“Siêu giày” trong marathon hoạt động thế nào

Tiết kiệm năng lượng, tạo ra lực đẩy nhiều hơn về phía trước và tăng chiều dài sải chân là điểm chung của những đôi "siêu giày" đang làm rúng động thế giới marathon.
“Siêu giày” trong marathon hoạt động thế nào
Runner Tigist Assefa dùng "siêu giày" Adizero Adios Pro Evo 1
Ngày 24/9, runner Tigist Assefa dùng "siêu giày" mới nhất của Adidas - đôi Adizero Adios Pro Evo 1 siêu nhẹ - để lập kỷ lục marathon nữ với 2 giờ 11 phút 53 giây tại Berlin. Thành tích mới nhất của chân chạy Ethiopia cũng tốt hơn đáng kể so với hai kỷ lục thế giới trước đó, lần lượt là 2 giờ 14 phút 4 giây của VĐV Kenya Brigid Kosgei tại Chicago Marathon 2019 và 2 giờ 15 phút 25 giây của VĐV Anh Paula Radcliffe tại London Marathon 2003.
Hai tuần sau, đến lượt Kelvin Kiptum vô địch Chicago Marathon với kỷ lục 2 giờ 0 phút 35 giây, phá sâu cột mốc cũ 2 giờ 1 phút 9 giây do huyền thoại đàn anh Eliud Kipchoge lập tại Berlin 2022. Trong ngày đi vào lịch sử, Kiptum sử dụng NikeDev163 - nguyên mẫu giày thể thao mạ carbon mới nhất của Nike.
“Siêu giày” trong marathon hoạt động thế nào
Kiptum dùng đôi NikeDev163 khi về nhất, lập kỷ lục thế giới ở Chicago Marathon 2023 ngày 8/10, trong khi người người về nhì, đồng hương Rhonex Kipruto dùng đôi Adios Pro Evo 1. Ảnh: AFP
Nhưng đến giờ, Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) không có ý định kiểm soát sự phát triển của những "siêu giày". Lần gần nhất họ cập nhật các quy tắc mới liên quan đến giày thi đấu là đầu năm 2022, nhưng chỉ áp dụng với các loại giày đinh dùng cho các nội dung thi đấu trong sân vận động (track). Với giày chạy đường bộ (road), quy định của World Athletics vẫn chỉ là độ dày của đế không quá 40 mm - biện pháp được cho là chỉ hạn chế, thay vì cản trở các nhà sản xuất tiếp tục cải tiến công nghệ khi làm ra những "siêu giày". Khác với cách Liên đoàn Bơi lội Thế giới (World Aquatics) hồi 2009 cấm VĐV sử dụng đồ polyurethane công nghệ cao để phá gần 200 kỷ lục trong hai năm, World Athletics cho rằng bằng các chế tài hiện tại, họ vẫn giữ được tính công bằng cho sân chơi điền kinh.
"Siêu giày" đầu tiên được Nike đưa ra vào năm 2016, từ đó mở ra cuộc chạy đua sản xuất những đôi giày loại này từ các nhãn khác. Sự bùng nổ những đôi giày này từ 2020 cũng trùng với thời gian các chân chạy viết lại toàn bộ kỷ lục điền kinh từ cự ly 5.000m trở lên. Điểm chung của các kỷ lục đó là VĐV đều sử dụng đôi giày đường trường dày hơn, với mức tiết kiệm năng lượng được cho là khoảng 4% tùy từng trường hợp.
Các "siêu giày" này phải tuân thủ quy tắc của World Athletics về chiều cao đế giày tối đa 40mm trên đường trường và 25mm trên đường chạy track. Thông thường, những đôi này, trước khi được các VĐV sử dụng để thi đấu, phải có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ, cho phép VĐV dùng những phiên bản đang phát triển và sẽ được tung ra thị trường trong một năm sau đó, miễn là chúng đáp ứng các nguyên tắc kỹ thuật của World Athletics.
NikeDev163 - đôi giày mà Kiptum sử dụng khi lập kỷ lục tại Chicago Marathon ngày 8/10 - là một ví dụ của ngoại lệ này, khi nó được World Athletics phê duyệt để sử dụng thử nghiệm đến ngày 3/12/2023. Cơ quan này xem những ngoại lệ như NikeDev163 là cách để thế giới điền kinh cân bằng giữa nhu cầu đổi mới, tạo thêm sức hút cho môn thể thao, đồng thời vẫn đảm bảo mang lại doanh thu khổng lồ cho các nhà sản xuất.
Vậy một đôi "Siêu giày" sẽ có gì? Đầu tiên, nó phải được gia cố carbon. Theo đó, nhà sản xuất sẽ chèn vào phần đế giữa bằng xốp một miếng hoặc một số thanh carbon cong để giúp duy trì hình dạng của giày, thúc đẩy chuyển động lắc lư tối ưu, được gọi là hiệu ứng "lắc lư". Hình dạng của chiếc giày có vai trò rất quan trọng, có thể giúp bàn chân hoạt động hiệu quả hơn.
"Một số chi tiết cho thấy việc có những thanh carbon cong sẽ giúp ích", Tiến sĩ Aimee Mears, giảng viên cao cấp tại Viện Công nghệ Thể thao của Đại học Loughborough, giải thích. "Một là nó làm thay đổi và có thể cải thiện cơ chế hoạt động của các cơ ở mắt cá chân để tạo ra lực. Thứ hai là thanh carbon cong có thể hoạt động như một đòn bẩy để đẩy gót chân và giúp đẩy người bạn về phía trước".
Lớp bọt đế giữa có độ đàn hồi đặc biệt. Hầu hết các "siêu giày" đều sử dụng chất liệu đế giữa có tên là Pebax. Dù những thanh carbon cong đóng vai trò quan trọng, phần lớn năng lượng thực sự từ các "siêu giày" được tối ưu hóa trong lớp bọt này.
"Tôi có thể nói rằng bước đột phá công nghệ lớn nhất là làm cho những loại bọt này nhẹ hơn", Tiến sĩ Allen giải thích. "Bằng cách làm cho nó nhẹ hơn, bạn có thể làm cho nó dày hơn và tạo ra nhiều lực đẩy hơn". Cũng theo nhà nghiên cứu người Anh, nguyên tắc cơ bản nhất của những đôi "siêu giày" là hướng đến việc tận dụng hiệu quả hơn năng lượng mà các runner tạo ra.
“Siêu giày” trong marathon hoạt động thế nào
Phần mũ giày và đế ngoài siêu nhẹ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiết kiệm 100 gam trọng lượng có thể tương đương với 1% năng lượng. Ở những "siêu giày" mới nhất, các nhà khoa học đã tập trung vào việc giảm bớt cả phần đế ngoài tiếp xúc với mặt đất và các lớp mũ phía trên bàn chân. Adidas gần như đã loại bỏ đế ngoài cao su trên Adios Pro Evo 1. Trong khi đó, dù chưa chính thức tung ra thị trường Alphafly 3 mới, Nike được cho đã giảm phần tương tự của giày.
"Họ đã tiết kiệm đáng kể trọng lượng cho đế ngoài", Mears nói. "Đó là điểm khác biệt chính giữa các nguyên mẫu trước đây và các đôi giày hiện tại". Phần lớp xung quanh bàn chân cũng được làm từ vật liệu siêu mỏng được thiết kế để có trọng lượng thấp, hơn là chú ý vào độ bền. Đây cũng là yếu tố khiến Adidas khuyến cáo rằng đôi Adios Pro Evo 1 chỉ sử dụng tối ưu trong một cuộc chạy marathon.
Đế giày ngày càng cao. Giới hạn độ dày của đế với giày đường trường là 40mm và hầu hết các thiết kế mới nhất của "siêu giày" đều đạt hoặc gần với giới hạn này. "Với chiều cao đế giày tăng lên, về lý thuyết là bạn đang tăng chiều dài chi dưới của mình và điều đó có khả năng là chiều dài sải chân của bạn có thể góp phần giúp bạn chạy nhanh hơn", Mears phân tích.
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng đánh giá đặc điểm cụ thể nào của "siêu giày" là quan trọng nhất, dù các chuyên gia hiện tin rằng chính sự kết hợp giữa carbon, lớp bọt, chiều cao và trọng lượng giảm đã khiến đôi giày nhanh hơn rất nhiều.
Hồng Duy – VnExpress/Telegraph
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top