là các phương tiện “vay mượn” từ các quốc gia khác.
Milrem, công ty sản xuất ra UGV THeMIS, gần đây công bố Bộ Quốc phòng Đức đã đặt hàng 14 phương tiện để gửi cho Ukraine. Theo Stronell, những phương tiện này sẽ không được trang bị vũ khí. Chúng sở hữu các công cụ để thực hiện nhiệm vụ sơ tán người bị thương, và tìm kiếm, loại bỏ mìn và thiết bị tương tự.
Nhưng có thể tin rằng binh sỹ Ukraine sẽ khám phá ra những phương thức khác, nhằm tận dụng phương tiện này. Bất kỳ ai từng ra trận đều biết rằng không gian là một thứ rất quý giá, và việc mang nhiều hơn phương tiện hơn mức cần thiết là điều vô nghĩa.
Tuy nhiên, THeMIS lại được trang bị “bộ kit chức năng tình báo” của Milrem, bao gồm khả năng “theo sát”. Có nghĩa là nó sẽ trở thành một “con la chiến” xuất sắc để chuyên chở đạn dược và các thiết bị khác. Chưa kể, không lý do gì quân đội Ukraine lại ngại ngùng tinh chỉnh THeMIS bằng các mô-đun chiến đấu, hoặc đơn giản hơn là gắn một hệ thống vũ khí tự hành “nhà làm” lên trên chúng.

Đào tạo tại chỗ

Dù cả thế giới lo sợ kỷ nguyên robot sát thủ trên chiến trường đang đến gần, các chuyên gia tin rằng công nghệ hiện tại đơn giản là chưa thể làm điều đó. Stronell bác bỏ ý tưởng về một tá UGV trang bị như những robot cảnh vệ sát thủ, và được triển khai nhằm phòng thủ tại các điểm chiến lược. Thay vào đó, ông thiên về một mô hình kết hợp người/máy, gọi là “phối hợp người lái - không người lái”, hay M-UMT, trong đó bộ binh chiến đấu với sự hỗ trợ từ máy móc.
Kể từ khi M-16 được trang bị rộng rãi cho binh sỹ Mỹ, quân đội các quốc gia đã hoàn thiện hệ thống các phương pháp, mà họ sử dụng để triển khai các công nghệ mới. Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay, là minh chứng cho thấy các phương tiện tự hành cực kỳ hữu dụng với vai trò hỗ trợ.
Sự thật đơn giản là loài người cực giỏi trong việc tàn sát lẫn nhau mỗi khi chiến tranh nổ ra. Và huấn luyện một con người để làm mọi thứ một binh sỹ cần làm, cũng rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng các nền tảng vũ khí quy mô lớn, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chính chúng ta. Nhu cầu thực sự của quân đội đối với các robot sát thủ thấp hơn rất nhiều, so với những gì mà người dân có thể hình dung được.
Khả năng tìm kiếm của AI, biến chúng trở thành những đơn vị trinh sát hoàn hảo, còn con người phải làm rất nhiều thứ chứ không chỉ xác định kẻ thù và bóp cò súng.
Tuy nhiên, điều đó chắc chắn sẽ thay đổi khi công nghệ AI hoàn thiện hơn. Đó là lý do tại sao Stronell nói rằng các quốc gia châu Âu khác hoặc đang trong quá trình triển khai rộng rãi vũ khí tự hành, hoặc đã làm xong rồi!

Sau drone, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm robot quân sự của thế giới
Quân đội Hoàng gia Hà Lan
Ví dụ, tại Hà Lan, Quân đội Hoàng gia đã tham gia hợp tác huấn luyện tại Lithuania nhằm thử nghiệm các đơn vị THeMIS của riêng họ, trong một kịch bản mà họ gọi là “sứ mệnh giả lập” . Do tính khốc liệt của cuộc chiến Ukraine và bản chất của nó, các quốc gia lân cận, có thể tiến hành các hoạt động huấn luyện tương tự nhau dựa trên thông tin tình báo cập nhật liên tục về cuộc xung đổi. Về cơ bản, cả châu Âu đang quan sát xem Ukraine và Nga, sẽ làm gì với robot của họ, và giả lập cuộc chiến trên lãnh thổ từng nước.
Tình hình này, cũng thôi thúc hoạt động tình báo tìm kiếm những công nghệ liên quan, và không ai nói trước được cuộc chiến sẽ đi theo hướng nào. Chúng ta có thể, sẽ được thấy nhiều đột phá quan trọng trong cả công nghệ AI quân sự lẫn dân sự, từ những bài học đã rút ra trong cuộc chiến này.
Điều đó thể hiện rõ qua những tin đồn rằng Nga cung cấp khoản tiền thưởng lên đến 1 triệu rúp cho bất kỳ ai bắt được một đơn vị Milrem THeMIS từ chiến trường Ukraine. Những món tiền thưởng siêu lớn như vậy, không phải là điều hiếm thấy trong thời chiến, nhưng việc nó được công bố rộng rãi cho thấy Nga thực sự muốn nắm được công nghệ này trong tay.

Hướng đến tương lai

Cuộc chiến Ukraine không phải là nơi những con robot sát thủ xuất kích nhằm “thanh toán” những binh sỹ loài người thuộc phe đối địch. Nhưng viễn cảnh đó nhiều khả năng cũng chẳng bao giờ diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào của chiến trường hiện đại.
Tuy nhiên, trong nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quân sự thông qua bổ sung UGV, hoặc thay thế các phương tiện trinh sát bề mặt và trên không do người lái bằng robot, thì lãnh đạo quân đội các nước dường như khá hào hứng về tiềm năng của AI. Và điều chúng ta đang thấy trong cuộc chiến Ukraine chính là con đường khả thi nhất đối với công nghệ máy móc quân sự tự hành.
Nói vậy không có nghĩa thế giới không phải lo lắng về robot sát thủ, hoặc sự phát triển và phổ biến rộng rãi của chúng trong thời chiến. Chúng ta chắc chắn nên lo sợ, bởi cuộc chiến Ukraine đã góp phần hạ thấp những rào cản xoay quanh phát triển vũ khí tự hành của thế giới.
Tham khảo:
TheNextWeb
>> Cuộc chiến drone ở Ukraine đang thay đổi cục diện trên chiến trường
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top