Shopee cắt giảm nhân sự trên toàn cầu vì tập đoàn mẹ thua lỗ nặng

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Shopee, nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của Sea Limited (Singapore), hôm 19/9 vừa qua đã thông báo với các nhân viên về việc bắt đầu một đợt tái cơ cấu mới, đồng thời cắt giảm một số nhân sự trên toàn thế giới.
Theo bài viết của một trong các nhân viên Shopee ở Thâm Quyến trên nền tảng chia sẻ thông tin công việc Maimai, đã có ít nhất một bộ phận kinh doanh bị cắt giảm đến 2/3 số nhân sự so với trước đó.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, Shopee sẽ cắt giảm khoảng 3% nhân sự tại Indonesia trong khuôn khổ đợt tái cơ cấu mới, bao gồm các bộ phận marketing, vận hành, và công nghệ. Theo nhiều người biết việc, mục đích chính của lần điều chỉnh này là nhằm đơn giản hóa tổ chức và cải thiện hiệu quả hoạt động nói chung. Theo dự tính, tập đoàn này có thể cắt giảm khoảng chưa đến 10% nhân sự tại Shopee Indonesia, và khẳng định hoạt động kinh doanh tại các thị trường sẽ không bị ảnh hưởng.
Quyết định sa thải nhân viên tại Indonesia được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi công ty mẹ của Shopee cho biết các lãnh đạo của họ sẽ ngừng nhận lương, đồng thời thắt chặt chính sách chi tiêu của công ty cho đến khi tình hình bình thường trở lại. CEO, đồng sáng lập, kiêm chủ tịch Forrest Li, còn nói với các nhân viên rằng dù công ty có nguồn dự trữ tiền mặt ổn định, họ vẫn cần phải chuẩn bị cho môi trường tài chính đầy khó khăn, với mục tiêu chính là có được dòng tiền tích cực trong 12 - 18 tháng tới.
Nhằm kiểm soát chi phí và tối ưu hóa hoạt động, Shopee gần đây đã thực hiện nhiều thay đổi. Vài tuần trước, họ đã đóng cửa văn phòng ở Chile, Colombia, và Mexico (vẫn duy trì hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới) và rút hoàn toàn khỏi Argentina. Garena, bộ phận game của công ty, đang dự tính cắt giảm hàng trăm nhân viên ở Thượng Hải.
Sáng lập bởi doanh nhân Trung Quốc là Forrest Li vào năm 2015, Sea đi theo con đường quen thuộc của các công ty internet Trung Quốc xét về thanh thế nhà sáng lập, mô hình kinh doanh, và quy trình tài chính. Có thời điểm, Sea đã được mệnh danh là “Tencent tí hon ở Đông Nam Á” bởi nhận được khoản đầu tư khá lớn từ Tencent. Nền tảng thương mại điện tử của Sea, Shopee, cũng vượt mặt Lazada, vốn thuộc sở hữu của Alibaba, trên nhiều thị trường.
Tuy nhiên, trong năm qua, thị phần của Sea đã giảm hơn 81% trong bối cảnh cổ đông lớn Tencent rút bớt cổ phần trong công ty, và thị trường Ấn Độ đã cấm Shopee cùng sản phẩm game của Sea là Free Fire vì những quan ngại về bảo mật dữ liệu.
Shopee cắt giảm nhân sự trên toàn cầu vì tập đoàn mẹ thua lỗ nặng
Forrest Li, ông chủ Shopee
Nhưng vấn đề lớn nhất là khủng hoảng trong nội bộ công ty. Một số nhân viên Shopee tại Singapore đã xác nhận với tờ PingWest của Trung Quốc rằng kể từ tháng 3/2021, đội ngũ người Singapore của Shopee đã chuyển giao quyền lực cho đội ngũ người Trung Quốc, và hầu hết các dự án kỹ thuật của Shopee cũng được dời sang Thâm Quyến. Chưa hết, đội ngũ quản lý của Shopee Singapore thì bị kiểm soát chủ yếu bởi các lãnh đạo người Trung Quốc; khá nhiều lãnh đạo trong nhóm này đã chuyển sang các bộ phận khác hoặc từ chức.
Đợt tuyển dụng rầm rộ của Shopee tại Trung Quốc vào năm 2021, với hàng loạt thông báo tuyển dụng hoành tráng trên nhiều nền tảng tìm việc lớn, đã mang về cho công ty một lượng lớn nhân viên tài năng. Tên tuổi Shopee càng phổ biến hơn nhờ được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc thảo luận, cũng như những bài viết so sánh nền tảng này với các nền tảng tương tự khác, trên các diễn đàn ở Trung Quốc.
Một người biết việc tiết lộ rằng bên cạnh việc tuyển mộ các lãnh đạo, Shopee còn tìm cách thâu tóm số tài năng R&D từ các công ty internet lớn của Trung Quốc bằng những khoản lương cao ngất ngưỡng. Một kỹ thuật viên có kinh nghiệm tại Alibaba thường nhận lương hàng năm từ 600.000 - 1,5 triệu nhân dân tệ, nhưng ở Shopee, họ nhận được đến 2,2 triệu nhân dân tệ (7,3 tỷ đồng).
Nhiều nhân viên Shopee cho biết sau đợt tái cơ cấu lớn, Shopee còn khoảng 4.000 nhân viên ở Thâm Quyến và khoảng 1.000 nhân viên ở Singapore - bằng với hồi tháng 3/2021. Trong những năm đầu thành lập, trung tâm R&D Thâm Quyến có khá ít nhân sự, trong khi đội ngũ kỹ thuật và bảo trì nền tảng ở thời điểm đó đều là người Singapore.
Số lượng các nhân viên người Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Công ty còn có ý định xây dựng một trụ sở khác ở Bắc Kinh, có thể sẽ lớn ngang trụ sở Thâm Quyến” - theo một người có quan hệ với các lãnh đạo Shopee.
Giữa thời buổi kinh tế chuyển biến phức tạp, Shopee đã và đang trở thành một công ty Trung Quốc trong mắt của nhiều nhân viên!
Tham khảo: PanDaily
>> Tài sản của ông chủ Shopee bốc hơi 80%
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top